Ngày 24-5, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa qua Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố bốn vụ án, bốn bị can về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Lực lượng chức năng phát hiện vụ việc người dân dùng súng săn bắn động vật trái phép. Ảnh: CA
Gần đây nhất, ngày 10-5, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra, phát hiện Trần Hữu Định (32 tuổi, ngụ ,thôn Nhân Giang, xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đang có hành vi mua bán, vận chuyển một con tê tê.
Cơ quan công an cho biết tại Đắk Lắk, tình trạng khai thác, săn bắt trái phép động vật hoang dã trên một số địa bàn như huyện Buôn Đôn, huyện Ea Súp, huyện M’Đrắk, huyện Ea Kar, huyện Lắk, huyện Krông Bông… có thời điểm diễn ra hết sức phức tạp.
Những người vi phạm có hành vi săn bắt, vận chuyển, tàng trữ, mua bán các cá thể động vật nguy cấp, quý, hiếm như Voọc Chà vá chân đen, kỳ đà, rắn hổ chúa, tê tê, linh trưởng...
Cơ quan chức năng phát hiện người phụ nữ buôn bán động vật quý hiếm. Ảnh: CA
Hiện Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục điều tra, xác minh mở rộng, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng, nhằm xử lý nghiêm trước pháp luật.
Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, hành vi này theo điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có thể bị phạt tù đến 15 năm; bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng...
Công an tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo, tuyệt đối không tham gia các hoạt động săn bắt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.
Chung tay làm giảm nguồn cung ứng đầu ra của các sản phẩm từ động vật hoang dã như: Không mua các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, từ chối “đặc sản” thú rừng, không mặc, dùng các sản phẩm từ lông thú.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các khu vực rừng, các điểm nóng, cửa khẩu, chợ đầu mối, cơ sở buôn bán động vật hoang dã.
Kiểm soát và giám sát chặt chuỗi cung ứng, hoạt động buôn bán động vật hoang dã trong các trang trại, vườn thú, cơ sở nuôi nhốt.
Phát huy vai trò giám sát của người dân, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học.
Tổ chức các chiến dịch truyền thông, giáo dục môi trường trong nhà trường để nâng cao nhận thức đúng từ sớm cho học sinh, sinh viên nói riêng, đẩy mạnh công tác giáo dục nhận thức, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư nói chung về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã và hậu quả pháp lý của việc vi phạm nhằm chung tay giữ gìn hệ đa dạng sinh học, đảm bảo môi trường phát triển tốt đẹp cho thế hệ tương lai.
VŨ LONG