50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức
9 giờ trướcBài gốc
1. Chàng trai gốc Hà Nội Nguyễn Ngọc Doanh (sinh năm 1942) gia nhập quân đội khi 24 tuổi với một sức vóc gầy yếu, chiều cao 1m55, cân nặng 42kg, tất cả những gì cần thiết đều không đạt để có thể làm người lính vào chiến trường. Biết điểm hạn chế của mình, ông đăng ký làm y tá cứu thương. Sau ba tháng huấn luyện, Nguyễn Ngọc Doanh đã thể hiện là tay súng cừ khôi, với tài bắn súng một tay “bách phát bách trúng”.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng chí chỉ huy nhận cờ Quyết thắng và Huân chương Chiến công hạng Nhất sau khi Quân đoàn 4 tham gia các trận đánh giải phóng tỉnh Phước Long đầu năm 1975.
Cấp trên chuyển ông đi học lớp hạ sĩ quan, làm nguồn dự bị cho quân đội. Từ Tiểu đội trưởng, Nguyễn Ngọc Doanh được đề bạt lên Trung đội trưởng khi mới đeo hàm hạ sĩ. Năm 1966, Nguyễn Ngọc Doanh cùng đồng đội hành quân vào Nam (đi B). Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với chiến trường miền Đông Nam Bộ ác liệt. Trận đánh đầu tiên diễn ra vào tháng 8/1966, tại đường 10 -Vĩnh Thiện (nay là huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Doanh chỉ huy đã chiến đấu quyết liệt với tiểu đội biệt kích Mỹ.
Trong lúc giao chiến, 2 đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh, còn bản thân ông vỡ xương hàm, chân bị bắn rách toác cơ đùi, trên đường lui về cùng đồng đội còn phải chịu thêm thương tích do bom của địch gây ra. Do mất nhiều máu và thương tích nặng nên đồng đội tưởng ông đã chết. Họ đào đất chôn ông và lấp vội lá cây lên. Sau đó, đồng đội sực nhớ lúc chôn chưa có dép nên đã quay lại đi cho đồng đội đôi dép. Tuy nhiên, phép màu đã xảy ra, trong lúc bới xác lên thì anh em vô cùng sửng sốt khi thấy chân bạn mình còn ấm nên đã chở thẳng đi cấp cứu.
Từ cõi chết trở về, ông tiếp tục tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, từ giải phóng Chi khu Đồng Xoài, Phước Long, Chi khu Định Quán, Lâm Đồng, Xuân Lộc, Long Khánh… cho đến những trận đánh trên đường 13, chiến dịch Nguyễn Huệ.
Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Doanh là Chính ủy Trung đoàn 141 (Sư đoàn 7, Quân đoàn 4). Trung đoàn 141 được chọn đánh trận then chốt giải phóng Đồng Xoài. Trong trận này, quân ta bắt sống Vũ Khoái, quận trưởng kiêm Chi khu trưởng, là trận đánh đập tan ý đồ phản kích chiếm lại đường số 14, buộc địch phải co cụm phòng thủ, tạo thuận lợi cho quân ta tiến công giải phóng tỉnh Phước Long vào ngày 6/1/1975.
Trên đà thắng lợi, trong chiến dịch tổng tiến công đêm 29/4, rạng sáng 30/4/1975, Trung đoàn 141 do Nguyễn Ngọc Doanh làm Trung đoàn trưởng đã phối hợp các đơn vị mở toang “cánh cửa thép Xuân Lộc”, để các cánh quân của bộ đội ta cùng tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Nói về trận Xuân Lộc, Tướng Doanh cho biết đây là trận đấu khốc liệt và khó khăn nhất của đời ông: “Khi đó địch ở trên nhà thờ bắn xuống, dưới thì cho xe tăng ẩn nấp trong hào bắn phá, quân ta thiệt hại mất một chiếc xe tăng. Lúc này ta phải dùng pháo 85mm mới bắn hạ được địch trên tháp chuông, buộc phía địch đầu hàng”.
