Ông Bùi Công Cảnh - người chỉ huy giữa lòng dân
Đảng viên cao niên Bùi Công Cảnh.
Theo lời hẹn, tôi được đồng chí Hội Cựu chiến binh xã Long Đức đưa đến gặp gỡ ông Bùi Công Cảnh, ngụ ấp Long Đại, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh. Một đảng viên lão thành cách mạng với 50 năm tuổi Đảng, người từng trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng thị xã Trà Vinh lịch sử và nguyên là Chỉ huy trưởng Thị đội thị xã Trà Vinh. Ở tuổi 71, ông vẫn giữ cho mình sự giản dị, chân tình nhưng kiên cường và tận tụy, một lòng sắt son với Đảng như thuở nào.
Sinh năm 1954, ông Cảnh sớm bén duyên với cách mạng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Năm 1969, mới 15 tuổi, ông đã tham gia đội tuyên truyền của xã Long Đức, mang theo những bản tin cách mạng, những lời kêu gọi toàn dân vùng lên vượt qua hàng rào chiến lược, đồn bốt địch. Vũ khí của ông khi ấy là chiếc loa cũ, chiếc đài phát thanh và một trái tim nóng.
Chỉ 01 năm sau, năm 1970, ông trở thành du kích xã Long Đức. Từ người đọc tin trở thành người cầm súng, ông cùng đồng đội chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Năm 1972, ông làm thư ký Văn phòng Xã ủy Long Đức, bắt đầu bước vào công tác tổ chức, phục vụ công tác chỉ đạo chiến đấu tại địa phương. Năm 1974, ông giữ chức Xã đội phó, chỉ huy các lực lượng vũ trang xã trong thời kỳ nước rút tiến đến ngày toàn thắng.
Gợi nhớ về những năm tháng chiến tranh, ánh mắt ông Cảnh chợt ánh lên. Với ông, ký ức về ngày giải phóng thị xã Trà Vinh, ngày 30/4/1975, không thể nào quên. “Tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy một mũi tấn công vào hướng cầu Cô Giang vô Sóc Ruộng. Trận đánh lúc ấy căng thẳng lắm, nhưng nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các mũi, ta tấn công tiêu diệt một số tên, số còn lại hoang mang tháo chạy”.
“Sáng ngày 30/4/1975, trước khí thế tấn công của lực lượng vũ trang kết hợp với quần chúng nổi dậy, ta bức hàng đồn Thanh Lệ và đuổi chạy các đồn Cô Giang, Phú Hòa, Cầu Tréo, Tiệm Tương. Khoảng 10 giờ sáng, gần 300 tên bảo an thuộc Tiểu đoàn 472 ở căn cứ vàm Trà Vinh kéo cờ trắng đầu hàng. Ta tiếp tục thu toàn bộ căn cứ này. Thừa thắng xông lên, lực lượng du kích xã mưu trí, linh hoạt, tiến sang vây ép, kêu gọi địch ở đồn Long Trị đầu hàng. Vào thời điểm này, trong nội ô thị xã, bọn tề ngụy do tên xã Phước chỉ huy cũng đã đầu hàng; các mũi quân của ta tiếp thu trụ sở và toàn bộ hồ sơ lưu giữ tại đây do chúng bàn giao lại. Xã Long Đức hoàn toàn giải phóng cùng với thời điểm giải phóng thị xã Trà Vinh”. (Theo lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Long Đức anh hùng, tái bản giai đoạn 1930-2015).
Sau giải phóng, ông tiếp tục công tác trong lực lượng vũ trang địa phương. Năm 1978, ông được điều động làm Trợ lý chính trị Thị đội thị xã Trà Vinh, sau đó là Phó Chỉ huy trưởng chính trị Thị đội. Với tác phong nghiêm túc, năng lực tổ chức tốt và tinh thần trách nhiệm cao, ông được tin tưởng giao trọng trách Chỉ huy trưởng Thị đội thị xã Trà Vinh từ năm 1998 đến khi nghỉ hưu năm 2009.
Về lại quê nhà sau bao năm công tác, ông Bùi Công Cảnh vẫn không rời xa sinh hoạt Đảng. Ông tích cực tham gia sinh hoạt tại Chi bộ ấp Long Đại, luôn là người phát biểu sôi nổi trong các buổi họp chi bộ, gợi mở nhiều vấn đề thiết thực về phát triển đời sống Nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng khối đại đoàn kết, XDNTM.
