Du khách chụp hình lưu niệm với cây đa cổ thụ tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: B.Nguyên
Đây không chỉ là “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ mà còn là "địa chỉ đỏ" của cả nước với 3 di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia là địa đạo Suối Linh, Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy miền Đông Nam Bộ. Mỗi năm vào tháng tư, nơi đây đón rất nhiều đoàn khách, trong đó có nhiều cựu chiến binh về nguồn ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa. Đây cũng là mùa trái rừng chín, mùa để lại nhiều kỷ niệm với những chiến sĩ từng sống, chiến đấu ở rừng CKĐ.
Nhiều kỷ niệm đáng nhớ về trái rừng chiến khu
Nếu chịu khó sưu tầm, chúng ta sẽ tìm được khá nhiều câu chuyện thú vị về trái rừng CKĐ. Trong các loại trái rừng, trái guồi (còn gọi là gùi) có nhiều nhất trong những khu rừng già, những dây guồi bám theo cây cổ thụ cao đến vài ba chục mét. Việc hái trái rất gian nan nhưng luôn thu hút người ở rừng. Những chùm guồi chín vàng rực có hàng chục trái to, nhỏ không đều nhau luôn để lại ấn tượng sâu sắc cho người có duyên thưởng thức. Xé lớp vỏ vàng cam mỏng manh ra là màu vàng rực rỡ của những múi guồi đơm dính vào nhau có vị ngọt ngọt, chua chua, ăn hoài không ngán.
Trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, làng dân tộc Chơro (tại xã Lý Lịch, nay là xã Phú Lý) là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Làng gắn liền với tên tuổi già làng Năm Nổi (tên thật là Nguyễn Văn Nổi), Bí thư Chi bộ Đảng của xã Lý Lịch - chi bộ độc lập đầu tiên ở vùng căn cứ cách mạng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số miền Đông Nam Bộ. Cả đời gắn bó với rừng, được rừng nuôi sống, che chở vượt qua bom đạn, nên sau giải phóng, khi có điều kiện, già làng Năm Nổi đã trồng cả trăm loại cây đặc sản rừng CKĐ trong vườn nhà như: cây ký ninh trị bệnh sốt rét, các loại cây ăn trái rừng… Một trong những cây rừng được già làng Năm Nổi trồng rất sớm là dây guồi.
Du khách chụp hình check in với cây mít nài - loại trái cây hoang dã được thú rừng rất thích.
Già làng Năm Nổi từng chia sẻ: "Trái guồi hữu dụng với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào sống trong CKĐ. Từ giữa tháng 3, trái guồi còn xanh là có thể bẻ về xắt lát làm dưa chua. Ăn guồi làm dưa chống đói mà không bị đầy bụng như ăn guồi chín". Theo già làng Năm Nổi, dây guồi chỉ phát triển và có trái ở vùng đất bằng, rừng cây, chứ khu vực đồi núi không có guồi.
Về rừng chiến khu có dịp gặp được những cựu chiến binh từng gắn bó với rừng, chúng ta sẽ có cơ hội nghe những câu chuyện cảm động về những năm tháng đánh giặc, sống giữa rừng mênh mông đầy muỗi độc. Họ thường phải chịu đựng cái đói vì trong bán kính vài chục km không có dân, tiếp tế rất khó bởi địch vây tứ bề. Có trường hợp nữ chiến sĩ đang mang thai, chỉ có trái rừng giúp làm đỡ cơn nghén. Có người đưa ra sáng kiến ngâm những trái rừng chua vào nước tro cỏ tranh (thay muối, vì ở CKĐ thường xuyên thiếu muối) để ăn cho có chút vị đậm đà. Khi hết ở rừng, vị chua, chát của những trái rừng lại trở thành sự hoài niệm thiết tha, họ chỉ muốn có cơ hội được thử lại những trái rừng từng một thời gắn bó.
Theo chị Vũ Thị Mai Thy, vào mùa ươi cho trái, lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thường đi khảo sát, đếm xem trong rừng có bao nhiêu cây. Lực lượng kiểm lâm và UBND xã Mã Đà phải lập các chốt kiểm tra 24/24 giờ để bảo vệ lâm sản, bảo vệ ươi. Đây cũng đang là mùa cao điểm chống cháy rừng nên tất cả lực lượng kiểm lâm đều vào rừng làm nhiệm vụ.
