50 năm mở cửa Lăng Bác: Tuyển chọn lính tiêu binh như 'đãi cát tìm vàng'

50 năm mở cửa Lăng Bác: Tuyển chọn lính tiêu binh như 'đãi cát tìm vàng'
2 ngày trướcBài gốc
Nhiều năm qua, những người lính tiêu binh thuộc Đội Tiêu binh danh dự, Đoàn 275, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận nhiệm vụ vinh quang này, rèn luyện bằng tất cả sự miệt mài, trách nhiệm để có hình ảnh đẹp nhất, nghiêm túc nhất trong mắt nhân dân và bạn bè quốc tế khi đến thăm Lăng Bác. Để có đội hình đẹp thực hiện các nghi thức, nghi lễ tại Lăng Bác, việc tuyển chọn và huấn luyện những người lính này được tiến hành ra sao?
Việc xác minh lý lịch được thực hiện theo cách “3 gặp, 4 biết”
Hằng năm, cứ vào đợt tuyển quân là cán bộ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đến 13 tỉnh thành phía Bắc để tuyển chọn chiến sĩ cho đơn vị mình. Từ những thanh niên đến khám nghĩa vụ quân sự, cán bộ Đoàn 275 lựa chọn ra những thanh niên có quân dung, hình thể đẹp, cụ thể là những người có chiều cao từ 1,7-1,8m, khuôn mặt sáng, không bị cận, chỉ số BMI đẹp, chân không bị vòng kiềng, tay không bị khuỳnh, ngón tay, ngón chân không dị tật. Ngoài ra, sức khỏe của họ phải đạt loại 1, hoặc loại 2.
Qua vòng tuyển chọn quân dung, hình thể, cán bộ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng về địa phương thanh niên đó sinh sống để tiến hành xác minh lý lịch 3 đời, thông qua các tổ chức, đoàn thể ở địa phương để tìm hiểu về ý thức chính trị, sức khỏe, văn hóa của thanh niên đó. Chính vì tiêu chuẩn khắt khe như vậy nên mỗi năm đơn vị tuyển chọn được từ 230-240 người.
Đại úy Nguyễn Văn Đông, Chính trị viên Đội Tiêu binh danh dự, Đoàn 275 chia sẻ: “Việc xác minh lý lịch được chúng tôi thực hiện theo cách 3 gặp, 4 biết. 3 gặp là gặp thanh niên, gặp gia đình và gặp địa phương, 4 biết là biết về sức khỏe, biết về văn hóa, lai lịch, phẩm chất đạo đức. Chúng tôi phải gặp thanh niên và gia đình để biết thanh niên có nguyện vọng vào Bộ Tư lệnh hay không và gia đình có ủng hộ nguyện vọng của con hay không, họ còn băn khoăn, khúc mắc điều gì thì giải đáp, tuyên truyền, thuyết phục để họ hiểu công việc con sẽ làm. Nhìn chung những thanh niên được lựa chọn đều phấn khởi và gia đình rất tự hào khi được chúng tôi tuyển chọn”.
Đại úy Nguyễn Văn Đông, Chính trị viên Đội Tiêu binh danh dự, Đoàn 275 dẫn đoàn khách vào Lăng viếng Bác.
Theo Đại úy Đông, vì tiêu chuẩn cao như vậy nên việc lựa chọn được một thanh niên hội đủ tiêu chuẩn về Bộ Tư lệnh không dễ. Chiều cao của thanh niên ngày nay được cải thiện so với trước đây nhưng để tuyển chọn được thanh niên có đủ tiêu chuẩn như trên là một điều vô cùng khó khăn; bên cạnh đó các thanh niên chưa có nhiều hiểu biết về công việc và nhiệm vụ của đơn vị nên chúng tôi thường làm công tác tuyên truyền đến họ bằng hình ảnh, bài viết về đơn vị trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng những con người thực tế đã và đang gắn bó với đơn vị, từ chỗ còn băn khoăn chưa hiểu về đơn vị, những thanh niên của các địa phương đã hăng hái, mong muốn được về phục vụ bên Lăng Bác. Khi đã trở thành những chiến sĩ của đội Tiêu binh danh dự, họ đã gương mẫu trong luyện tập và công tác, có đóng góp và cống hiến rất tốt. Đó chính là bài học kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền để chúng tôi làm tốt hơn việc tuyển chọn”.
Để có đội hình đẹp thực hiện các nghi thức, nghi lễ tại Lăng Bác họ phải trải qua quá trình tập luyện rất vất vả.
Thượng úy Lê Anh Đức, Phân đội trưởng Phân đội 2, Đội Tiêu binh danh dự đã có nhiều năm làm công tác tuyển chọn lính tiêu binh chia sẻ kinh nghiệm, nếu đã chọn được người thì phải đến nhà xác minh lý lịch ngay.
