50 năm non sông liền một dải: Thời khắc không thể nào quên

50 năm non sông liền một dải: Thời khắc không thể nào quên
6 giờ trướcBài gốc
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết về chủ đề trên nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Bài 1: Thời khắc không thể nào quên
Chiến thắng 30/4/1975 là một dấu mốc lịch sử có ý nghĩa thời đại sâu sắc, đặt nền móng cho 50 năm hòa bình, thống nhất, mở ra tiền đề vững chắc để đất nước kiến thiết và phát triển toàn diện. Từ một đô thị chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đã vươn mình trở thành trung tâm kinh tế-tài chính hàng đầu cả nước.
Mốc son lịch sử chói lọi
11h30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng quân Giải phóng băng qua cánh cổng sắt, đánh chiếm Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch, kết thúc oanh liệt cuộc trường chinh 30 năm chống ngoại xâm của dân tộc. Ảnh: Mai Hưởng/TTXVN
Những ngày cuối tháng 4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh với năm cánh quân theo năm hướng tiến hành tổng công kích Sài Gòn - Gia Định. Các cánh quân hừng hực khí thế, cùng chiến lược tấn công “thần tốc’ đã làm nội bộ chính quyền ngụy Sài Gòn phân hóa mạnh mẽ.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Bí danh Trần Văn Quang - Tư Cang), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, lúc bấy giờ là Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động, đơn vị cùng với Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) theo hướng Tây Bắc chia các mũi tấn công hướng về Dinh Độc Lập, nay đã 98 tuổi nhưng ông vẫn nhớ tất cả những sự kiện lịch sử quan trọng, đặc biệt là ngày 30/4/1975.
Ông nhớ lại, khi các đoàn quân tiến về Sài Gòn như “thác đổ”, đến 9 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, tại Dinh Độc lập, Tổng thống Dương Văn Minh phát đi tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn quyết định đơn phương ngừng bắn và trao quyền lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên lời tuyên bố lúc đó đã không còn giá trị. Cùng lúc đó, mũi thọc sâu của Quân đoàn 2, sau khi đè bẹp một số mục tiêu quan trọng ở Thủ Đức, lần lượt vượt qua cầu Sài Gòn và cầu Thị Nghè tiến thẳng về hướng Dinh Độc Lập.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng đã tiến qua cổng Dinh Độc Lập, ngay sau đó, lá cờ của cách mạng tung bay trên tổng hành dinh của chính quyền Sài Gòn trong niềm hân hoan, chờ đón của cả dân tộc. Miền Nam đã được giải phóng, non sông Việt Nam thống nhất một dải.
Hồi tưởng lại khoảnh khắc lịch sử, Đại úy Vũ Đăng Toàn, nguyên Đại đội trưởng, Trưởng xe tăng đã tiến vào cổng Dinh Độc Lập vào trưa 30/4, từng chia sẻ: "Đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất, oai hùng nhất không thể nào quên của ông và các đồng đội. Để xe tăng của ta tiếp cận được cổng Dinh Độc Lập là biết bao nhiêu chiến sĩ, đồng bào ta đã hy sinh. Chính tôi cũng không ngờ rằng mình được chứng kiến những giây phút lịch sử chói lọi đó của Chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại".
Có mặt tại thời khắc lịch sử đó, nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam kể, nhóm phóng viên Việt Nam Thông tấn xã đến Dinh Độc Lập khi những chiếc xe tăng đầu tiên đã tiến vào trong sân.
Vừa tới nơi, nhà báo Trần Mai Hưởng liền nhảy xuống xe và chứng kiến hình ảnh chiếc tăng 846 đang hùng dũng tiến qua cánh cổng sắt bị đổ. Phản xạ của một phóng viên thôi thúc ông giơ máy ảnh lên và chụp lại. Bức ảnh đó sau này được đặt tên “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975”.
Bức ảnh của nhà báo Trần Mai Hưởng khi gửi về Hà Nội được nhiều cơ quan báo chí trong nước và Hãng thông tấn nước ngoài sử dụng rộng rãi, trở thành biểu tượng của ngày chiến thắng 30/4.
Trưa 30/4/1975, pháo nổ ran ở số 5 phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Ban Bí thư đã quyết định Việt Nam Thông tấn xã nổ pháo là báo tin toàn thắng. Bản tin chiến thắng đầu tiên nêu rõ: "Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Cờ Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc phủ Tổng thống ngụy quyền và ở khắp thành phố. Thành phố Sài Gòn mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn toàn giải phóng".
