LTS: Năm 2025 là cột mốc tròn 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025). Đây là chặng đường vô cùng ý nghĩa với lịch sử dân tộc khi chứng kiến những chuyển mình sâu sắc của Việt Nam trên hành trình phát triển và hội nhập. Nhân sự kiện này, báo Pháp Luật TP.HCM gửi đến quý bạn đọc loạt bài viết nhìn lại hành trình nửa thế kỷ qua của Việt Nam dưới góc nhìn của bạn bè quốc tế từ ba lát cắt tiêu biểu: Đời sống người dân, sức bật của nền kinh tế và vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong các cơ chế đa phương và song phương.
Phố đi bộ Bùi Viện rực rỡ không khí Tết 2025. Ảnh: NGUYỆT NHI
Sau 50 năm kể từ ngày non sông liền một dải, Việt Nam (VN) trải qua một hành trình đầy thăng trầm, từ vô vàn khó khăn thời hậu chiến đến có được thành tựu ổn định chính trị và phát triển vượt bậc trong đời sống xã hội. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Pháp Luật TP.HCM đã có những cuộc trao đổi, chia sẻ với nhiều nhà ngoại giao, chuyên gia quốc tế về hành trình vươn mình mạnh mẽ của đất nước.
Ổn định sau những thăng trầm
Đại sứ Cuba tại VN - ngài Rogelio Polanco Fuentes nhận định: “Sau thắng lợi lịch sử ngày 30-4-1975, nhân dân VN tiếp tục giành được một thắng lợi vĩ đại khác: Vượt qua tàn phá nặng nề của cuộc chiến tranh kéo dài hàng chục năm gây ra, để hôm nay có thể tự hào giới thiệu với thế giới một đất nước đẹp hơn gấp 10 lần như Bác Hồ hằng mong ước”.
“Trong những thập niên gần đây, VN đã đạt được những bước tiến vượt bậc về kinh tế, gắn liền chặt chẽ với phát triển xã hội. Thành tựu này thể hiện rõ chiến lược đúng đắn của Đảng Cộng sản VN, Nhà nước và Chính phủ trong tầm nhìn đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045” - Đại sứ Rogelio Polanco Fuentes nói thêm.
Cách thức Việt Nam hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội trong quá trình đổi mới đã trở thành hình mẫu đáng tham khảo cho thế giới.
Với GS lịch sử Pierre Asselin thuộc ĐH San Diego State (Mỹ) và là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng về chiến tranh VN, con đường của VN từ năm 1975 đến nay là một hành trình đầy thăng trầm. VN đã trải qua gần 100 năm dưới sự cai trị của thực dân Pháp, sau đó là 30 năm chiến tranh vô cùng khốc liệt và tất cả chỉ thực sự kết thúc vào năm 1975.
“Tôi nghĩ sau năm 1975, VN và người dân vẫn phải đối mặt rất nhiều thử thách khiến cuộc sống thời bình ban đầu vô cùng khó khăn. Việc khắc phục hậu quả chiến tranh, cả ở miền Bắc lẫn miền Nam, thực sự không hề dễ dàng. VN đã trải qua một hành trình đầy thăng trầm, giống như một chuyến tàu lượn vậy. Có lúc thuận lợi, có lúc vô cùng khó khăn. Nhưng cuối cùng, mọi thứ đã ổn định. Để đạt được thành tựu ấy, thực sự người dân VN đã phải mất rất nhiều thời gian và nỗ lực trước những điều không dễ dàng” - GS Asselin nhận xét.
Nhân dân Cuba tự hào về mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với VN, các lãnh tụ của chúng ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Fidel Castro Ruz khởi xướng và về một lịch sử đấu tranh cao quý mà hai dân tộc cùng chia sẻ.
Vì vậy, chúng tôi ngưỡng mộ trí tuệ, sự sáng tạo và quyết tâm mà nhiều thế hệ lãnh đạo VN đã thể hiện khi dẫn dắt nhân dân vượt qua những hoàn cảnh lịch sử phức tạp, đạt được những thành tựu độc lập, giải phóng, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thời đại đất nước vươn mình phát triển đặt ra những thách thức quan trọng nhưng nhân dân VN sẽ một lần nữa vượt qua tất cả”.
