Trước và sau thời khắc 30-4-1975 lịch sử, lãnh đạo Trung ương cùng nhân dân cả nước dành sự quan tâm đặc biệt tới "trái tim miền Nam"
Tròn nửa thế kỷ quyết định lịch sử
Trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, nhận tin chiến thắng bay về từ các mặt trận Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng…, Bộ Chính trị đã quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Ngày 14-4-1975, thể theo nguyện vọng tha thiết của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên chiến trường, trong đó có quân và dân TP Sài Gòn - Gia Định, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tin chiến dịch được mang tên Người đến với toàn dân, toàn quân lập tức tạo nên sức mạnh thần kỳ.
Không khí TP Sài Gòn - Gia Định trong ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước .Ảnh: TƯ LIỆU
Quân Giải phóng đã huy động hơn 240.000 chiến sĩ từ 5 quân đoàn chủ lực cùng trung đoàn đặc công và nhiều đơn vị hỏa lực, kỹ thuật; hàng trăm xe tăng, thiết giáp, pháo binh... tiến công từ 5 hướng. Sau khi các tuyến phòng ngự xa của địch như Phan Rang, Xuân Lộc tan rã, Sài Gòn - Gia Định trở thành chiến trường lớn.
Chiều 26-4-1975, ta nổ súng mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), TP HCM sẽ vinh danh 50 sự kiện, hoạt động nổi bật trong hành trình nửa thế kỷ xây dựng và phát triển.
Từng đoàn quân tiến công thần tốc. Từ ngày 26 đến 28-4-1975, ta chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự kháng cự của các sư đoàn địch, tiếp cận Sài Gòn - Gia Định. Ngày 29-4-1975, quân ta tổng tiến công.
Sáng 30-4-1975, các quân đoàn nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu. Đến trưa, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất), Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi vào ngày 30-4-1975 như bản hùng ca, đặt mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối.
8 tháng cho sứ mệnh lớn
Sau ngày 30-4-1975, TP Sài Gòn - Gia Định đối diện vô vàn khó khăn, phức tạp do hậu quả nặng nề của chiến tranh và của chủ nghĩa thực dân mới để lại trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong bối cảnh ấy, một tổ chức đặc biệt ra đời, đó là Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định.
Ngày 3-5-1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra quyết định thành lập Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định, do Thượng tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch, bắt đầu nhiệm vụ đưa thành phố từ chiến tranh chuyển sang hòa bình. Đây là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân thành phố sau ngày 30-4-1975.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Hội trường Thống Nhất - nơi từng diễn ra thời khắc 30-4-1975 lịch sử .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đến ngày 7-5-1975, Ủy ban Quân quản chính thức ra mắt nhân dân thành phố trước sự chứng kiến của đông đảo đồng bào. Ủy ban tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng, bước đầu khắc phục hậu quả chiến tranh.
Sự ra đời kịp thời của Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định được đánh giá thể hiện tầm nhìn chiến lược và năng lực tổ chức tuyệt vời của cách mạng, giúp người dân an tâm, khôi phục sinh hoạt bình thường, đồng thời tạo nền móng cho việc xây dựng một thành phố mới phát triển trong lòng đất nước thống nhất.
Mặc dù chỉ tồn tại thời gian ngắn (tháng 5-1975 đến tháng 1-1976) trong điều kiện hết sức khó khăn, Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn - Gia Định đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ. Những quyết sách của Ủy ban Quân quản khi đó được nhân dân ủng hộ và hưởng ứng.
Phần thưởng xứng đáng
Đến ngày 2-7-1976, TP Sài Gòn - Gia Định tiếp tục đón nhận sự kiện đặc biệt. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về việc chính thức đặt tên TP Sài Gòn - Gia Định là TP HCM.
Nghị quyết nêu rõ: "Xét rằng nhân dân TP Sài Gòn - Gia Định luôn luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người. Xét rằng trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, TP Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết nghị chính thức đặt tên TP Sài Gòn - Gia Định là TP HCM".
Đây chính là phần thưởng xứng đáng và cao quý nhất mà Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đã dành cho Đảng bộ và nhân dân thành phố.
Nghị quyết lịch sử này đã đáp ứng tình cảm thiêng liêng của nhân dân, chứng minh dù trong hoàn cảnh "dầu sôi lửa bỏng", nhân dân vẫn gắn bó sắt son với lãnh tụ vĩ đại với lòng biết ơn và tình yêu vô hạn.
Việc sử dụng tên Chủ tịch Hồ Chí Minh để đặt cho TP Sài Gòn - Gia Định không chỉ là sự tôn vinh xứng đáng dành cho lãnh tụ vĩ đại - người đã dành cả đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc - mà còn là kim chỉ nam cho sự phát triển của thành phố.
50 năm kể từ ngày non sông thu về một mối, thành phố đã diễn ra nhiều thay đổi diệu kỳ, từ nơi bị tàn phá bởi chiến tranh trở thành một đô thị phát triển bền vững, văn minh và xứng đáng với tên gọi TP HCM.
Mỗi bước đi về phía trước của TP HCM đều mang theo khát vọng lớn lao, xứng đáng với tên gọi thiêng liêng ấy. Mang tên Bác không chỉ là niềm vinh dự, mà còn là lời nhắc nhở cháy bỏng trong tim - phải sống, làm việc và cống hiến vì dân, vì nước, như suốt cuộc đời của Người.
Những ngày đầu sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tình trạng thất nghiệp và nửa thất nghiệp của Sài Gòn - Gia Định tăng cao; lượng thương phế binh, người ăn xin, trẻ mồ côi, bụi đời rất nhiều, đặt ra những vấn đề lớn về quản lý.
Khó khăn nữa, theo PGS-TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa TP HCM, các thế lực phản động liên tục gây rối. Về kinh tế, lạm phát tăng cao, có lúc lên đến 740% và nhiều người dân phải ăn độn, từ khoai sắn đến bo bo...
Từ "đi trước về sau" đến "đi trước, về đích trước"
Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Bộ Quốc phòng, nhìn nhận trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, Sài Gòn - Gia Định - TP HCM là nơi "đi trước về sau", vinh dự là nơi ghi những trang mở đầu và kết thúc thắng lợi 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
"Người Sài Gòn - TP HCM có quyền tự hào về chiến công chói lọi của Đại thắng mùa xuân, của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tự hào về những giá trị trường tồn mà chính Đảng bộ và nhân dân thành phố đã tạo nên trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược" - Thiếu tướng Vũ Quang Đạo nhấn mạnh.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, TP HCM càng tự hào vì không chỉ "đi trước về sau" vẻ vang trong kháng chiến mà đã và đang dẫn đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đi đầu vì cả nước, cùng cả nước trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu với mục tiêu "đi trước, về đích trước". Qua đó, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
(Còn tiếp)
NGUYỄN PHAN