Trò chuyện với ông, giọng nói trầm lắng nhưng ánh mắt vẫn sáng rực niềm tin, ông xúc động chia sẻ: “ngày đó, tuổi trẻ chúng tôi đâu nghĩ gì đến gian khổ hay hy sinh. Chỉ biết làm sao đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ lấy từng tấc đất quê mình. Nhiều anh em đã nằm xuống, còn tôi may mắn được sống, phải cố gắng làm điều gì đó để xây dựng lại quê hương”.
Năm 2022, ông được trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, một chặng đường dài đánh dấu cả cuộc đời cống hiến, trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, với sự nghiệp của Nhân dân.
Ngày nay, người đảng viên ấy vẫn lặng lẽ sống giữa xóm làng, như một “cây cao bóng cả” truyền lửa cách mạng cho thế hệ hôm nay. Ông Bùi Công Cảnh không chỉ là một nhân chứng lịch sử, mà còn là hiện thân cho lòng kiên trung, cho tinh thần trách nhiệm và niềm tin sắt son vào Đảng, suốt một đời không đổi thay.
Ông Phạm Văn Bẹ - người giữ lửa ở ấp Đai Tèn
Đảng viên cao niên Phạm Văn Bẹ.
Trong căn nhà cấp 4 nhỏ ở ấp Đai Tèn, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, chúng tôi gặp gỡ ông Phạm Văn Bẹ, 78 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng. Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn, giọng nói vẫn đầy hào sảng và dứt khoát khi kể về thời chiến tranh oanh liệt và hành trình dựng xây quê hương.
Nhấp chén trà nóng, đưa ánh mắt xa xăm, ông nhớ lại nguyên vẹn những mảng ký ức hào hùng. Ông Bẹ sinh năm 1947. Khi mới 16 tuổi, ông đã tham gia ấp đội tại ấp Ô Bắp, xã Lương Hòa, bắt đầu những năm tháng chiến đấu giữa muôn vàn hiểm nguy. Đến năm 1968, ông chính thức là du kích xã Lương Hòa, sau đó làm Chính trị viên xã đội suốt 07 năm liền. Trong một trận đánh ác liệt, ông bị thương nặng, để lại di chứng đến tận hôm nay, thương binh hạng 3/4.
Chiến tranh kết thúc, ông không nghỉ ngơi, mà tiếp tục một chặng đường cống hiến mới. Suốt hơn 40 năm làm Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Nhân dân ấp Đai Tèn, ông là người “đứng mũi chịu sào” trong mọi công việc của địa phương. Từ vận động Nhân dân làm đường, xây cầu, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, đến hòa giải xóm giềng, XDNTM.
Năm 2018, ông nghỉ hưu, nhưng vẫn đều đặn tham gia sinh hoạt Đảng và sinh hoạt Chi hội Cựu chiến binh ấp. Hỏi ông vì sao vẫn “mặn mà” với công việc chung, ông cười hiền: “vì đó là trách nhiệm. Hồi còn chiến tranh, sống chết trong gang tấc, mình vẫn không lùi bước thì giờ càng không thể thờ ơ với Nhân dân, với Đảng”.
Giờ đây, ở tuổi xế chiều, ông Bẹ không giấu được niềm tự hào và phấn khởi khi thấy quê hương ngày càng đổi mới. Những con đường bê tông sạch đẹp, những mái nhà khang trang, đời sống Nhân dân nâng cao từng ngày. Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, sáng tạo, phát huy hiệu quả nhiều tiềm năng, lợi thế, đạt được những kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực. Đây là minh chứng rõ nét cho sự hy sinh không vô ích của biết bao người đi trước, trong đó có ông.
“Tôi mừng vì lớp trẻ hôm nay đã có điều kiện học hành, lập nghiệp tốt hơn. Tôi luôn tâm niệm và dạy bảo con cháu phải giữ gìn, nêu cao ý chí phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng; phát huy truyền thống tốt đẹp, không ngừng học tập, lao động, đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương”. Ông Bẹ chia sẻ như thế.
Ông Huỳnh Công Bờ - sắt son một niềm tin với Đảng
Đảng viên cao niên Huỳnh Công Bờ.
