6 dấu hiệu của bố mẹ thiếu công bằng và hay phán xét

6 dấu hiệu của bố mẹ thiếu công bằng và hay phán xét
13 giờ trướcBài gốc
1. Cảm xúc là một chủ đề cấm kỵ: Cha mẹ thiếu công bằng hay phán xét thường tạo ra môi trường nơi trẻ em cảm thấy phải kìm nén cảm xúc của mình để tránh bị chỉ trích hoặc từ chối. Với họ, việc trẻ bộc lộ cảm xúc thường không được khuyến khích, thậm chí bị ngó lơ hoàn toàn.
2. Chỉ có hoàn hảo mới được chấp nhận: Cha mẹ thường đặt kỳ vọng rất cao, từ điểm số, cách cư xử, đến cả những hoạt động giải trí nhỏ nhặt, khiến đứa trẻ phải sống trong tâm thế luôn phải hoàn hảo theo tiêu chí của họ. Động cơ có thể xuất phát từ mong muốn con cái thành công, nhưng cách thể hiện kỳ vọng đó lại dễ biến thành sự phán xét liên tục. Trẻ lớn lên trong môi trường như vậy có thể hình thành cảm giác sợ sai sót, mất tự tin vào giá trị bản thân và mang theo nỗi ám ảnh đến khi trưởng thành.
3. Trẻ luôn bị đặt lên bàn cân so sánh: Việc cha mẹ không ngừng so sánh thành tích của trẻ với anh chị em trong nhà hay thậm chí là con cái của người khác là một dấu hiệu của sự đánh giá, phán xét thiếu công bằng. Sự so sánh dai dẳng này thường gieo vào lòng trẻ cảm giác tự ti và niềm tin rằng bản thân không đủ tốt. Dần dần, trẻ suy giảm lòng tự trọng và có thể gây ra sự oán ghét giữa anh chị em.
4. Liên tục chỉ trích trẻ: Cha mẹ luôn tập trung vào những lỗi lầm của con cái, hiếm khi công nhận những cố gắng mà trẻ bỏ ra là một dấu hiệu cho thấy họ có xu hướng phê phán quá mức. Việc liên tục phải đối mặt với những lời chỉ trích sẽ khiến trẻ cảm thấy bản thân không đủ tốt, dẫn đến thiếu tự tin.
5. Xem nhẹ lựa chọn của trẻ: Khi một đứa trẻ bày tỏ mong muốn theo đuổi sở thích riêng, chọn ngành học, hay đơn giản là đưa ra một ý kiến cá nhân, điều chúng nhận lại thường là sự phủ nhận, nghi ngờ hoặc lời phán xét mang tính áp đặt. Thái độ này không chỉ khiến đứa trẻ cảm thấy mình không được tôn trọng mà còn dần làm xói mòn sự tự tin và khả năng ra quyết định độc lập của chúng.
6. Bố mẹ không bao giờ nhận sai: Thừa nhận lỗi lầm là biểu hiện của sự trưởng thành và lòng tự trọng. Thế nhưng, nếu cha mẹ không bao giờ nhận sai hay xin lỗi về những hành động sai trái, đó là một dấu hiệu của sự phán xét thiếu công bằng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến con cái. Hành vi này có thể khiến trẻ lớn lên với quan niệm sai lầm rằng đối mặt, thừa nhận lỗi lầm là một sự yếu đuối.
Ngọc Bích
Ảnh: Pexels
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/6-dau-hieu-cua-bo-me-thieu-cong-bang-va-hay-phan-xet-post1550516.html