50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế

50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế
4 giờ trướcBài gốc
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định chặng đường 50 năm qua có những bước ngoặt lớn của đất nước đã tác động rất lớn vào sự phát triển văn học Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu khai mạc Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V "50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế"
Từ sau ngày 30.4.1975, khi cuộc chiến tranh kết thúc và đất nước được thống nhất, là giai đoạn văn học được viết trong thời bình, được viết bởi các nhà văn Việt Nam trên cùng một mảnh đất từng bị chia cắt.
Kể từ khi chiến tranh kết thúc, các nhà văn vẫn tiếp tục viết về chiến tranh nhưng trong một cách tiếp cận mới và một thi pháp mới. Bởi vậy đề tài về chiến tranh được khai thác từ nhiều góc độ, nhiều cung bậc, mang lại một cái nhìn đa chiều về chiến tranh nhưng vẫn tập trung vào sự hy sinh, khát vọng lớn lao của một dân tộc cho độc lập tự do, thống nhất đất nước.
Bên cạnh các nhà văn quen thuộc viết về chiến tranh, là một thế hệ các nhà văn trẻ không trải qua chiến tranh nhưng mang đến một cái nhìn trung thực và đầy nhân văn về chiến tranh.
Công cuộc Đổi mới đã tác động sâu sắc đến sự sáng tạo của các nhà văn Việt Nam. Những tác giả, tác phẩm đích thực của nền văn học Việt Nam đã được công bố, tái công bố, khẳng định và tôn vinh.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại hội nghị
Tiếp nối văn học giai đoạn này là đời sống sinh động của văn học đương đại, với xu thế mới, hội nhập.
Khác với văn học 1945 - 1975, văn học Việt Nam sau năm 1975 tồn tại và phát triển trong một bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội mới. Sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, internet và truyền thông hiện đại đã tạo nên khuôn diện mới của thời đương đại. Đây là những yếu tố tác động sâu sắc đến đời sống xã hội, văn hóa và văn học Việt Nam.
"Hội nghị 50 năm văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế một lần nữa khẳng định và tôn vinh những giá trị đã có của văn học Việt Nam 50 năm qua; đồng thời cũng là sự chào đón một thời đại mới của văn học Việt Nam như chúng ta từng chờ đợi", nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói.
Song song với những đánh giá, nhìn nhận mang tính tổng kết về thành tựu văn học Việt Nam từ 1975, Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế của nền văn học thời kỳ này như thiếu tương xứng giữa lượng và chất, tác phẩm xuất bản nhiều hơn nhưng còn khiêm tốn về chất lượng, thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao.
Mặt trái của kinh tế thị trường và sự phân hóa, biến đổi trong thị hiếu tiếp nhận có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn học. Trong khi đó, việc tiếp thu ảnh hưởng văn học, nghệ thuật hiện đại của thế giới ồ ạt có khi chưa chọn lọc, vẫn còn bắt chước, lai căng…
Quang cảnh hội nghị
Đặc biệt trong lĩnh vực phê bình văn học nghệ thuật, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng dòng lý luận phê bình chưa tương xứng với sự vận động, đổi mới, phát triển của dòng sáng tác. Đội ngũ lý luận, phê bình văn học thiếu về số lượng và yếu về chất lượng...
"Các ý kiến tại hội nghị là những gợi mở tiền đề để hành trình tổng kết 50 năm văn học từ 1975 vẫn còn tiếp tục. Qua đó, chúng ta cùng nhau xác lập, định vị giá trị, gọi tên và dự báo cho nền văn học Việt Nam trong tương lai", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhận định.
Thái Minh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/50-nam-van-hoc-viet-nam-tu-1975-thanh-tuu-va-xu-the-post397596.html