50 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, đất nước đổi thay từng ngày. Trên những cánh đồng xanh thẳm, bên những con đường bê tông phẳng phiu, dấu vết chiến tranh dường như đã lùi xa. Nhưng trong ký ức của những đảng viên cao niên, như ông Huỳnh Công Bờ, ở ấp Kinh Ngay, xã Đại Phúc, huyện Càng Long thì quá khứ ấy vẫn còn vẹn nguyên, sâu đậm và đầy tự hào.
Ông Bờ sinh năm 1946, tuổi thơ ông lớn lên trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Mới 15 tuổi, ông đã rời gia đình để tham gia công tác binh vận tại tỉnh Trà Vinh, một công việc đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và gan dạ. Đó là quãng đời tuổi trẻ gắn với những nhiệm vụ thầm lặng nhưng đầy hiểm nguy.
Năm 1968 - 1969, ông phụ trách tài vụ cơ quan Huyện ủy Càng Long. Dù tuổi đời còn trẻ, ông đã cho thấy sự chín chắn, bản lĩnh trong công tác hậu cần, bảo đảm cho hoạt động cách mạng tại địa phương. Năm 1970, ông Bờ được điều về xã Bình Phú làm Bí thư Chi bộ ấp Phú Hưng 2, rồi sau đó là cán bộ vùng kìm Bãi San, xã Đại Phước, huyện Càng Long, nơi địch kiểm soát gắt gao.
Mỗi vị trí, mỗi giai đoạn, ông Huỳnh Công Bờ đều để lại dấu ấn. Năm 1973, ông giữ chức Ủy viên thư ký UBND xã Đại Phước. Đến năm 1975, thời khắc lịch sử của dân tộc, ông được phân công làm Trưởng Ban Tuyên giáo xã. Đến năm 1977, ông được phân công làm Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Đại Phước, tiếp tục vai trò lãnh đạo trong thời kỳ đầu xây dựng quê hương sau giải phóng.
Trong quá trình công tác, dù ở cương vị nào, ông Bờ cũng luôn giữ vững phẩm chất người đảng viên, gần dân, tận tụy với công việc. Năm 1982, ông là Ủy viên Ban Cải tạo nông nghiệp huyện Càng Long, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp địa phương. Đến năm 2004, khi đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn tiếp tục đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đại Phúc cho đến khi nghỉ hưu năm 2017.
Chia sẻ về chặng đường đã đi qua, ông Bờ xúc động nói “thế hệ chúng tôi vào sinh ra tử, chỉ mong ngày đất nước độc lập. Giờ đây nhìn thấy quê hương thay da đổi thịt, tôi thấy mọi gian khổ đều xứng đáng”.
Thật vậy, từ một vùng quê nghèo, bị tàn phá sau chiến tranh, xã Đại Phúc ngày nay đã có đường nhựa, điện thắp sáng, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Trong niềm vui ấy, có phần đóng góp thầm lặng của những cán bộ lão thành như ông Huỳnh Công Bờ. Người từng đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng chính quyền cách mạng tại địa phương và đặc biệt là khi xã Đại Phúc được tách ra từ xã Đại Phước vào năm 2004.
Với 55 năm tuổi Đảng, ông Huỳnh Công Bờ không chỉ là người “giữ ký ức” mà còn là biểu tượng sống động của lòng trung thành, của niềm tin vững bền vào Đảng và Nhân dân. Ông được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, cùng nhiều kỷ niệm chương, khen thưởng của các cấp, các ngành như những minh chứng cho cả một đời cống hiến thầm lặng nhưng không hề mờ nhạt.
Với người dân Đại Phúc, ông Huỳnh Công Bờ là hình ảnh gần gũi, là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Ông Bùi Văn Quang, Bí thư Chi bộ ấp Kinh Ngay chia sẻ: “chú Năm Bờ là người sống tình nghĩa, làm việc rất kỹ lưỡng, không bao giờ tự cao. Cán bộ trẻ như tụi tôi học được nhiều lắm”.
50 năm qua đi, chiến tranh chỉ còn là dấu vết trong ký ức, nhưng tinh thần yêu nước và lòng trung kiên với lý tưởng của những đảng viên như ông Bùi Công Cảnh, ông Phạm Văn Bẹ, ông Huỳnh Công Bờ vẫn là ngọn lửa truyền động lực cho các thế hệ sau. Đó chính là những tấm gương để chúng ta tiếp tục cống hiến, xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng với những hy sinh ngày nào.
Bài, ảnh: SƠN TUYỀN