6 dấu hiệu bất thường khi mất nước và cách xử trí

6 dấu hiệu bất thường khi mất nước và cách xử trí
2 giờ trướcBài gốc
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mất nước nghiêm trọng là mất hơn 10% trọng lượng cơ thể dưới dạng chất lỏng. Mất nước có thể gây co giật, loạn nhịp tim, sốc giảm thể tích máu, thậm chí tử vong.
Nếu khát, tức là bạn đã bị mất nước. Nhưng không khát không nhất thiết có nghĩa là đã đủ nước. Sau đây là 2 cách khác để kiểm tra mức độ mất nước của cơ thể:
- Dùng hai ngón tay véo một ít da ở mu bàn tay, sau đó thả ra. Da sẽ trở lại vị trí bình thường trong vòng chưa đầy vài giây. Nếu da trở lại bình thường chậm hơn, có thể bị mất nước.
- Kiểm tra nước tiểu: Nếu cơ thể đủ nước, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt. Nước tiểu màu vàng đậm hơn, cam, sẫm màu, cơ thể mất nước cần bổ sung nước ngay.
Mất nước có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Sau đây là 6 dấu hiệu và triệu chứng dễ gặp của tình trạng mất nước:
1. Hôi miệng có thể là dấu hiệu cảnh báo mất nước
Nước bọt có đặc tính kháng khuẩn, nhưng mất nước khiến cơ thể không sản xuất đủ nước bọt. Vì thế, vi khuẩn trong miệng có thể phát triển quá mức và gây hôi miệng.
Đây cũng là lý do tại sao sau thức dậy thường hôi miệng. Nguyên nhân là do sản xuất nước bọt chậm lại trong khi ngủ, dẫn đến vị khó chịu trong miệng.
Xử trí: Khi bị khô miệng và hơi thở không thơm tho, cần bù nước ngay. Nên uống một cốc nước ấm sau khi thức dậy.
2. Da khô hoặc ửng đỏ
Nhiều người nghĩ rằng những người bị mất nước sẽ đổ mồ hôi rất nhiều. Nhưng trên thực tế, khi trải qua nhiều giai đoạn mất nước khác nhau, da sẽ khô, ửng đỏ.
Mất độ đàn hồi của da cũng là biểu hiện của tình trạng mất nước. Điều này khiến da sau khi bị véo, mất một thời gian mới trở lại trạng thái bình thường.
Xử trí: Khi da khô, ửng đỏ nên bổ sung nước ngay. Có thể uống nước ép trái cây, nước khoáng, hoặc ăn trái cây...
3. Chuột rút cơ
Cơ thể mất nước sẽ không thể hạ nhiệt, dẫn đến say nóng và gây chuột rút cơ. Chuột rút cơ có thể xảy ra trong khi tập thể dục, đặc biệt là trong thời tiết nóng.
Cơ thể càng nóng càng dễ bị chuột rút cơ bắp. Nguyên nhân là do tác động nhiệt lên cơ bắp. Cơ bắp hoạt động càng nhiều càng dễ bị co cứng do chính nhiệt độ. Những thay đổi trong chất điện giải, như natri và kali, cũng có thể dẫn đến chuột rút cơ bắp.
Xử trí: Ngay cả trong thời tiết mát mẻ, tình trạng mất nước vẫn có thể xảy ra nếu không bù lại lượng nước đã mất bằng cách uống một lượng nhỏ nước trong khi tập luyện. Do đó, cần bổ sung nước trước, trong và sau khi tập luyện để tránh mất nước. Nên bù nước bằng đồ uống có chứa chất điện giải sau khi tập thể dục.
4. Sốt và ớn lạnh
Việc đổ mồ hôi quá nhiều, cảm giác ớn lạnh trên da khi chạm vào có thể là dấu hiệu của tình trạng kiệt sức do nhiệt. Sốt có thể làm tình trạng mất nước trở nên nghiêm trọng hơn. Sốt càng cao, tình trạng mất nước càng nghiêm trọng. Nếu nhiệt độ cơ thể không giảm, da sẽ mất đi độ ẩm mát mẻ và sau đó trở nên nóng, đỏ bừng và khô khi chạm vào.