2. Trong dòng hồi ức của vị chỉ huy, khi quân ta tiến vào Sài Gòn dường như ít gặp sự chống trả của địch. Ông nhớ lại: “Quân giải phóng đi đến đâu được đồng bào đón như người con trở về. Người mang dừa cho bộ đội uống, người tặng bánh. Sài Gòn – Gia Định, một thành phố vừa được giải phóng gần như còn nguyên vẹn, tiếng súng đạn hay máu đổ trong trận chiến quyết định hầu như rất ít”.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh.
Lý giải về việc Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập nhưng không thể thực hiện, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh cho biết, ngày 29/4/1975, trong lúc tiến quân thọc sâu vào Sài Gòn, khi đến Hố Nai (Biên Hòa – Đồng Nai), Sư đoàn 7 bất ngờ bị “tiểu đoàn cọp đen”, xe tăng giấu trong các công sự và lính bảo an của địch ẩn nấp trên tháp chuông của các nhà thờ ngăn chặn, tấn công quyết liệt. Trước tình hình đó, Sư đoàn 7 buộc phải dừng lại tổ chức lực lượng để tiêu diệt lực lượng địch cản trở, rồi mới hành tiến theo hướng cầu Ghềnh. Tuy nhiên cây cầu này bị địch đánh sập 2 nhịp, buộc quân ta phải vòng ra Biên Hòa di chuyển theo xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn. Khi vào đến ngã 3 Vũng Tàu, lực lượng Quân đoàn 4 gặp Quân đoàn 2. Lúc này, Quân đoàn 2 đã có bộ phận đi trước tiến vào Sài Gòn.
Khi đến cầu Thị Nghè (đường Hồng Thập Tự - nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP Hồ Chí Minh), quân giải phóng tiếp tục bị cản trở bởi các chướng ngại vật của địch dựng lên như thùng phuy, bao cát nên đã chậm bước tiến.
“Sư đoàn 7 của Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ cắm cờ trên Dinh Độc Lập, nhưng vào chậm 30 phút. Lúc đó, Quân đoàn 2 đã cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, đồng chí Tư lệnh, Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong mới đùa vui anh em rằng: “Quân đoàn 2 cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập, còn ta cắm dưới đất. Cắm ở đâu cũng là chiến thắng. Hôm nay là ngày trọng đại, chiến thắng đã thuộc về ta”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh xúc động kể lại giây phút chứng kiến lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.
Tiếp quản Sài Gòn, Sư đoàn 7 là 1 trong 3 Sư đoàn thuộc Quân đoàn 4 tham gia làm nhiệm vụ quân quản, Trung đoàn 141 của ông Nguyễn Ngọc Doanh được giao quản lý các địa bàn quận 1, Bình Thạnh và Thủ Đức (nay là Thành phố Thủ Đức).
Năm 1988, ông được phong hàm Thiếu tướng khi đang là Phó Tư lệnh Chính trị mặt trận 479 Campuchia. Rời mặt trận Campuchia ông về công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đại học Nguyễn Huệ), giữ cương vị Phó hiệu trưởng cho đến năm 1997 thì nghỉ hưu.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, những tuyên truyền không đúng sự thật của chế độ cũ về cộng sản là trở ngại rất lớn để ta tiếp xúc với nhân dân Sài Gòn. Cùng với đó, sau giải phóng tình hình an ninh trật tự, cướp bóc tài sản của các băng nhóm, tàn dư diễn ra thường xuyên. Những cám dỗ về vật chất xa hoa dễ làm con người thay đổi, sa ngã, điều đó đặt ra yêu cầu nhiệm vụ quân quản rất nghiêm khắc, tạo được hình ảnh tốt đẹp về bộ đội giải phóng, bản chất nhân văn của chính quyền cách mạng trong lòng nhân dân.
“Vào thành vững như thành, các đồng chí đã chiến thắng được gian khổ, súng đạn chiến trường rồi, thì không được lung lay ý chí, phải chiến thắng được viên đạn bọc đường”. Câu nói và cũng là mệnh lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà hát lớn Sài Gòn sau ngày miền Nam giải phóng luôn được thế hệ chúng tôi khắc cốt ghi tâm. 50 năm đất nước hòa bình, những người lính như tôi đã sống một đời ý nghĩa, sống thay cho những đồng đội đã mãi mãi nằm lại”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh bồi hồi xúc động.
Ngọc Hoa
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/50-nam-ven-nguyen-ky-uc-i766712/