Thức ngon của chim muông, thú rừng
Không thể kể hết các loại cây cho trái và lá ăn được ở rừng chiến khu như: trái rùm đuôn, trái gùi, trái ớt, trái trường, trái sót, trái mây, trái viết, trái bứa, trái cám, trái trám, trái quăng, chôm chôm rừng, cò ke, nhãn lồng, chùm moi, cơm nguội, dù dẻ... Cùng với nhiều loại lá rừng ăn được, trái rừng từng là nguồn thực phẩm vô tận, giúp bộ đội, thanh niên xung phong và những người từng sống và chiến đấu ở chiến khu đỡ đói, khát. Nhiều loại trái rừng còn là bài thuốc Đông y, hỗ trợ chữa được nhiều bệnh như: tiêu chảy, tích trệ, giảm đau, sát trùng, mát gan...
Rừng đang vào mùa ươi - loại trái được thị trường ưa chuộng, có thời điểm có giá bán lên đến 700-800 ngàn đồng/kg. Chính vì vậy, nhiều người dân đã vào rừng khai thác ươi.
Anh Hồ Ngọc Tính, kiểm lâm viên thuộc Trạm Kiểm lâm di tích Trung ương Cục miền Nam, chia sẻ từ tháng 3 đến tháng 5 là mùa rất nhiều trái rừng chín. Trái cây rừng rất đa dạng, đều ăn được nhưng đa số là trái chua như: chôm chôm rừng vỏ màu vàng, có vị chua gắt; trái trường có hương vị hơi giống trái vải, vị ngọt ngọt, chua chua... Người đi rừng gặp trái chín thường chỉ hái một ít ăn chơi, còn lại là thức ăn yêu thích của các loài chim, thú. Chuối rừng dễ sống nên thường mọc lan thành từng vạt ở các bãi đất bìa rừng trồng, là nơi yêu thích của đàn voi rừng, bò tót. Khi chuối chín, voi rừng ra ăn nhiều. Những khu vực có nhiều chuối rừng hoặc trái cây rừng, các loài chim, thú thường tìm về vào mùa trái chín.
Món nước mát từ hạt ươi, hạt é.
Trong rừng, cây ươi mọc nhiều, hạt ươi bán với giá cao nên nhiều người dân vào rừng khai thác trái phép. Hạt ươi già rụng xuống lại lên cây mới nên số lượng cây ươi ngày càng tăng. Có nhiều gốc ươi đã 40-50 năm tuổi. Tuy hạt ươi có giá bán rất cao nhưng trồng cả chục năm mới cho trái, 3 năm mới trúng mùa, củi ươi lại không có giá trị cao nên không ai nghĩ đến việc trồng.
Chị Vũ Thị Mai Thi, hướng dẫn viên của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho biết trên đường vào Căn cứ Trung ương Cục miền Nam có rất nhiều gốc cây đa và cây kơ nia (còn gọi là cây cày) cổ thụ. Ấn tượng nhất là gốc kơ nia phải 10 người ôm mới hết. Đây cũng là loại cây rừng cho trái rất ngon, là thức ăn yêu thích của heo, sóc, các loài chim rừng. Ở Tây Nguyên, trái kơ nia được khai thác làm sản phẩm du lịch, hạt ăn bùi thơm rất hấp dẫn. Cây đa cũng cho quả rất ngon, là thức ăn yêu thích của các loài chim. Các loài chim ăn trái đa, vương hạt trên nhiều cây rừng. Hạt trái nảy mầm và thả các bộ rễ dài xuống cắm vào đất để phát triển. Thời gian đầu, cây đa và cây rừng ký sinh mọc xoắn xít như đôi tình nhân thắm thiết. Nhưng khi cây đa bên ngoài lớn sẽ làm chết cây bên trong nên người ở rừng còn gọi “cây đa bóp cổ” hoặc “cây phản bội”.
Ở những cánh rừng CKĐ có một loài chim đặc biệt là hồng hoàng rất thân thiện với con người. Chim hồng hoàng còn được gọi là nhà nông của khu rừng vì nó rất thích ăn các loại trái cây, sau đó vương hạt khắp khu rừng để mọc lên những cây trái mới.
Bình Nguyên