Đại sứ Cuba tại VN ROGELIO POLANCO FUENTES
GS Asselin cũng dành lời khen cho thế hệ trẻ VN ngày nay, những người mà ông mô tả là “hiện thân cho sự hội nhập quốc tế của VN”. “Điều làm cho VN trở nên đặc biệt trong mắt tôi, điều khiến đất nước này khác biệt, chính là lịch sử của đất nước các bạn. VN đã trải qua bao khó khăn trong quá khứ, tôi nghĩ rằng giới trẻ VN sẽ rất tự hào về lịch sử dân tộc”.
Cùng quan điểm, GS Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu chính trị VN tại ĐH New South Wales (Úc), đề cập những thách thức chính trị mà VN phải đối mặt sau ngày giải phóng. Theo đó, VN đã rất nỗ lực để đưa đất nước vượt qua những thách thức an ninh để duy trì sự ổn định chính trị trong suốt mấy chục năm qua. “Từ năm 1975 đến nay, nhìn tổng thể có thể thấy VN luôn duy trì sự ổn định của hệ thống chính trị, tổ chức thành công 10 kỳ bầu cử HĐND các cấp và Quốc hội từ năm 1976 đến 2021 mà không gặp những khó khăn, gián đoạn nào” - GS Thayer nói.
Không chỉ giới học giả, nhiều bạn bè quốc tế từng đến VN cũng đánh giá cao sự phát triển ổn định của đất nước hiện nay. Bà Nann Khin Htwe Naing, một giáo viên khoa học xã hội tại Myanmar, không giấu được sự thán phục khi nói về sự ổn định chính trị - xã hội suốt 50 năm qua ở VN. Trong một thế giới mà sự bất ổn và chia rẽ diễn ra thường xuyên, VN nổi bật như một điểm sáng với trật tự bền vững, sự vận hành ổn định của hệ thống chính trị. “Trong 50 năm qua, tôi chưa từng nghe VN rơi vào những khó khăn hay bất ổn về chính trị. Đây là điều hiếm có trong lịch sử các nước đang phát triển” - bà Nann nhận xét.
Xây dựng vững chắc đời sống xã hội
Nhiều đoàn quốc tế dự lễ 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Nhận lời mời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Lào do Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Thongloun Sisoulith dẫn đầu sẽ sang dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước từ ngày 28 đến 30-4-2025.
Đoàn đại biểu cấp cao Campuchia do Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia Hun Sen dẫn đầu sẽ sang dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước từ ngày 29 đến 30-4-2025.
Trước đó, ngày 21-4, các cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia đã có mặt tại tỉnh Bình Dương để tham gia huấn luyện, chuẩn bị cho lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trưa 25-4, 118 cán bộ, chiến sĩ quân đội Trung Quốc cũng đến TP.HCM để tham gia diễu binh dịp lễ kỷ niệm này.
Trong cuộc họp báo Bộ Ngoại giao ngày 24-4, người phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là sự kiện vô cùng quan trọng, đặc biệt quan trọng không chỉ với VN mà còn với bạn bè quốc tế đã đồng hành, giúp đỡ VN trong giành được độc lập, thống nhất đất nước. Trung Quốc, Lào, Campuchia là ba nước có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, gắn bó lâu đời với VN.
Người phát ngôn cho biết rất vui mừng có sự tham dự của lực lượng quân đội Lào, Campuchia và Trung Quốc trong lễ diễu binh, diễu hành, thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa các nước trong khu vực. Người phát ngôn cho biết thêm cho đến nay đã nhận được sự tham gia của đại diện nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao, chính đảng, hội đoàn, tổ chức quốc tế, phong trào hòa bình, phong trào phản chiến trên thế giới cũng như nhiều nước, trong đó có Mỹ.
