Định nghĩa cán bộ, công chức
1. Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng vào vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp xã; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an; trong tổ chức cơ yếu mà không phải là người làm công tác cơ yếu, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Những việc cán bộ, công chức không được làm
1. Trốn tránh, thoái thác, né tránh, đùn đẩy trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý nghỉ việc, bỏ việc; tham gia đình công; đăng tải, phát tán, phát ngôn thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của đất nước, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.
2. Có hành vi tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi, nhũng nhiễu và các hành vi khác vi phạm pháp luật đối với người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
3. Sử dụng tài sản công của Nhà nước và tài sản của Nhân dân trái pháp luật.
4. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn, sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để trục lợi.
5. Có hành vi phân biệt đối xử dân tộc, giới tính, độ tuổi, khuyết tật, tôn giáo, tín ngưỡng, thành phần xã hội dưới mọi hình thức trong thi hành công vụ.
6. Những việc không được làm liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ bí mật nhà nước và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền trong thời gian công tác và sau khi thôi việc, nghỉ hưu.
Bổ nhiệm, từ chức, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ đối với công chức lãnh đạo, quản lý
1. Công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được thực hiện bằng quyết định bổ nhiệm của cấp có thẩm quyền. Trường hợp được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý mới thì đương nhiên thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm, trừ trường hợp kiêm nhiệm.
2. Thời hạn bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 05 năm. Thời hạn bổ nhiệm dưới 05 năm áp dụng đối với một số chức danh đặc thù theo quy định của pháp luật có liên quan hoặc quy định của cấp có thẩm quyền.
Khi hết thời hạn bổ nhiệm, cấp có thẩm quyền phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại, trừ trường hợp chưa được xem xét, bổ nhiệm lại theo quy định của pháp luật và quy định của cấp có thẩm quyền.
3. Việc từ chức, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ và các nội dung khác có liên quan đối với công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền và của Chính phủ.
Hà Phong