Sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền. Ảnh: Apollohospitals.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), sốt xuất huyết dù là bệnh quen thuộc nhưng trong thực tế, vẫn còn tồn tại những hiểu lầm, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác điều trị và phòng bệnh.
Dưới đây là một số lầm tưởng thường gặp về bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết như sốt bình thường và sẽ tự khỏi sau vài ngày
Tùy vào cơ địa mỗi người, khi mắc bệnh sốt xuất huyết, sẽ có những trường hợp bệnh tự khỏi sau vài ngày sốt, cũng có những trường hợp xuất hiện thêm nhiều triệu chứng, bệnh diễn tiến nặng hơn và có nguy cơ không qua khỏi, nếu không xử lý kịp thời.
Cạo gió, xông lá, cắt lễ khi mắc sốt xuất huyết sẽ nhanh hết bệnh
Đối với các bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp, người bệnh có thể xông mũi, xông họng và uống nước để giải cảm. Còn đối với sốt xuất huyết, virus lây truyền qua vết muỗi chích, đi vào cơ thể qua đường máu nên không thể giải quyết bằng những cách trên.
Người bệnh sốt xuất huyết tuyệt đối không được thực hiện các biện pháp dân gian như cạo gió, xông hơi, cắt lễ, vì có thể sẽ làm tăng sự xuất huyết dưới da, các thành mạch sẽ bị vỡ và tiểu cầu giảm nên rất nguy hiểm với người bệnh.
Hết sốt, giảm sốt là hết bệnh
Sốt là triệu chứng đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết với dấu hiệu đặc trưng là sốt đột ngột, sốt cao, liên tục và khó hạ. Do đó khi hết sốt hoặc giảm sốt, người bệnh sẽ cho rằng đã hết bệnh.
Tuy nhiên, các biến chứng nặng của sốt xuất huyết thường xảy ra ở giai đoạn hết sốt. Người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu như mệt lả, nôn hoặc buồn nôn liên tục, bứt rứt vật vã, chảy máu chân răng, chảy máu cam hoặc kinh nguyệt kéo dài; ở trẻ nhỏ có thể có li bì, bỏ bú, đái ít tay chân lạnh. Những trường hợp này cần phải đưa ngay đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Mắc sốt xuất huyết một lần thì không mắc lại nữa
Nhiều người cho rằng đã mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ được miễn dịch suốt đời. Thực tế là virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 type khác nhau. Khi nhiễm bất kỳ một type virus nào, cơ thể sẽ miễn nhiễm suốt đời với type đó, tuy nhiên vẫn có thể mắc những type còn lại.
Các khu chung cư lầu cao sẽ không có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết
Muỗi vẫn có ở chung cư lầu cao vì muỗi có thể theo thang máy để đi lên và tại các lầu cũng vẫn có nơi chứa nước tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển.
Chỉ cần phun hóa chất diệt muỗi ngoài nhà là đủ
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết còn được gọi là muỗi nhà, nên nơi sinh sản và trú ẩn của loài muỗi này thường là ở bên trong nhà. Đây là loài muỗi cực kỳ gần người nên bắt buộc phun hóa chất cả trong lẫn ngoài nhà.
Nguyễn Thuận