Lưu ý, trẻ em, trẻ sơ sinh khi sốt, tiêu chảy, nôn có khả năng mất nhiều nước hơn. Các triệu chứng báo hiệu mất nước ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ: Đầu mềm, không chảy nước mắt khi khóc, tiểu ít hơn bình thường. Bất kỳ cơn sốt nào ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi đều đáng lo ngại. Cần trao đổi với bác sĩ nhi khoa để được tư vấn trong những trường hợp này.
Xử trí: Với trường hợp này phải hạ nhiệt ngay lập tức và được chăm sóc y tế. Có thể chườm đá, đắp khăn ướt mát, di chuyển đến nơi mát mẻ trước khi được đưa đến cơ sở y tế.
Sốt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể gây mất nước.
5. Thèm đồ ngọt
Khi bị mất nước, các cơ quan như gan, nơi sử dụng nước, sẽ khó giải phóng glycogen, glucose dự trữ và các thành phần khác trong kho năng lượng. Do đó có thể gây thèm ăn đồ ngọt. Cơn thèm đồ ngọt thường phổ biến hơn vì cơ thể có thể gặp khó khăn trong việc phân hủy glycogen để giải phóng glucose vào máu để sử dụng làm nhiên liệu.
Xử trí: Khi có dấu hiệu thèm đồ ngọt, không nên ăn đồ ngọt mà cần bổ sung ngay nước. Việc ăn đồ ngọt không những làm cơn khát nhiều hơn mà về lâu dài có thể gây tăng cân, mắc bệnh đái tháo đường.
Cảm giác thèm đồ ngọt dai dẳng có thể chỉ là dấu hiệu cho thấy bạn cần uống nhiều nước hơn.
6. Đau đầu
Ngay cả tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể gây ra đau đầu. Mặc dù nhiều yếu tố khác ngoài tình trạng mất nước có thể gây ra đau đầu, nhưng uống một cốc nước đầy và tiếp tục nhấp thêm nước trong ngày là cách dễ dàng để giảm đau đầu.
Mẹo để giữ đủ nước
Lượng nước cơ thể cần còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Độ tuổi, giới tính, đang mang thai hay cho con bú, tình trạng bệnh lý… Tuy nhiên, thông thường, phụ nữ nên uống 2,7 lít nước mỗi ngày và nam giới uống 3,7 lít mỗi ngày. Có thể đạt được lượng nước này bằng cách tiêu thụ một số loại thực phẩm, nước và các chất lỏng khác.
Cách bổ sung đủ nước cần thiết và ngăn ngừa tình trạng mất nước:
- Luôn mang theo chai nước bên mình.
- Nếu không thích nước lọc, có thể đổi thành nước ép trái cây, nước khoáng không calo hương vị tự nhiên, trà thảo mộc hoặc cà phê không đường.
- Ăn sữa chua, sinh tố lành mạnh, cần tây với bơ đậu phộng và rau cắt nhỏ.
- Ăn nhiều rau và trái cây: Dưa lưới, dâu tây, dưa hấu, dưa chuột, cần tây, rau diếp, rau lá xanh, bí xanh, cà chua, ớt chuông…
- Uống nhiều chất lỏng hơn trong bữa ăn: Uống nhiều chất lỏng (nước canh, súp...) trong bữa ăn sẽ giúp ăn chậm hơn, điều chỉnh tốc độ ăn và tất nhiên là giữ đủ nước. Uống nước trước khi ăn cũng có thể giúp giảm cân.
Sau khi tập luyện thể dục hãy tránh xa các loại nước này.
BS. Nguyễn Thị Diễm Lệ
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/6-dau-hieu-bat-thuong-khi-mat-nuoc-va-cach-xu-tri-169241028080534492.htm