NỘI DUNG
1. Cà tím có thể là loại rau gây viêm do chứa chất solanine
2. Ớt chuông cũng có thể gây viêm do chứa chất capsaicin và solanine
3. Ớt cay
4. Cà chua
5. Khoai tây
6. Rau củ đóng hộp
Viêm là phản ứng của cơ thể đối với một số chất gây hại, chẳng hạn như virus, khi hệ thống miễn dịch cố gắng khắc phục vấn đề và chữa lành các tế bào bị tổn thương.
Mặc dù rau củ thường được biết đến với lợi ích sức khỏe nhưng một số loại lại có thể góp phần gây viêm ở một số người, đặc biệt là những người nhạy cảm hoặc có bệnh lý nền.
1. Cà tím có thể là loại rau gây viêm do chứa chất solanine
Mặc dù cà tím là một loại rau tốt cho sức khỏe nhưng lại có thể gây viêm ở những người mắc viêm khớp dạng thấp.
Cà tím chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin và chất xơ, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng. Tuy nhiên, ăn cà tím có thể gây viêm ở những người mắc viêm khớp dạng thấp.
Cà tím chứa solanine, một chất có thể góp phần gây tổn thương xương và khớp. Các nghiên cứu cho thấy solanine có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của các tình trạng sức khỏe như viêm khớp và các bệnh tự miễn khác.
Mặc dù cà tím là một loại rau tốt cho sức khỏe đối với hầu hết mọi người nhưng những ai nhạy cảm với thực phẩm họ cà nên hạn chế ăn cà tím.
2. Ớt chuông cũng có thể gây viêm do chứa chất capsaicin và solanine
Ớt chuông chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ. Tuy nhiên, chúng cũng chứa các hợp chất có thể gây viêm. Ớt chuông thuộc họ cà có chứa capsaicin và solanine. Capsaicin là chất tạo nên vị cay của ớt và có thể gây khó chịu ở những người mắc hội chứng ruột kích thích hoặc các rối loạn tiêu hóa khác.
Solanine cũng được liên kết với tình trạng viêm, đặc biệt ở những người có tiền sử viêm khớp. Những người nhạy cảm với ớt có thể cần hạn chế hoặc tránh ớt chuông, đặc biệt nếu chúng gây đau bụng, đầy hơi hoặc sưng tấy.
3. Ớt cay
Một số nghiên cứu cho thấy capsaicin có đặc tính chống viêm nhưng nhiều nghiên cứu khác lại có ý kiến trái chiều. Capsaicin là chất tạo nên vị cay của ớt và có thể gây khó chịu đường tiêu hóa cho một số người. Nó giải phóng các hóa chất gây viêm và kích hoạt kích ứng đường tiêu hóa.
Những người dễ bị trào ngược acid và các tình trạng đường tiêu hóa khác có thể cần hạn chế ăn ớt cay. Các loại ớt cay đều chứa capsaicin, một chất có thể góp phần gây viêm. Ăn quá nhiều ớt cay có thể gây kích ứng đường tiêu hóa và làm trầm trọng thêm các tình trạng mạn tính như trào ngược acid.
Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy ớt cay có thể có lợi khi tiêu thụ ở mức độ vừa phải nhưng cần thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ cơ chế và các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn của chúng.
Hàm lượng capsaicin khác nhau giữa các giống ớt cay, mức độ dung nạp của mỗi người cũng sẽ khác nhau. Những người nhạy cảm với ớt nên điều chỉnh dựa trên phản ứng hoặc triệu chứng của cơ thể.
4. Cà chua
Cà chua chứa solanine - chất này có thể gây ra phản ứng viêm ở một số người.
Mặc dù cà chua về mặt thực vật là một loại quả, chúng thường được xem là rau. Chúng có thể góp phần gây ra viêm mạn tính. Cà chua chứa solanine, chất này có thể gây ra phản ứng viêm ở một số người. Những người có độ nhạy cảm với họ cà hoặc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp có thể bị viêm sau khi ăn cà chua.
Cà chua cũng có vị chua và có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, dẫn đến viêm ruột. Mặc dù cà chua chứa các chất chống oxy hóa mạnh mẽ nhưng khả năng gây viêm của chúng có thể gây ra triệu chứng ở những người có tiền sử viêm khớp, bệnh viêm ruột hoặc các vấn đề sức khỏe mạn tính khác. Điều quan trọng là nên ăn cà chua ở mức độ vừa phải và điều chỉnh lượng tiêu thụ nếu gặp phải các triệu chứng khó chịu.
5. Khoai tây
Khoai tây cũng thuộc họ cà và có thể gây viêm ở một số người. Giống như các loại rau họ cà khác, khoai tây chứa solanine, chất này có thể gây ra phản ứng viêm, đặc biệt ở những người có tiền sử viêm khớp.
Các nghiên cứu cũng báo cáo rằng solanine có thể làm trầm trọng thêm tổn thương xương khớp thông qua tác động của nó lên canxi trong cơ thể.
Khoai tây cũng được coi là thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) cao, nghĩa là chúng làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng, trong khi thực phẩm có GI thấp hơn có tác dụng từ từ hơn. Khoai tây, đặc biệt là khi chiên hoặc chế biến sẵn, có thể làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng.
Sự tăng vọt lượng đường trong máu có thể gây ra các tác động viêm. Theo dõi mức độ dung nạp và điều chỉnh khẩu phần ăn có thể giúp giảm các đợt tăng đường huyết và viêm. Nghiên cứu cũng cho thấy khoai tây tím hoặc khoai lang có thể là một lựa chọn thay thế lành mạnh hơn.
6. Rau củ đóng hộp
Rau củ đóng hộp thường chứa nhiều muối, được thêm vào trong quá trình bảo quản để kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều natri (muối) có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe, bao gồm giữ nước dẫn đến viêm.
Ăn quá nhiều natri trong thời gian dài có liên quan đến các tình trạng viêm như bệnh tim và tăng huyết áp. Những người nhạy cảm với natri hoặc muốn giảm viêm có thể lựa chọn rau tươi hoặc đông lạnh. Nếu rau đóng hộp là lựa chọn duy nhất, hãy chọn loại ít natri và rửa sạch trước khi nấu để loại bỏ bớt natri.
Mỹ Uyên