“Thanh niên bây giờ đi làm ăn xa nhiều, họ về khám nghĩa vụ xong là lại đi làm, mình không đến nhà ngay để một thời gian sau mới đến thì rất khó gặp. Thường người dân khi nghe nói con được chọn vào Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng sẽ có cơ hội được vào Đội Tiêu binh danh dự, được túc trực ở Lăng, được tham gia lễ thượng cờ ở Quảng trường Ba Đình là họ thích lắm, đồng ý ngay. Có gia đình còn hỏi đi hỏi lại có đúng là con họ được chọn sẽ được bảo vệ Bác, được tham gia lễ thượng cờ hay không, điều đó cho thấy công việc của chúng tôi rất đáng tự hào”- Thượng úy Đức bày tỏ.
Theo Thượng úy Đức, những năm gần đây công tác tuyển quân yêu cầu cao hơn về trình độ văn hóa, ưu tiên tuyển những thanh niên đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học hoặc có năng khiếu về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để có thể giữ lại tạo nguồn nhân lực cho đơn vị.
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng, để lại muôn vàn thương tiếc cho đồng bào khắp ba miền đất nước và bạn bè quốc tế.
Ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Quyết nghị: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Công trình Lăng của Người”.
Ngày 2/9/1973, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng tại Quảng trường Ba Đình - nơi Người đã đọc Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Ngày 29/8.1975, lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể trong niềm vui thống nhất non sông.
Đeo chì tập luyện
Được lựa chọn về đơn vị, những chiến sĩ trải qua 3 tháng huấn luyện tại Khu Di tích K9 Đá Chông (xã Minh Quang, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội). Kết thúc khóa huấn luyện, từ 230-240 chiến sĩ, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành lựa chọn 90 chiến sĩ ưu tú hơn, có chiều cao từ 1,75m - 1,80m về Đội Tiêu binh danh dự, Đoàn 275. Những chiến sĩ này lại trải qua 3 tháng huấn luyện, trong đó có 1 tháng huấn luyện tại Đá Chông, sau đó hành quân về Hà Nội huấn luyện thêm 2 tháng nữa.
Chiến sĩ trong đội Tiêu binh danh dự trong một buổi tập.
Đại úy Nguyễn Văn Đông cho biết, một tháng ở Đá Chông, các chiến sĩ được tập những động tác cơ bản như: Đánh tay đi đều, đứng nghiêm, ke chân đi nghiêm, động tác ke súng. Bên cạnh tập luyện, các chiến sĩ còn có những bài tập để nâng cao thể lực bởi có sức khỏe tốt họ mới đáp ứng được cường độ luyện tập cao và đảm bảo hoàn thành tốt công việc việc của lính tiêu binh.
“Để đảm bảo tiến độ luyện tập, chúng tôi huấn luyện chiến sĩ cả sáng, chiều, tối. Buổi sáng trước khi bước vào huấn luyện, chúng tôi cho chiến sĩ rèn luyện nâng cao thể lực. Khi tập luyện, chúng tôi tiến hành theo dõi, sàng lọc những đồng chí nào khả năng tiếp thu chậm hơn, chúng tôi tách riêng ra để cho tập luyện thêm hay có những động tác bổ trợ, ví dụ như đeo 1kg chì vào tay, 1,5kg chì vào chân giúp cho các động tác tăng độ mạnh và dứt khoát theo điều lệnh. Điều này giúp nâng cao chất lượng đội hình, tạo sự đồng đều trong cả đội” - Đại úy Đông cho biết.
Chiến sĩ trong đội Tiêu binh danh dự tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.
Sau khi thành thạo những động tác cơ bản, sang giai đoạn 2, các chiến sĩ được luyện tập thực địa tại Quảng trường Ba Đình, thời gian vào buổi tối sau lễ hạ cờ. Ở đây, họ được tăng cường luyện tập khối, hiệp đồng trong khối, tập 3 người sao cho từng người động tác phải đúng, đều, mạnh và trang nghiêm thì mới tạo thành một đội hình đều, đẹp.
Thượng úy Lê Anh Đức thừa nhận, thời gian đầu luyện tập không ít chiến sĩ cảm thấy khó khăn với cường độ luyện tập cao. Có chiến sĩ thấy mình còn lóng ngóng khi tập động tác cơ bản, có chiến sĩ bị hoa mắt chóng mặt khi đứng nghiêm mấy tiếng đồng hồ dưới trời nắng nóng đã cảm thấy buồn bã, lo lắng, sợ không theo kịp đồng đội, khi đó đơn vị phải kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của các chiến sĩ để làm công tác tư tưởng, đồng thời có những bài tập bổ trợ cho họ. Qua tháng đầu tập luyện có nền tảng rồi, các chiến sĩ cảm thấy dễ dàng hơn. Sau 3 tháng huấn luyện chính thức, Thủ trưởng Bộ Tư lênh Bảo vệ Lăng sẽ có buổi kiểm tra, nếu đạt kết quả, những người lính này bắt đầu công việc của một lính tiêu binh danh dự.
Vào Đội Tiêu binh danh dự, hằng ngày thực hiện nghi thức, nghi lễ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, những chiến sĩ tiêu binh danh dự làm cho đồng bào và khách quốc tế mỗi dịp về Lăng viếng Bác, thăm quan khu vực càng thêm yêu hơn “Bộ đội Cụ Hồ”.
Thanh Vân/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/50-nam-mo-cua-lang-bac-tuyen-chon-linh-tieu-binh-nhu-dai-cat-tim-vang-post1192473.vov