Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lân cùng đồng đội chụp ảnh với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang.
Kết nối quá khứ và tin tưởng vào tương lai, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Lân cho rằng, trong bất cứ hoàn cảnh, nhiệm vụ nào, nhân dân luôn là động lực, là hậu phương vững chắc cho cách mạng thành công.
Trong bất cứ nhiệm vụ nào cũng cố gắng làm tốt
* Thưa ông, trước khi vào Nam chiến đấu, ông đã 2 lần được gặp Bác Hồ, điều này có ý nghĩa gì với bản thân ông cũng như những người lính thời ấy?
- Tôi may mắn 2 lần được gặp Bác Hồ trước khi vào Nam chiến đấu. Lần đầu tiên là năm 1962, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở nước bạn Lào, tôi được cử đi học sĩ quan. Khi đó tôi về Hà Nội để chuẩn bị lên Sơn Tây học thì được chọn vào đội tham gia tập duyệt binh để mừng Quốc khánh 2-9. Rất vinh dự là hôm đó có Bác Hồ đi kiểm tra, bác trò chuyện ân cần, nhắc nhở chúng tôi và dặn phải tập luyện cho đều, đẹp vì ngày đó nước ta đón nhiều khách quốc tế. Và sau đó, lễ kỷ niệm diễn ra tốt đẹp, chúng tôi được nhận lời khen của Bác thông qua đồng chí Văn Tiến Dũng, lúc đó là Thượng tướng. Điều này rất vinh dự và hạnh phúc đối với bất cứ người lính nào.
Lần thứ 2 là lúc tôi đang đi học sĩ quan, Bác Hồ đến thăm nhà trường, Bác đi kiểm tra nơi ăn, ở của học viên và khi gặp chúng tôi bác nói chuyện khoảng năm phút nhưng câu cuối cùng tôi vẫn còn nhớ đó là bác dặn thời gian học còn lại các cháu học cho tốt, mai sau ra trường dù đi đâu, làm gì các cháu cũng phải cố gắng hết sức hoàn thành nhiệm vụ. Những lời ân cần ấy của Bác luôn là hành trang để chúng tôi có thêm động lực, ý chí trong công tác.
* Có 10 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam, nhiệm vụ chính mà ông đảm nhận là gì?
- Năm 1965, chúng tôi vượt đường Trường Sơn vào Nam, bám rừng, hành trang mang theo chỉ có quần áo bà ba và chiếc gậy. Thời điểm đó, đường Trường Sơn chưa có, phải băng rừng lội suối, cũng chưa có binh trạm, đoàn chúng tôi phải mất ròng rã 3 tháng trời luồn rừng mới về đến Đồng Nai, được điều về Trung ương cục Miền Nam nhận nhiệm vụ. Trên đường đi, rất nhiều gian khổ, có những đồng đội đã ngã xuống.
Tôi được giao nhiệm vụ là phải tìm hiểu, thu thập, viết tài liệu và truyền đạt cho bộ đội ta những phương pháp để chống chiến tranh hóa học của địch. Từ đó tạo loại đạn để khắc chế và đáp trả, gây tổn thất cho đối phương.
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Lân là người con của vùng quê phố cổ Đường Lâm, Hà Nội. Năm nay ông 87 tuổi, có 59 năm tuổi Đảng; ông nhập ngũ năm 1960, kinh qua nhiều chức vụ như: Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 14; Tham mưu phó Lữ đoàn 429, Binh chủng Đặc công. Hiện ông sống tại phường Long Bình Tân (thành phố Biên Hòa).
Tôi cũng trực tiếp tham gia 23 trận đánh trên các cương vị Phó tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 14, Lữ đoàn Đặc công 429. Tôi đã chỉ huy đơn vị đánh nhiều trận gây được tiếng vang lớn như trận Bù Bông, Quảng Đức, Đắk Nông bây giờ, góp phần mở rộng hành lang chiến lược trong chiến dịch Nam Tây Nguyên; đánh tiêu diệt căn cứ Bù Na, Phước Long làm chủ trận địa và giải phóng hơn 20km quốc lộ 14 từ Đồng Xoài đến Bù Đăng. Từ đó góp phần giải phóng tỉnh Phước Long ngày 6-1-1975.
* Khi chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, ông và các chiến sĩ mang trong mình tâm thế ra sao trước “trận đánh lớn”?