Là người trực tiếp chứng kiến không khí người dân thành phố Sài Gòn - Gia Định mừng chiến thắng trong ngày 30/4/1975, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 có sự đóng góp rất lớn của nhân dân Sài Gòn - Gia Định. Trước những tình thế khó khăn, hiểm nghèo dưới chế độ Mỹ - Ngụy, đồng bào miền Nam vẫn một lòng đi theo cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào lãnh tụ Hồ Chí Minh, vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta, quân và dân miền Nam luôn anh dũng, kiên cường đấu tranh chống chế độ Mỹ - Ngụy. Lòng dân luôn hướng theo Đảng, Đảng luôn ở trong dân.
Tại chương trình gặp mặt tri ân, giao lưu với 50 đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tướng lĩnh, cựu chiến binh trực tiếp tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước trên toàn quốc mới đây, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh, chiến thắng 30/4/1975 là cột mốc vĩ đại, niềm tự hào to lớn của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Ngày 30/4/1975 đã ghi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, là ngày mà các thế hệ cha anh - những người lính Bộ đội Cụ Hồ đã khẳng định trước toàn thế giới rằng, ý chí quật cường, lòng yêu nước, sức mạnh của dân tộc Việt Nam, khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất non sông là bất diệt, không một thế lực nào có thể khuất phục. Tinh thần ấy, ý chí ấy, khát vọng ấy... mãi là bầu nhiệt huyết sục sôi, kết thành niềm tự hào, niềm tin son sắt, động lực tinh thần to lớn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời đại mới.
Nửa thế kỷ vươn mình của Thành phố mang tên Bác
Từ thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975, Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố mang tên Bác bước vào hành trình mới: Khôi phục, dựng xây và phát triển, trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ thuật lớn của cả nước, là đầu tàu phát triển và cầu nối giao thương của Việt Nam với thế giới.
Từ một thành phố bị tàn phá bởi chiến tranh, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay là một đô thị năng động, hiện đại và đầy khát vọng, góp phần tạo nên vị thế mới cho đất nước trên trường quốc tế.
Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch đầu tàu của cả nước. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
Năm mươi năm qua, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự phát triển vượt bậc, giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước. Chỉ tính riêng trong năm 2024, Thành phố đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 7,17%; thu ngân sách lần đầu tiên vượt mốc 500.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Quy mô kinh tế Thành phố đạt 1,78 triệu tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD, chiếm khoảng 17% cả nước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 104 tỷ USD. Thành phố tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng và quy mô các dự án FDI với hơn 13.000 dự án, tổng vốn đăng ký đạt trên 58 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không chỉ là điển hình của sự đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh còn là nơi hội tụ và phát triển các giá trị văn hóa, là trung tâm giáo dục và đào tạo của cả nước. Đây là kết quả từ sự đầu tư không ngừng nghỉ và tinh thần đổi mới sáng tạo, bên cạnh yếu tố thuận lợi về lịch sử, vị trí địa chính trị - kinh tế.
"Nửa thế kỷ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thấu hiểu chặng đường trải qua với rất nhiều thăng trầm và hy sinh, đóng góp của biết bao thế hệ để đạt được kết quả đáng tự hào hôm nay. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi, là vấn đề có tính nguyên tắc, tính quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong quá khứ và càng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay", Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được khẳng định.
Nhận diện vai trò, vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh trên lĩnh vực kinh tế, Tiến sỹ Lê Hữu Phước, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, trong 40 năm qua, 4 nghị quyết của Bộ Chính trị về Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện đầy đủ vai trò, vị thế ngày càng quan trọng của Thành phố trên tất cả lĩnh vực, nổi bật là lĩnh vực kinh tế. Quán triệt các nghị quyết của Bộ Chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố nỗ lực đảm nhận, thực hiện hiệu quả vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng; phấn đấu xây dựng thành phố trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của Đông Nam Á vào năm 2030. Tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố đặt mục tiêu "trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu".
Từ một đô thị sau chiến tranh, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay đã vươn mình trở thành trung tâm kinh tế - tài chính hàng đầu cả nước. Những thành quả to lớn ấy là kết tinh của ý chí tự lực, khát vọng vươn lên, sự năng động và bản lĩnh của chính quyền và nhân dân Thành phố mang tên Bác trong suốt nửa thế kỷ qua.
Bài cuối: Bản hòa âm cộng hưởng niềm vui chiến thắng
Vũ Bắc/TTXVN (tổng hợp)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/50-nam-non-song-lien-mot-dai-thoi-khac-khong-the-nao-quen-20250429084443653.htm