50 năm từ thống nhất đến hùng cường

50 năm từ thống nhất đến hùng cường
7 giờ trướcBài gốc
Để vượt lên, Việt Nam phải bước vào một chặng đường mới - chặng đường của chuyển đổi toàn diện. Ảnh: ST
Sự thiêng liêng của ngày thống nhất đến từ ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nó: Chấm dứt cảnh nồi da xáo thịt, hóa giải những hận thù và vết thương lịch sử để hướng về tương lai. Niềm vui thống nhất kết trái từ nỗ lực của cả dân tộc đi qua đổ nát để tìm lại nhau, nối liền máu thịt và tâm hồn từ Bắc tới Nam.
Thống nhất vừa là sự liền mạch về địa lý, vừa là sự liền mạch của lòng người, là cuộc đoàn tụ giữa những người con cùng một cội nguồn nhưng từng bị chia cắt bởi hoàn cảnh lịch sử. Đó cũng là hành trình gian nan của hòa giải và hòa hợp dân tộc, mà mỗi thế hệ đều phải tiếp tục vun đắp bằng lòng khoan dung, sự thấu hiểu và trách nhiệm công dân.
50 năm sau ngày ấy, đất nước đã chuyển mình mạnh mẽ, nhưng ngày 30/4 vẫn còn đó như một biểu tượng sống động của ý chí độc lập, khát vọng thống nhất và tinh thần vị tha. Ngày này gợi lên bao cung bậc cảm xúc: Sự tự hào trước kỳ tích dân tộc, lòng tri ân những người đã ngã xuống, tính nhân văn trong cách dân tộc ta vượt qua quá khứ, và hơn cả là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với tương lai đất nước.
Thống nhất là món quà vô giá mà lịch sử để lại, nhưng giữ gìn và phát huy tinh thần thống nhất mới là bổn phận thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt.
Năm mươi năm thăng trầm: Từ tro tàn đến khát vọng vươn xa
Sau ngày đất nước thống nhất, Việt Nam bước vào một thời kỳ cam go bậc nhất trong lịch sử hiện đại. Cuộc chiến tranh dài gần ba thập kỷ đã để lại sau lưng một đất nước bị tàn phá nghiêm trọng cả về cơ sở vật chất lẫn tinh thần con người. Hạ tầng kinh tế kiệt quệ, đất đai hoang hóa, hệ thống giao thông gãy vụn, đô thị đổ nát, làng quê xác xơ. Nhưng gánh nặng ấy không chỉ đến từ tàn dư chiến tranh, mà còn là hệ quả của sự chia cắt lâu dài, làm gián đoạn dòng chảy phát triển tự nhiên của dân tộc.
Không chỉ phải hàn gắn những vết thương của bom đạn, đất nước còn phải đối mặt với vòng vây cấm vận khắt khe từ bên ngoài và những hạn chế trong mô hình quản lý từ bên trong. Sự lạc hậu, khan hiếm, bao cấp triền miên đã đẩy nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng: Lạm phát phi mã, đời sống người dân thiếu thốn, sản xuất đình trệ. Có thể nói, những năm đầu sau thống nhất là một cuộc "hòa bình gian khổ", không kém phần thử thách so với thời chiến.
Thế nhưng, chính trong bóng tối ấy, ánh sáng của tinh thần vượt khó đã bắt đầu le lói. Đó là niềm tin vào tương lai, là khát vọng tìm con đường phát triển cho đất nước. Từ trong xã hội đến các cấp lãnh đạo, từ những người nông dân chân lấm tay bùn đến những nhà hoạch định chính sách đầy trăn trở, một tâm thế “tự cứu mình trước khi trời cứu” đã âm thầm hình thành.
Những tín hiệu đổi mới đầu tiên xuất hiện từ thực tiễn cuộc sống: Khoán chui trong nông nghiệp ở Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ), Hải Phòng, Thanh Hóa… đã mở ra hy vọng về một cách làm mới, linh hoạt hơn, thực tế hơn, khơi dậy động lực từ người dân. Đó là những hạt mầm đầu tiên của Đổi mới - một cuộc cách mạng tư duy sẽ bùng nổ vào năm 1986.
