Tôi không hay ăn vặt hay mua đồ ăn về nhà nhưng mỗi khi đi du lịch lại muốn thưởng thức các món đặc sản địa phương được bán trên vỉa hè, chợ, đường phố. Mới đây khi có dịp vào TP.HCM, sau khi giải quyết xong công việc, tôi dành thời gian khám phá thành phố, mua mang về khách sạn một phần bánh tráng trộn mà bạn bè dặn là "nhất định phải thử" trong khu chợ rất đông du khách và sửng sốt về gánh nặng mà nó gây ra cho môi trường.
Nếu như món bánh tráng mang về ở Hà Nội thường được trộn sẵn, chỉ đơn giản là cho hết vào một chiếc hộp nhựa thì phần ăn mà tôi mua lúc này có đến 6 chiếc túi nylon do các thành phần đều được đựng riêng: Túi lớn bọc ngoài, túi đựng bánh tráng, túi muối tôm, túi hành phi, túi sốt ớt và túi đựng tắc (quất).
Tôi hỏi sao không để tất cả vào một bịch, người bán hàng bảo: “Gói chung thì khách kêu không ngon, mất vị, vì họ chưa ăn luôn. Tôi làm vậy là mất khách”.
Du khách mua bánh tráng mang về có thể phải sử dụng rất nhiều túi nylon. (Ảnh minh họa: Bánh Tráng Huyền)
Sáu chiếc túi nylon cho một bịch bánh tráng giá chỉ 25.000 đồng. Khách chỉ mất chừng 10 - 15 phút để thưởng thức phần ăn này, nhưng những chiếc túi nhựa sẽ nằm ngoài thiên nhiên suốt 1.000 năm tiếp theo vì nhiều khả năng là chúng không được phân loại mà đem đi chôn lấp cùng các loại rác thải khác.
Mỗi ngày, người bán hàng vỉa hè có thể bán 200-300 suất bánh tráng trộn, trong đó có nhiều suất mang về như vậy. Với sự hiện diện dày đặc của các hàng bánh tráng trộn khắp thành phố, chỉ riêng món đặc sản này đã tạo ra lượng túi nylon khó tưởng tượng. Rất nhiều du khách hay người đến TP.HCM công tác còn tiện thể mang về địa phương mình hàng chục suất làm quà.
Bánh tráng trộn cũng chỉ là một ví dụ cho sự lạm dụng túi nylon trong ẩm thực, một yếu tố quan trọng của du lịch. Ngoài bánh tráng trộn, TP.HCM và các địa phương còn có nhiều món ngon khác mà khách muốn mang về sẽ cầm theo lượng lớn túi nylon hay hộp nhựa, thìa dĩa nhựa). Mang lại sự tiện lợi tối đa cho khách hàng là phương châm của người cung cấp dịch vụ nhưng mặt trái của nó là sự tấn công khủng khiếp của túi nylon vào cuộc sống tương lai của con người.
Ngoài ẩm thực, dịch vụ du lịch còn thải lượng rác nhựa khổng lồ từ đồ nhà tắm dùng một lần trong các nhà nghỉ, khách sạn: Bàn chải đánh răng, tuýp đựng kem đánh răng, dao cạo râu, lược, lọ đựng dầu gội - dầu xả - sữa tắm, mũ tắm...
Việt Nam được xếp vào nhóm 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới, và là một trong những nước có lượng rác nhựa thải ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa và bao bì.
Viễn cảnh khủng khiếp của thế giới ngập tràn rác nhựa là điều ai cũng biết, nhưng sự tiện lợi và dễ dãi khiến mỗi người trong chúng ta đều tặc lưỡi cầm lấy những chiếc túi nylon được người bán hào phóng trao cho, tự bào chữa rằng mọi người đều thế cả. Nhưng nếu cứ coi thường sự thay đổi của một cá nhân đơn lẻ, sẽ không thể có sự thay đổi của cả cộng đồng.
Hôm đó tôi đã không mua bánh tráng trộn mang về nữa mà ngồi thưởng thức tại chỗ; suất ăn kia vẫn được chị bán hàng trao cho vị khách khác đang đợi, nhưng ít nhất thành phố cũng bớt được 6 chiếc túi nylon của tôi.
Tôi để ý thấy mấy năm gần đây, ngày càng nhiều nhà nghỉ, khách sạn phục vụ khách lưu trú bằng kem đánh răng full size và dầu gội, sữa tắm đựng trong chai lớn thay cho các tuýp, lọ nhỏ dùng một lần. Họ làm thế dù là vì môi trường hay để tiết kiệm chi phí thì đều tốt, cách này cần được lan tỏa, nhân rộng.
Tại Hà Nội, từ năm sau, đồ nhựa sử dụng một lần sẽ không còn được dùng trong khách sạn, khu du lịch; từ năm 2027 sẽ không còn túi nylon miễn phí tại các chợ. TP.HCM cũng đang hướng tới việc giảm sử dụng túi nylon tại các khu chợ, đặt mục tiêu giảm 70% túi nylon khó phân hủy trong các chợ vào năm 2025. Tuy nhiên, không ai ngoài chính ý thức chúng ta ngăn cản việc hạn chế túi nylon ngay từ bây giờ.
Không chỉ TP.HCM hay Hà Nội, tất cả các địa phương, phải nhanh chóng có lộ trình trình loại bỏ túi nylon miễn phí. Du lịch Việt Nam phải khẩn trương "xanh hóa" với việc loại bỏ các đồ đựng bằng nhựa dùng một lần, vì điều này đem lại rất nhiều lợi thế cho ngành. Theo khảo sát của trang Booking.com vào năm 2024, 96% du khách Việt Nam cho biết du lịch bền vững là quan trọng đối với họ; 43% tin rằng cá nhân có thể đóng góp tích cực cho xã hội và môi trường qua hành động du lịch có trách nhiệm.
Mỗi suất ăn mang về (như bún chả, bánh tráng trộn...) có 5-7 túi nylon, nhân với con số triệu người, 365 ngày và hàng chục năm, không cần đợi đến đời con cháu mà chính chúng ta thôi sẽ chìm trong rác chỉ trong nay mai.
Thu Uyên