50 năm thống nhất đất nước: Vị tướng anh hùng chia sẻ về thế trận lòng dân

50 năm thống nhất đất nước: Vị tướng anh hùng chia sẻ về thế trận lòng dân
10 giờ trướcBài gốc
Đó là chia sẻ của Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng với phóng viên TTXVN về bài học sau 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Từng trực tiếp chỉ huy một đội hình tấn công vào Sài Gòn ngày 30/4/1975, ông nhớ nhất về sự kiện lịch sử đó là gì, thưa Thượng tướng?
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1. Ngày 18/3/1975, tôi nhận lệnh hành quân bằng cơ giới vào tập kết tại Đông Hà (Quảng Trị) để chuẩn bị cho giải phóng Huế - Đà Nẵng.
Tuy nhiên, do Chiến dịch Huế - Đà Nẵng phát triển rất nhanh, tôi vào tới Huế ngày 26/3 thì Huế đã được giải phóng. Ngày 29/3/1975, tôi tới bán đảo Sơn Trà thì Sơn Trà và Đà Nẵng cũng được giải phóng. Trung đoàn được lệnh quay ra Đông Hà để hành quân theo đường Trường Sơn bằng cơ giới để tập kết tại Đồng Xoài, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Vào lúc này, chúng tôi nhận được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển tới: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới miền Nam! Quyết chiến và toàn thắng!” ký tên Anh Văn. Trong lúc anh em hành quân nhiều ngày rất mệt thì khi nhận lệnh đó, anh em bừng lên khí thế, vượt qua khó khăn, tiến vào tập kết tại Đồng Xoài.
Ngày 26/4/1975, Trung đoàn nổ súng tiến công từ Tân Uyên và đến đêm 29/4, Trung đoàn với khoảng 3.000 quân vào đến chợ Búng cách Lái Thiêu (Bình Dương) khoảng 10 km. Tin từ mặt trận cho biết, ở vùng giải phóng này có cơ sở cách mạng.
Tối hôm đó, tôi và tổ trinh sát men theo con đường nhỏ đi vòng qua nghĩa địa gần chợ Búng thì phát hiện có một ngôi nhà lá, bên trong có ánh đèn lúc sáng, lúc mờ. Phán đoán đó là cơ sở cách mạng, chúng tôi cho tổ trinh sát áp sát, đứng bên ngoài khẽ gõ cửa và hô mật khẩu “Hồ Chí Minh” ba lần theo quy ước của mặt trận. Một lát sau có bà má khẽ mở cửa và đáp lại “Muôn năm” đúng theo quy ước. Tôi cho tổ trinh sát bố trí bảo vệ vòng ngoài, tôi và anh Trịnh Minh Thư là Chính ủy Trung đoàn vào nhà.
Dưới ánh đèn dầu, chúng tôi giới thiệu là Quân giải phóng, có nhiệm vụ từ trục Đường 13, ngày mai 30/4, đánh vào Sài Gòn qua Lái Thiêu chiếm cầu Vĩnh Bình và đánh chiếm Bộ Tư lệnh thiết giáp của địch ở Gò Vấp. Nhìn chúng tôi mở tấm bản đồ quân sự đặt lên bàn, bà má nói: “Bản đồ này má không có rành, để má lấy bản đồ của má”.
Đem ra tấm bản đồ hành chính Sài Gòn, má căn dặn chúng tôi từng đường đi nước bước. Sau đó chúng tôi mới biết bà má có tên là Sáu Ngẫu, một giáo viên dạy tiếng Pháp.
4 giờ 30 phút ngày 30/4, chúng tôi bắt đầu đội hình tiến công theo kế hoạch. Tôi đã đưa Tiểu đoàn 5 vào Lái Thiêu trước. Khi tiến công trên trục Đường 13 đến ngã ba Lái Thiêu, ta bắn cháy 3 xe tăng địch và bắt sống 1 pháo 175 mm “vua chiến trường”. Đơn vị tiếp tục tiến công đến khoảng 9 giờ thì chiếm được cầu Vĩnh Bình, đây là tuyến tử thủ cuối cùng và cách trung tâm Sài Gòn khoảng 10km.
Lúc này, xe tăng của Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc bị hỏng, đồng chí liền xuống chỉ huy một tổ B40, B41 bắn cháy 3 xe, các hỏa lực bắn kiềm chế địch và chúng tôi đã chiếm được cầu Vĩnh Bình. Không may, đồng chí Hoàng Thọ Mạc bị thương rất nặng và hy sinh, chúng tôi đưa đồng chí lên xe tăng và tiếp tục tiến công. Đến khoảng 10 giờ chúng tôi chiếm được Bộ Tư lệnh thiết giáp quân ngụy và 13 căn cứ lục quân công xưởng, tiếp quản Tổng y viện Cộng hòa. Sau đó bắt liên lạc với các đơn vị bạn để đánh tiếp mục tiêu trong nội thành Sài Gòn.
Hôm sau chúng tôi đã tổ chức về thăm và cảm ơn má Sáu Ngẫu và đồng bào. Dọc hai bên đường Lái Thiêu, đồng bào vẫy cờ hoa chào đón và tặng rất nhiều hoa trái.
Vì sao chúng ta giữ được Sài Gòn gần như nguyên vẹn, không bị đổ nát như nhiều thành phố sau trận đánh cuối cùng, thưa Thượng tướng?
Chúng ta đã chuẩn bị giải phóng miền Nam bằng tất cả sức mạnh quân sự, chính trị, ngoại giao và tính toán đến vấn đề xây dựng miền Nam sau khi giải phóng. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi chúng ta đánh vào Sài Gòn, do cách đánh của chúng ta, do nghệ thuật chiến tranh của chúng ta nên chúng ta đã giữ được thành phố gần như nguyên vẹn.