Giai đoạn 1975-1985 vì thế không chỉ là 10 năm khốn khó, mà còn là giai đoạn ươm mầm cho một khúc quanh lịch sử. Chính trong tro tàn của đổ nát, dân tộc ta đã không để mình bị đánh gục, mà lặng lẽ đứng dậy, sửa soạn tinh thần và năng lượng cho một cuộc vươn mình mới.
1986-2010: Mở cửa để đổi mới 1.0
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986 đánh dấu một bước ngoặt mang tính sinh tử: “Đổi mới hay là chết.” Từ nhận thức sâu sắc ấy, Việt Nam đã mạnh dạn từ bỏ cơ chế bao cấp trì trệ, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cánh cửa đổi mới mở ra không chỉ về mặt kinh tế mà còn là cuộc cách mạng về tư duy quản trị, về cách tổ chức xã hội và vận hành đất nước. Kinh tế tư nhân dần được thừa nhận và khuyến khích, sản xuất bung ra, đời sống người dân từng bước được cải thiện.
Từ một quốc gia nghèo nàn, Việt Nam vươn lên như mầm xanh sau giông bão, bén rễ trong môi trường mới và kiên cường tìm đường phát triển. Dù hành trình còn nhiều chông gai, nhưng nền móng cho thời kỳ hội nhập đã được đặt xuống bằng ý chí đổi mới không lùi bước.
2011- 2020: Góp mặt vào bàn cờ thế giới
Bước vào thập niên thứ ba của Đổi mới, Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc ký kết và tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA... không chỉ mở rộng thị trường mà còn thúc đẩy cải cách thể chế. Đời sống người dân được nâng cao, giáo dục và đào tạo nhân lực có bước tiến, công nghệ bắt đầu len lỏi vào nhiều ngành nghề.
Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên và ưu đãi đầu tư dần bộc lộ giới hạn. Những rào cản về thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động đã đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi sâu sắc để không tụt hậu trong cuộc đua phát triển.
2021- 2025: Chuyển đổi để vượt lên
Đại dịch Covid-19 là một cú sốc toàn cầu, và với Việt Nam, đó là lời cảnh tỉnh về năng lực tự chủ, sức chống chịu và độ bền vững của nền kinh tế. Trong bối cảnh thế giới chuyển động nhanh và bất định, Việt Nam không thể đi tiếp bằng những cách làm cũ. Chuyển đổi số, kinh tế xanh, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo trở thành những từ khóa sống còn.
Để vượt lên, Việt Nam phải bước vào một chặng đường mới - chặng đường của chuyển đổi toàn diện: Từ mô hình tăng trưởng đến tư duy điều hành; từ thể chế kinh tế đến văn hóa quản trị công; từ vị trí làm thuê trong chuỗi giá trị đến vai trò kiến tạo giá trị và dẫn dắt xu thế.
Bài học lịch sử và khát vọng tương lai
Ba bài học lịch sử mà 50 năm xây dựng hòa bình để lại là:
1. Tư duy quyết định tương lai: Mỗi đổi mới lớn trong lịch sử đều bắt đầu bằng sự đổi mới trong tư duy. Chỉ khi dám từ bỏ lối mòn và vượt lên chính mình, dân tộc mới có thể tạo ra những bước ngoặt vĩ đại.
2. Thể chế quyết định đột phá: Một thể chế linh hoạt, minh bạch, đồng bộ và lấy hiệu quả làm thước đo là điều kiện tiên quyết để mở đường cho khát vọng phát triển. Không có thể chế tốt, không có động lực thực sự cho đổi mới.
3. Dân là gốc, trí tuệ là sức mạnh: Mỗi người dân là một tế bào của quốc gia. Khi được tin tưởng, trao quyền và khơi dậy sáng tạo, dân sẽ trở thành nguồn lực lớn nhất để đất nước vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Đổi mới 2.0 - Động lực hiện thực hóa khát vọng Việt Nam
Khát vọng trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng và có vị thế trên trường quốc tế sẽ không thể trở thành hiện thực nếu thiếu những chuyển động mạnh mẽ từ bên trong: Thể chế linh hoạt, bộ máy tinh gọn, khoa học - công nghệ hiện đại và một khu vực tư nhân năng động. Đó chính là lý do Tổng Bí thư Tô Lâm đã khởi xướng công cuộc Đổi mới 2.0 - một cuộc kiến tạo lần hai, sâu sắc hơn, toàn diện hơn và có sức đột phá lớn hơn.
