Từng bị B52 ném bom, rải chất độc hóa học nhằm “nhổ cỏ U Minh” nhưng cư dân bản xứ “một tấc không đi, một ly không rời”. Người dân U Minh quyết bám trụ, chung tay che chở và bảo vệ vững chắc vùng căn cứ của Khu ủy trực thuộc Trung ương Cục miền Nam.
Sức mạnh lòng dân làm nên chiến thắng
Những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi về lại khu vực Dớn Hàng Gòn, một trong những địa chỉ đỏ ở vùng căn cứ U Minh, nay thuộc ấp 3 của xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Chung xe còn có chú Năm Chiến (Huỳnh Văn Chiến, 82 tuổi, ngụ ấp 4 xã Khánh Lâm), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Khánh Lâm, có thời gian dài tham gia du kích địa phương trong kháng chiến chống Mỹ.
Cựu chiến binh Huỳnh Văn Chiến kể lại trận ném bom của B52 tàn phá miệt rừng U Minh hạ.
Gặp lại đồng đội năm xưa có chú Ba Bé (Dương Văn Bé, 79 tuổi, từng là du kích địa bàn ấp 3 của xã Khánh Lâm) đang đợi sẵn dưới mái hiên một điểm trường tiểu học, nay thành trụ sở sinh hoạt của ấp 3. Với hai chú, khu vực Kinh Dớn-Hàng Gòn chất chứa nhiều kỷ niệm vui buồn không thể quên.
Theo dòng hồi ức, chú Năm Chiến cho hay, là vùng căn cứ nên ngày trước đồn địch đóng quân khắp nơi, xua quân đi càn quét liên tục. Nhất là mùa hè từ năm 1969-1972, Vùng 4 Chiến thuật của ngụy liên tục đổ quân, bố ráp khắp vùng căn cứ Khánh Lâm. Cứ sau mỗi đợt địch đưa quân vào đánh và rút ra thì tiếp theo đó là pháo địch ở các đồn và ở các tàu chiến ngoài biển nã vào, còn trên trời thì máy bay ném bom, rải thảm chất hóa học.
Cựu chiến binh Năm Chiến và Ba Bé (giữa) chụp hình lưu niệm tại Cụm “Bia Căm thù” với Ban nhân dân ấp 3, xã Khánh Lâm.
Đưa mắt về cụm “Bia Căm thù” cạnh trụ sở ấp 3, giọng chú Năm Chiến trở nên lạc đi khi nhắc lại sự kiện B52 của địch rải bom vào 11/1969. Đợt ném bom đó gây mất mát lớn cho đồng bào Khánh Lâm, với 65 người thiệt mạng, hơn 100 người bị thương. “Cả khu vực dài khoảng 2km trong vùng bị tàn phá tan hoang và nặc mùi thuốc súng. Nặng nhất là gia đình ông Hai Ẩn, có 4 người đều thiệt mạng. Không có ván gỗ, mọi người tập trung lại lấy ván xuồng đóng quan tài mà cũng không đủ để đưa tiễn đồng bào mình”, chú Năm Chiến bỏ lửng câu nói.
Góp nhặt lại chuyện xưa, đôi mắt cựu chiến binh Ba Bé trở nên sắc lẹm. Chú nói rằng, đau thương, mất mát của đồng bào càng khơi dậy tinh thần chiến đấu quật cường của bộ đội và du kích địa phương. Bởi ngày đó, những người như chú không nghĩ đến sinh tử, quyết chiến đến cùng để chống lại áp bức bất công, để giải phóng dân tộc…!
Cựu chiến binh Dương Văn Bé (bìa trái) thuật lại tấm gương người lính Phan Văn Thuấn năm xưa kiên cường chiến đấu chống giặc, dù thân mình đầy vết thương.
Dẫn lại câu chuyện đầy tự hào của cựu binh Phan Văn Thuấn, chú Ba Bé cho hay, trong một trận đánh ác liệt ở đất rừng U Minh, ông Thuấn trúng bom mìn của địch, ổ bụng đầy vết thương. Ông Thuấn cột khăn ngang bụng để tiếp tục chiến đấu đến khi mất máu nhiều, ngất xỉu tại chỗ mà tay vẫn còn ôm súng. “Đồng đội cõng về, may mắn gặp được y sĩ quân y dọc đường, mổ phẫu thuật tại chỗ với 9 đoạn ruột bị thủng. Nhờ đó, ông Thuấn thoát chết, trở thành biểu tượng kiên cường của người lính diệt giặc ở miệt rừng U Minh”, chú Ba Bé, thuật lại.
Khí tài tiên tiến của kẻ thù có thể phá hủy nhà cửa, khiến đất đai bị loang lổ nhưng không nhổ cỏ được U Minh, không làm lung lay ý chí tiến công cách mạng mà càng nung nấu quyết tâm chiến thắng kẻ thù của lực lượng quân giải phóng.
Chú Ba Bé đúc kết: “Họ không thắng được mình bởi ở ta là cuộc chiến toàn dân, đâu đâu cũng có nhân dân đùm bọc, che chở”. Góp về câu chuyện lòng dân, theo lời chú Năm Chiến, tình quân-dân ngày trước như “cá với nước”, đi tới đâu hễ đói bụng là dân nấu cơm, gói bánh cho ăn, bất kể là ngày hay đêm.