Phương châm của Chiến dịch Hồ Chí Minh là “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” đã chỉ đạo tư tưởng, hành động của cả 5 mũi tấn công cũng như đối với bộ đội. Có nghĩa là 5 cánh quân của ta không ham đánh giặc ở vòng ngoài mà nhanh chóng đánh vào mục tiêu chính, chiếm Sài Gòn trong thời gian ngắn nhất. Phương châm này đã giảm thương vong cho quân đội, đồng bào, bảo vệ thành phố được nguyên vẹn. Và trưa 30/4/1975, chúng ta đã thực hiện trọn vẹn Di chúc của Bác là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Khi giải phóng Sài Gòn rồi thì tất cả các lực lượng của ta có nhiệm vụ tiếp quản Sài Gòn phải bảo đảm toàn bộ các khu vực được phân công, bảo vệ tài sản của nhân dân, không để xảy ra tình trạng tàn phá, hôi của. Chúng ta cũng nhanh chóng ổn định trận địa lòng dân, tạo nên sự đoàn kết quân dân. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng, thậm chí quan trọng nhất bởi không có nhân dân, chúng ta không bao giờ thành công. Chỉ có nhân dân giúp đỡ mới được có được tất cả, mới giúp chúng ta làm nên chiến thắng.
Quân đội ta đang “tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại” để bảo đảm đủ sức hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ vững chắc hòa bình cho đất nước. Thượng tướng có thể chia sẻ cảm nhận về sứ mệnh này trong bối cảnh hiện nay?
Quân đội ta sau nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang thực hiện đồng thời hai chức năng là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác”, đó là nhiệm vụ chiến lược của Quân đội ta.
Chúng ta đã rút được kinh nghiệm qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chúng ta đã có một giai đoạn hòa bình để xây dựng lực lượng với mục tiêu “gọn, mạnh, chính quy và một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại”. Đó là Binh chủng Không quân, Binh chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh tác chiến điện tử và một số đơn vị khác.
Theo tôi, quan trọng nhất trong chiến tranh, ngoài mua sắm vũ khí hiện đại thì chúng ta phải phát triển công nghiệp quốc phòng đủ mạnh để có thể tự sản xuất vũ khí, làm chủ trang bị, làm chủ vũ khí khí tài, làm chủ công nghệ. Mà trong khoa học kỹ thuật thì quan trọng nhất là con người. Trong vấn đề con người, chúng ta cũng cần hết sức quan tâm đến lực lượng lục quân. Hiện đại mấy thì hiện đại nhưng quyết định cho chiến trường, phải là lục quân.
Cho nên chúng ta đầu tư không chỉ cho các quân, binh chủng, đơn vị hiện đại như trên tôi nói mà còn phải tiếp tục xây dựng lực lượng con người về khoa học kỹ thuật và làm chủ công nghệ. Quân đội phải đi trước, làm chủ và phải vượt lên, chiếm lĩnh đỉnh cao trong chiến tranh hiện đại và phải phát huy được nghệ thuật chiến tranh nhân dân mà cha ông ta đã để lại cũng như các cuộc chiến tranh mà chúng ta đã rút ra. Để từ đó chúng ta xây dựng một quân đội đủ mạnh có thể sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu cả trên bộ, trên không, trên biển đảo của Tổ quốc chúng ta.
Để đất nước độc lập, thống nhất, hòa bình là xương máu của bao người. Nhìn lại 50 năm ngày “Bắc Nam sum họp”, Thượng tướng có điều gì muốn gửi tới thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, trách nhiệm với đất nước?
Trong cuộc đời binh nghiệp, tôi đã đi qua 4 chiến dịch lớn là Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1971, Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Chặng đường chiến đấu của tôi gắn liền với chặng đường chiến đấu, phát triển và trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng nói riêng. Biết bao nhiêu đồng đội của tôi đã hy sinh vì độc lập, tự do, vì thống nhất đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.
Nhìn lại 50 năm sau chiến tranh, càng thấy rằng, tổn thất xương máu cha anh cho độc lập - tự do - hòa bình là một giá lớn đến nhường nào. Sự hy sinh, mất mát, tổn thất to lớn đó là của cả một dân tộc. Cho nên chúng ta càng thấy cần phải truyền đi thông điệp về giá trị của Giải phóng miền Nam, đất nước hoàn toàn thống nhất. Và cũng chính vì thế chúng ta càng nhận thức rõ hơn về giá trị của đại đoàn kết dân tộc, hòa hợp dân tộc, sự đồng thuận để xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tôi muốn gửi đến thế hệ hôm nay và mai sau, chúng ta phải phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng truyền thống của quân đội, truyền thống của ông cha ta đã đánh giặc giữ nước để bảo vệ nền độc lập trong suốt chiều dài lịch sử.
Thế hệ hôm nay và mai sau phải ghi nhớ, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phát huy trí tuệ, sức mạnh, nghệ thuật quân sự và văn hóa Việt Nam để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập trong hiện tại cũng như tương lai.
Thế hệ hôm nay và mai sau cần bảo vệ Tổ quốc không chỉ trong chiến tranh mà ngay từ thời bình, phải chuẩn bị từ xa, làm chủ khoa học, công nghệ, góp phần đưa đất nước phát triển, sánh vai với cường quốc năm châu như lời Bác Hồ dặn dò./.
Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!
Theo Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-vi-tuong-anh-hung-chia-se-ve-the-tran-long-dan-169250427102422828.htm