Nếu Đổi mới 1.0 (năm 1986) là cuộc giải phóng năng lực sản xuất, thì Đổi mới 2.0 là quá trình kiến thiết một nền tảng phát triển mới, với bốn trụ cột chiến lược làm điểm tựa cho bước nhảy vọt của quốc gia.
1. Thể chế - Điểm khởi đầu của mọi chuyển động
Trong mọi cuộc phát triển, thể chế luôn là điểm xuất phát quyết định. Khi thể chế bị nghẽn, các ý tưởng đổi mới, nguồn lực xã hội và năng lực sáng tạo đều bị kìm hãm. Muốn tháo gỡ những điểm nghẽn phát triển, phải bắt đầu từ thể chế. Một nhà nước kiến tạo không chỉ là “người làm luật”, mà phải là “người mở đường” - thiết lập luật chơi công bằng, bảo vệ quyền sở hữu và tạo dựng niềm tin vững chắc cho mọi chủ thể kinh tế.
Đặc biệt, để Đổi mới 2.0 có nền tảng bền vững về lâu dài, cần sửa đổi Hiến pháp - không chỉ nhằm cập nhật thời đại mà còn để xác lập một tầm nhìn phát triển mới.
2. Tinh gọn bộ máy - Giảm gánh nặng, tăng năng lực hành động
Một bộ máy cồng kềnh sẽ không thể đi nhanh, càng không thể đổi mới. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy không đơn thuần là giảm đầu mối, mà là tái thiết lại cách vận hành quyền lực: Phân định rõ vai trò Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ, từ đó hình thành một chính quyền năng động, hành động và phục vụ. Càng tinh gọn, càng minh bạch; càng phân định rõ, càng tăng năng lực chịu trách nhiệm.
3. Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - Cú hích bứt phá
Thế kỷ XXI là thời đại của công nghệ, và cũng là thời đại của những quốc gia biết tận dụng công nghệ để vượt lên. Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kinh tế số không còn là tương lai - mà là hiện tại đang định hình vị thế các quốc gia. Việt Nam cần chủ động đón đầu xu hướng, đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị và hình thành những doanh nghiệp công nghệ có khả năng dẫn dắt.
Nếu biết khai thác đúng cách, khoa học - công nghệ không chỉ giúp rút ngắn khoảng cách phát triển, mà còn mở ra không gian tăng trưởng mới, bền vững và giàu giá trị.
4. Kinh tế tư nhân - Động lực nội sinh quan trọng nhất
Kinh tế tư nhân hiện đóng góp 51% GDP và là khu vực tạo ra phần lớn việc làm trong xã hội. Nhưng hơn cả con số, đây là khu vực mang tinh thần năng động, sáng tạo và phản ứng nhanh với thị trường - yếu tố quyết định trong thời đại cạnh tranh toàn cầu. Để khu vực tư nhân thực sự trở thành đầu tàu phát triển, Việt Nam cần bảo đảm một môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, thuận lợi và bảo vệ quyền tài sản một cách thực chất.
Khi được tiếp sức đúng cách, kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực nội sinh quan trọng nhất, giúp Việt Nam không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn phát triển bền vững.
Ngày 30/4: Từ ký ức vàng son đến hành trình vươn mình
Từ chiến thắng 30/4/1975 đến hôm nay, Việt Nam đã đi qua một chặng đường dài - từ tro tàn chiến tranh đến khát vọng hùng cường. Những gì đạt được là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một dân tộc không bao giờ khuất phục, luôn biết đứng dậy, tự đổi mới và tiến về phía trước.
Nhưng vinh quang của quá khứ không đủ để bảo đảm tương lai. Để thực sự vươn mình trở thành một quốc gia phát triển, Việt Nam cần những chiến thắng mới - chiến thắng của tư duy cải cách, chiến thắng của thể chế hiệu quả, chiến thắng của sáng tạo và đổi mới, và trên hết là chiến thắng của khát vọng dân tộc./.
TS. NGUYỄN SĨ DŨNG
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/50-nam-tu-thong-nhat-den-hung-cuong-39730.html