“Mấy má nuôi bộ đội như nuôi con, bị thương cũng gởi nhà các má, cái gì ngon đều dành cho bộ đội, đến nỗi gà vịt nuôi trong nhà ít con nào kịp lớn. Có nhà dành gạo nuôi bộ đội, đến không còn cũng đi mượn chứ không than vãn nửa lời” , chú Năm Chiến, nói.
Vượt lên tàn phá của chiến tranh
Gần 50 năm sau ngày “đất nước trọn niềm vui”, bắc-nam sum họp một nhà, những dấu vết do bom, đạn tàn phá năm nào giờ đã thành những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu. “Bia Căm thù” tưởng nhớ nhân dân đã mất trong trận ném bom của B52, giờ cũng trở nên nhỏ hơn những căn nhà tường, nhà ngói khang trang trong khu vực Kinh Dớn-Hàng Gòn. Khắp vùng này, xe hơi chạy thông thống từ đầu thôn đến cuối xóm, thông đường về tận trung tâm các xã Khánh Hòa, Khánh Tiến, Khánh Hội và thị trấn U Minh...
Một góc quê hương xã Khánh Lâm ngày nay trên đường đổi mới, hội nhập, phát triển...
Nghị lực kiên cường trong chiến đấu càng thôi thúc những cựu chiến binh như chú Ba Bé, Năm Chiến vượt khó vươn lên trong thời bình, với mô hình đa canh trong nông nghiệp, cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, trở thành những hộ khá giả tại địa phương. Chú Ba Bé khoe: “Ngoài 2 vụ lúa, mỗi năm gia đình tôi thu 3 lứa heo, được hơn 100 triệu đồng. Chiến tranh còn không sợ, không làm tôi chết thì đói nghèo sao có thể làm khó được già này”.
Khu Di tích lịch sử nơi ở và làm việc của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được xây dựng tại vùng căn cứ cách mạng thuộc xã Khánh Hòa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Khánh Lâm là xã anh hùng, cũng là xã an toàn khu, từng là xã có diện tích lớn, tách ra thành 4 xã như ngày nay là Khánh Lâm, Khánh Tiến, Khánh Hòa và Khánh Hội. Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng trong quá khứ, suốt thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Khánh Lâm đã luôn đoàn kết, khơi dậy nội lực, tranh thủ các hỗ trợ của cấp trên để từng bước hoàn thiện hạ tầng, thúc đẩy kinh tế-xã hội ngày càng tiến lên theo chiều hướng tích cực.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Khánh Lâm Lê Thanh Mãi, cho biết: Kết cấu hạ tầng giao thông của xã đến nay đã được đầu tư đạt khoảng 90%; sông ngòi, kênh thủy lợi được nạo vét đảm bảo phục vụ người dân phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn lên 59 triệu đồng/người/năm như hiện nay. So với 30% của năm 2010, hộ nghèo toàn xã hiện chỉ còn 5%.
Vùng căn cứ cách mạng ở miệt rừng U Minh hạ được quan tâm đầu tư hạ tầng, giúp con em được học hành, nhà nhà có cơm no, áo ấm.
Đất rừng U Minh hạ chịu nhiều tổn thương trong chiến tranh đang từng bước hồi sinh, chuyển mình, trở thành một trong những khu vực giàu tiềm năng nơi cực Nam Tổ quốc. Nơi ấy hiện có Khu công nghiệp Khí-Điện-Đạm Khánh An, là một trong những khu công nghiệp trọng điểm lớn của Quốc gia, góp nguồn thu vào ngân sách tỉnh Cà Mau trên dưới 1.000 tỷ đồng/năm. Những cánh rừng tràm bạt ngàn từng che chở bộ đội năm nào giờ cũng trở thành những thửa rừng kinh tế, trồng cây lâm nghiệp theo hình thức thâm canh năng suất cao. Gắn với đó là những làng nghề truyền thống vùng nông thôn, trong đó có nghề gác kèo ong truyền thống, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia…
Dưới tán rừng tràm, nông dân U Minh còn canh tác nông nghiệp, trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc nuôi cá đồng, góp phần nâng cao thu nhập thêm sự trù phú về đặc sản của quê hương, xứ sở để phục vụ khách thập phương mỗi khi có dịp ghé thăm U Minh.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Huỳnh Minh Nguyên, nhờ sự hỗ trợ nhiều mặt từ tỉnh và bộ, ngành Trung ương nên suốt chặng đường đã qua, U Minh bám sát chủ trương để tái cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế đúng hướng, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân. “Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ mà đến cuối năm 2024, toàn huyện chỉ còn 723 hộ nghèo, chiếm 2,7% so với tỷ lệ hộ nghèo 16,7% vào thời điểm năm 2008”, Đồng chí Huỳnh Minh Nguyên, chia sẻ.
Song hành với phát triển kinh tế, trong khoảng 15 năm qua, bằng nhiều nguồn khác nhau, toàn huyện U Minh còn xây dựng được hơn 3.000 căn nhà hỗ trợ cho hộ gia đình chính sách, hộ gia đình người có công, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số… Đây không chỉ đơn thuần về mặt an sinh xã hội còn là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và thế hệ hôm nay đối với thế hệ người có công, một thời đã góp sức, góp công giữ vững thành trì vùng căn cứ cách mạng, chung tay cùng cả nước làm nên mùa Xuân đại thắng…!
HỮU TÙNG