6 điều trẻ em lo lắng nhất, nhiều bố mẹ không nhận ra

6 điều trẻ em lo lắng nhất, nhiều bố mẹ không nhận ra
11 giờ trướcBài gốc
Khi trẻ em phải đối mặt với những nỗi lo dai dẳng, cha mẹ thường cảm thấy bất lực và không biết cách giúp đỡ. Theo CNBC, bước quan trọng đầu tiên là cha mẹ cần thấu hiểu những điều thực sự đang khiến con trẻ bận tâm. Dưới đây là 6 nỗi lo lắng phổ biến nhất ở trẻ mà nhiều bậc cha mẹ không hề hay biết.
1. Tương tác xã hội: Khi trẻ lớn lên và bắt đầu hình thành nhận thức về bản thân, chúng bắt đầu quan tâm đến suy nghĩ của bạn bè. Nhu cầu hòa nhập và được yêu thích trở nên quan trọng hơn. Sự khác biệt so với bạn bè, dù xuất phát từ ngoại hình, sở thích, nền tảng văn hóa, tôn giáo hay bất kỳ đặc điểm cá nhân nào, đều có thể khiến trẻ lo lắng, thậm chí trở thành đối tượng của hành vi bắt nạt hoặc trêu ghẹo.
2. Lịch trình dày đặc, thiếu thời gian nghỉ ngơi: Nhiều gia đình sắp xếp việc học ở trường và các hoạt động ngoại khóa cho trẻ từ sáng đến tối, con hầu như không có khoảng trống nào cho nghỉ ngơi, thư giãn. Việc thiếu thời gian vui chơi tự do để tái tạo năng lượng có thể khiến trẻ dễ bị căng thẳng kéo dài. Vì vậy, hãy đảm bảo con có đủ thời gian vui chơi tự do. Đây là cách quan trọng để trẻ học hỏi, xử lý những cảm xúc phức tạp và khám phá, thấu hiểu thế giới xung quanh.
3. Thiếu ổn định: Sự ổn định không có nghĩa là mọi thứ phải rập khuôn, nhưng những thay đổi đột ngột vào phút cuối trong lịch trình hàng ngày có thể khiến trẻ bất an. Tương tự, một người chăm sóc không đáng tin cậy, thường xuyên trễ hẹn hoặc thất hứa, cũng có thể gây ra lo lắng ở trẻ. Ngoài ra, sự thiếu ổn định còn thể hiện ở sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của người lớn, hoặc các quy tắc và kỳ vọng thay đổi thất thường theo từng ngày. Điều này tạo ra cảm giác bất ổn và khó chịu cho trẻ.
4. Sang chấn tâm lý: Sang chấn tâm lý có thể gây ra những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ ở trẻ, như suy sụp, sợ hãi hoặc đau khổ. Khi trải qua sang chấn, trẻ thường khó tự điều chỉnh cảm xúc vì cơ thể chúng kích hoạt phản ứng căng thẳng. Điều này khiến trẻ luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ, mất khả năng thư giãn và thường xuyên lo lắng về sự an toàn của bản thân. Ngay cả những sự việc tưởng chừng nhỏ nhặt cũng có thể tác động đến cảm giác an toàn vốn có của trẻ. Lâu dài, bất cứ điều gì gợi nhớ đến sự kiện đau buồn đó đều có thể khơi dậy nỗi sợ hãi ban đầu.
5. Những thay đổi lớn trong cuộc sống: Việc chuyển nhà hay chuyển trường có thể mang đến cho trẻ nhiều cảm xúc lẫn lộn, vừa háo hức vừa lo lắng. Ngay cả khi đó là một sự thay đổi tích cực, trẻ vẫn có thể cảm thấy mất mát trước khi nhận ra những điều tốt đẹp mà nó mang lại. Chẳng hạn, trước khi cảm nhận được niềm vui khi có em, trẻ có thể buồn bã vì không còn là con một. Bên cạnh đó, một số thay đổi thực sự khó khăn và gần như không có mặt tốt, ví dụ như việc cha hoặc mẹ chuyển đi nơi khác, hay bạn thân phải chuyển trường.
6. Mạng xã hội: Sự xâm nhập của mạng xã hội vào cuộc sống của trẻ em không chỉ làm phức tạp thêm các mối quan hệ xã hội mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự trọng của trẻ. Trẻ có xu hướng so sánh cuộc sống thực tế của mình với những khoảnh khắc "tỏa sáng" được chọn lọc kỹ càng trên trang cá nhân của bạn bè, thậm chí là những người xa lạ. Điều này dễ khiến trẻ cảm thấy tự ti, bất mãn về cuộc sống của chính mình, dẫn đến những lo âu không đáng có.
Để giúp trẻ kiểm soát những cảm xúc mạnh mẽ, điều quan trọng là trang bị cho con những cách đối phó thiết thực. Cha mẹ hạy con cách làm chủ cảm xúc bằng cách gọi đúng tên những gì con đang cảm thấy, tập hít thở sâu, khuyến khích con tự nhủ với bản thân bằng những câu nói tích cực. Bên cạnh đó, hãy nhắc con rằng việc con chia sẻ nỗi lo lắng với cha mẹ, anh chị em hoặc một người tin tưởng sẽ giúp con cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Ngọc Bích
Ảnh: Pexels
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/6-dieu-tre-em-lo-lang-nhat-nhieu-bo-me-khong-nhan-ra-post1550866.html