Không cúng quá sớm hay quá muộn
Năm nay, Tết ông Công ông Táo rơi vào thứ Tư, ngày 22/1 (Dương lịch). Theo chuyên gia phong thủy, không cúng ông Công ông Táo quá sớm, tuyệt đối tránh cúng vào đúng ngày Rằm tháng chạp.
Ngoài ngày 23 tháng Chạp có thể làm lễ vào ngày 20 và 21 tháng Chạp. Tuyệt đối không làm lễ cúng ông Công ông Táo sau ngày 23 tháng Chạp và không cúng muộn hơn 23h đêm ngày 23 tháng Chạp. Đây được xem là phạm húy, các Táo tới muộn, không kịp báo cáo với Ngọc Hoàng, cơ sự lỡ dở.
Không bao sái, rút chân nhang trước khi cúng
Không bao sái, rút chân nhang, dọn dẹp không gian thờ cúng và bàn thờ trước khi cúng ông Công ông Táo. Các gia đình phải cúng ông Công ông Táo xong mới được thực hiện việc bao sái và rút tỉa chân nhang.
Theo các chuyên gia văn hóa, khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ tuyệt đối không đốt tiền âm phủ. Ảnh Minh họa.
Không cúng tiền âm phủ
Theo các chuyên gia văn hóa, khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ tuyệt đối không đốt tiền âm phủ vì Táo quân là thần tiên, không phải là vong hồn người âm.
Ngoài ra, không nên mua, đốt quá nhiều vàng mã, cốt ở đủ đầy. Theo tích xưa, các Táo ở đây là 2 Táo ông và một Táo bà, vì thế gia chủ cần chuẩn bị đủ 3 bộ mũ áo vàng mã.
Tùy theo từng địa phương mà khi cúng ông Công ông Táo có nơi dâng ngựa vàng mã đầy đủ yên cương. Song ở hầu hết nơi thì người dân chuẩn bị 3 con cá chép thật hoặc 3 con cá chép giấy để thay thế.
Không nên mua quá nhiều cá chép thật, nếu có ý định thả phóng sinh thì nên có kế hoạch từ trước để chọn nơi thả phóng sinh cho phù hợp. Tuyệt đối không thả cá ở nơi ô nhiễm, sình lầy hay ao tù nước đọng.
Đặt mâm lễ sai nơi thờ cúng
Nếu gia chủ có ban thờ Táo quân ở dưới bếp thì có thể đặt mâm lễ cúng ở đây, song vẫn cần có một mâm lễ nữa ở ban thờ chính. Bởi theo quan niệm dân gian, ngoài ông Táo là các vị thần bếp, còn là lễ thần Thổ công, cai quản đất đai trong nhà.
Để thuận tiện, tránh rườm rà hay phải thực hiện nhiều nghi lễ, nên đặt mâm cúng ông Công ông Táo ở ban thờ chính của gia đình. Đây là nơi thờ phụng các vị thần linh, đặt mâm lễ cúng ở đây mới thể hiện lòng thành kính của gia chủ.
Ngoài ra, xét theo ý nghĩa tâm linh thì việc cúng lễ phải được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà. Bếp là nơi đun nấu, dù có lau dọn sạch sẽ đến mấy thì cũng vẫn là không gian sinh hoạt chung, không đủ trang nghiêm.
Tránh thỉnh cầu tài lộc, tình duyên khi cúng ông Táo
Theo quan niệm của người Việt, lễ cúng ông Công ông Táo nhằm mục đích tiễn các vị Thần cai quản bếp núc trong nhà lên trời, bẩm báo với Ngọc Hoàng việc làm tốt và chưa tốt của con người trong năm qua.
Trong lễ cúng này, gia chủ nếu có cầu khấn, chỉ nên xin các Táo giơ cao đánh khẽ, báo cáo những việc tốt đẹp và xin Ngọc Hoàng phù hộ cho năm mới bình an.
Tránh phạm sai lầm, phát tâm khẩn cầu các khía cạnh như tài lộc, tình duyên hay sung túc trong lễ này.
Khi thực hiện lễ cúng, gia chủ cần phải ăn mặc kín đáo, gọn gàng. Thao tác cúng bái cần nhẹ nhàng, cẩn thận, tránh làm đổ vỡ đồ đạc thờ cúng. Giữ tâm thái hoan hỉ, bình an để mang tới nguồn năng lực tích cực.
Đặc biệt, trước đó một ngày, cần tránh ăn đồ thuộc tứ linh như thịt chó, thịt mèo, thịt rắn, tiết canh ba ba, rùa, cá chép, mắm tôm, mắm tép…
Một số món ăn kiêng kỵ trong mâm lễ
Khi chuẩn bị mâm lễ cúng ông Công ông Táo, cần tránh một số món ăn được xem là kiêng kỵ như các món làm từ thịt bò, thịt chó, thịt vịt, thịt ngan hay thịt chim...
Theo Đỗ Quyên (TPO)