Trong những ngày tới sẽ có nhiều đoàn đại biểu đến TP.HCM từ các nước Ấn Độ, Nepal, Úc, Mỹ, Nhật, Pháp dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Một số đoàn quốc tế đã đến và dự kiến đến TP.HCM như đoàn đại biểu bạn bè Ủy ban Đoàn kết Philippinnes - Việt Nam vào từ ngày 29-4 đến 3-5, đoàn Quỹ Hòa giải và phát triển (FRD) và đoàn Hội đồng Quốc gia người cao tuổi (NCOE) vào từ ngày 15-4 đến 1-5, Đoàn Cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình (VFP) vào từ ngày 26-4 đến 12-5... NGỌC DIỆP
Ổn định chính trị là tiền đề để VN từng bước nâng cao chất lượng đời sống xã hội. Theo Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), chỉ số phát triển con người (HDI) của VN năm 2022 đạt 0,726, xếp thứ 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, với xu hướng liên tục tăng trong mấy chục năm qua. Cụ thể, giai đoạn 1990-2022 cho thấy chỉ số HDI của VN tăng mạnh mẽ từ 0,492 lên 0,726, cho thấy những tiến bộ rõ rệt về y tế, giáo dục và thu nhập toàn dân.
GDP bình quân đầu người cũng tăng trưởng mạnh mẽ, từ chỉ khoảng 121 USD vào năm 1990 đến trên 4.600 USD vào năm 2024, tức tăng gấp khoảng 38 lần trong vòng 34 năm.
Về giáo dục, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 10-2024, phổ cập giáo dục tiểu học đạt trên 98% từ đầu những năm 2000. Giáo dục trung học cũng cải thiện đáng kể: Tỉ lệ nhập học THCS đạt 95%, THPT đạt 80% tính đến năm 2024. Số năm đi học trung bình của người VN là 10,2 năm, chỉ xếp sau Singapore ở Đông Nam Á.
Y tế của VN cũng đạt nhiều tiến bộ lớn khi mức sống ngày càng cải thiện. Theo báo cáo của WB, tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh giảm từ 32,6/1.000 ca sinh năm 1993 xuống còn 16/1.000 ca sinh vào năm 2022. Tuổi thọ trung bình tăng từ 70,5 lên 75 tuổi trong giai đoạn 1990-2022. Chỉ số bao phủ y tế toàn dân của VN hiện ở mức 73, cao hơn trung bình khu vực và toàn cầu. 93% dân số được thụ hưởng dịch vụ BHYT tính đến năm 2023.
Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, VN nổi lên như một hình mẫu thành công trong việc phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh. Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định thành công của VN trong việc kiểm soát đại dịch và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế nhờ cách tiếp cận sớm, chủ động, minh bạch, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Chính phủ.
Nhìn một cách toàn diện, Đại sứ Cuba tại VN - ngài Rogelio Polanco Fuentes nhận định các chỉ số phát triển con người - đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế và an sinh xã hội - cùng với những thành quả trong công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trong những năm qua, là minh chứng cho quyết tâm của lãnh đạo VN trong việc đặt con người làm trung tâm của tiến trình chuyển mình kinh tế - xã hội của đất nước.
“Cách thức VN hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội trong quá trình đổi mới đã trở thành hình mẫu đáng tham khảo cho thế giới. Đồng thời, những mục tiêu phát triển đầy khát vọng mà VN đề ra trong thời gian tới - dù còn không ít thách thức phía trước - sẽ đạt được bằng tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường, đã trở thành bản sắc lịch sử của dân tộc anh hùng này” - Đại sứ Fuentes nhận định.
Bà Julia Babcock, nhà sáng lập tổ chức tư vấn New Rose City Consult (bang Oregon, Mỹ), có kinh nghiệm làm việc ở VN từ năm 2011 thông qua các sáng kiến của USAID (Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ) và liên kết Chính phủ Việt - Mỹ, tâm tình rằng trải nghiệm ở VN giúp bà hiểu hạnh phúc theo một cách hoàn toàn khác. “Ở phương Tây, người ta thường đồng nhất hạnh phúc với tiêu dùng hoặc thành tích - đôi khi vô thức. Ở VN, tôi nhận ra niềm vui thường bắt nguồn từ sự hiện diện trọn vẹn, khi con người thực sự kết nối với nhau trong từng khoảnh khắc. Ở VN, hạnh phúc không phải khái niệm trừu tượng mà là những hành động giản dị thường ngày: Lời mời ăn cơm, một câu chuyện kể, hay sự quan tâm âm thầm. Và tôi tin, chính điều đó đã đưa VN lên vị trí cao trong bảng xếp hạng hạnh phúc toàn cầu”.
Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2025 do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững Liên hợp quốc công bố nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), VN tăng tám bậc, xếp hạng 46 - vị trí cao nhất kể từ khi báo cáo ra đời năm 2012, chỉ đứng sau Singapore tại khu vực Đông Nam Á.•
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO
Hành trình vượt khó, gặt hái nhiều kỳ tích
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ năm 2018 đã nhận xét Việt Nam đã có những bước tiến nhanh chóng dù từng gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu những năm 1980.
Đặc biệt, bước ngoặt đến vào năm 1986, khi Việt Nam (VN) khởi động chương trình cải cách kinh tế lịch sử mang tên Đổi mới. Hành trình ấn tượng của VN từ một nước có thu nhập thấp vươn lên mức thu nhập trung bình đã giúp 40 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn 1993-2014. Người dân VN ngày càng có trình độ học vấn cao hơn và tuổi thọ trung bình cũng cao hơn so với nhiều quốc gia có mức thu nhập tương đương.
Từ đổi mới, thoát nghèo mạnh mẽ
Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM - ngài Vipra Pandey đánh giá rằng hành trình 50 năm qua của VN là câu chuyện ấn tượng về sự kiên cường, đổi mới và phát triển vượt bậc. Việc khởi xướng công cuộc Đổi mới đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, giúp VN chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bước chuyển này cùng với việc mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy thương mại đã mở đường cho nhiều thập niên tăng trưởng mạnh mẽ, đưa GDP bình quân đầu người từ 100 USD vào cuối những năm 1980 lên khoảng 4.700 USD vào năm 2024.
“Ít quốc gia nào có thể giảm nghèo nhanh và mạnh mẽ như VN. Từ những năm 1990, nền kinh tế VN duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 6%-7% mỗi năm. Nhờ tăng trưởng kinh tế và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, người dân ngày càng được tiếp cận tốt hơn với giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện. Đây thực sự là một trong những câu chuyện thành công nhất về sự phát triển trên thế giới” - ông Vipra nhận định.
Cùng quan điểm, Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM - ngài Agustaviano Sofjan “hoàn toàn đồng tình rằng VN đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trong những nền kinh tế năng động và sôi động nhất Đông Nam Á chỉ trong vài thập niên”.
“Theo tôi, việc thực hiện chính sách cải cách Đổi mới từ năm 1986 là một cột mốc mang tính bước ngoặt, giúp VN đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong suốt 50 năm qua. Nhờ những chính sách đó, VN đã hiện đại hóa và mở cửa nền kinh tế, từng bước chuyển đổi sang mô hình kinh tế định hướng thị trường. Kể từ đó, sự kết hợp giữa các cải cách táo bạo, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hội nhập thương mại toàn cầu và lực lượng lao động có kỹ năng ngày càng cao đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng” - ông Agustaviano nhấn mạnh.
Đến điển hình trong bảo vệ quyền con người
Ngày 11-10-2022 tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở TP New York (Mỹ), Đại hội đồng LHQ đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có VN. Ngày 12-12-2024, phái đoàn VN tại LHQ cho biết VN sẽ tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028.
Thông tin thêm về vấn đề này, ngày 19-12-2024, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết trong hai năm đầu của nhiệm kỳ 2023-2025, VN đã tích cực hoàn thành trách nhiệm thành viên. Trong đó, VN đã tham gia Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 4, đón báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền phát triển tới thăm VN với những kết quả rất tích cực.
“Đó là những nền tảng hết sức quan trọng để VN tiếp tục ứng cử làm ủy viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028. Việc ứng cử của VN khẳng định sự tiếp nối những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng đóng góp của VN vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS Thayer cho rằng VN đã đạt được nhiều tiến bộ lớn trong việc đảm bảo, nâng cao các quyền con người nói chung, bao gồm giảm nghèo, an ninh kinh tế, y tế công cộng, bình đẳng giới, quyền bình đẳng cho các dân tộc thiểu số và rất nhiều thành tựu khác.
GS Thayer trích dẫn Hiến pháp VN năm 2013, Điều 14 Chương II trong đó quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN, quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Điều 15 nêu rõ: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước”.
THẢO VY
DƯƠNG KHANG - THẢO VY