- Thực tế thì khi chúng tôi cùng các đơn vị khác giải phóng Phước Long xong nhận được lệnh tiến xuống Long An, lúc này vẫn chưa biết chính xác đó là nhiệm vụ gì. Từ Phước Long hành quân xuống đến Long An, công tác chuẩn bị rất gấp rút để đánh trận mở cửa từ sông Vàm Cỏ thông qua đường 4 rồi dần mở rộng ra.
Đến chiều 26-4-1975, tôi nhận được tin chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Chúng tôi nhận được lệnh đánh từ hướng Nam Sài Gòn lên tiêu diệt chi khu cảnh sát quận 8. Chiến đấu 4 ngày đêm tiêu diệt được chi khu cảnh sát, đánh chiếm cầu Nhị Thiên Đường mở đường cầu chữ Y cho các cánh quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Tới 10h ngày 30-4-1975, chúng tôi phối hợp với lực lượng địa phương giải phóng quận 8.
Niềm vui, niềm hạnh phúc rất lớn lao khi tiểu đoàn chúng tôi được góp công sức trong thời khắc lịch sử. Giải phóng được quận 8 là sự nỗ lực và là thành quả xuất sắc của các anh em chiến sĩ.
Lòng dân là điều tiên quyết để thành công
Anh hùng lực lượngvũ trang nhân dânNguyễn Văn Lân. Ảnh: V.Gia
* Qua 50 năm, nhìn lại thành quả của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, thống nhất đất nước, ông có cảm nhận thế nào về lòng dân, tình cảm của nhân dân đối với cách mạng nước ta?
- Có nhân dân thì tất thảy nhiệm vụ nào dù có khó khăn đến đâu cũng đều có thể thực hiện được. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, điều này được Bác Hồ căn dặn và luôn đúng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng tôi vượt được Trường Sơn vào Nam chiến đấu cũng là nhờ sự che chở của nhân dân. Hoạt động 10 năm trên chiến trường miền Đông Nam Bộ rồi tới cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân 1975, tất cả chúng tôi nhận được sự đùm bọc, hỗ trợ lớn lao từ nhân dân.
Có thể nói, nghệ thuật quân sự của Việt Nam rất đặc sắc, dựa vào dân mà đánh giặc, toàn dân đánh giặc nên đến thời điểm, thời khắc cuối cùng các trận đánh, mũi tiến công đã được chuẩn bị kỹ càng, trúng thời điểm là nhất tề tiến quân thần tốc, không thể chống đỡ. Và tình cảm của nhân dân là động lực thôi thúc mỗi người lính thêm quyết tâm để giành thắng lợi hoàn toàn.
* Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, là một cựu chiến binh dày dạn bản lĩnh trong thời chiến, ông kỳ vọng như thế nào về tương lai của đất nước nói chung và Đồng Nai nói riêng?
- Chống giặc ngoại xâm là truyền thống của ông cha ta. Nhưng trước đây đất nước có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình, hiện nay, đất nước có niềm vui thanh bình, trên đà phát triển mạnh. Đảng, Nhà nước đang thực hiện các giải pháp để đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên vươn mình. Đây là chủ trương lớn, là vận hội để Việt Nam phát triển. Tôi cho rằng những quyết sách ấy như là “gạn đục khơi trong”, tháo gỡ những rào cản bấy lâu nay. Đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình cũng là mục tiêu lớn lao mà nhiều thế hệ người dân Việt Nam đã cống hiến để có được như ngày nay. Và chắc chắn khi dựa vào dân, đưa ra những quyết sách phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân sẽ gặt hái được thành công, viết tiếp những khúc ca trong xây dựng đất nước.
Với tôi, Đồng Nai là quê hương thứ hai. Vì đây là nơi tôi đã hoạt động, chiến đấu lâu dài nên có rất nhiều tình cảm, kỷ niệm. Vì thế, 37 năm trước, khi nghỉ hưu, tôi đã chọn Đồng Nai làm nơi sinh sống.
Tôi được trải qua, chứng kiến những năm gian khó của quân dân Đồng Nai trong chiến tranh rồi hòa bình, thống nhất đất nước. Đồng Nai với sự đồng lòng, chung tay của Đảng, chính quyền, người dân đã từng bước phát triển trở thành tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về phát triển kinh tế. Đối với thế hệ trẻ, được sống trong hòa bình là một niềm hạnh phúc lớn lao. Thời bình là thời mà tuổi trẻ phải quyết tâm, kỷ luật bản thân, phát huy những gì tốt đẹp nhất về trí tuệ để cống hiến và xây dựng đất nước.
* Xin cảm ơn ông!
Văn Gia (thực hiện)
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lân.