"90% phiền não của con người đến từ các mối quan hệ xã hội" - câu nói này nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống và đặc biệt là môi trường công sở. Tại đây, bạn sẽ tiếp xúc với đa dạng kiểu người, từ đồng nghiệp, cấp trên đến khách hàng, đối tác. Để tồn tại, phát triển và giảm thiểu rủi ro, việc nắm vững những quy tắc ngầm trong giao tiếp là điều cần thiết. Dưới đây là 6 bài học đắt giá mà mỗi người trưởng thành nên khắc cốt ghi tâm.
1. Việc tiền có thể giải quyết, đừng dùng tình cảm
Trong cuộc sống, việc giúp đỡ lẫn nhau dựa trên tình cảm cá nhân là điều tốt đẹp. Tuy nhiên, tình cảm là vô giá, khác xa với sự trao đổi vật chất có giá trị rõ ràng. Đừng bao giờ lạm dụng tình cảm để giải quyết những việc mà tiền bạc có thể làm được.
Đừng dùng tình cảm vào việc có thể dùng tiền. Ảnh: 163
Việc nhờ vả quá nhiều, đặc biệt là những yêu cầu miễn phí dựa trên mối quan hệ, như nhờ bạn bè nhiếp ảnh gia chụp ảnh miễn phí hay nhờ giáo viên dạy kèm miễn phí cho con mình, đây là những hành động thiếu tế nhị và thiếu tôn trọng công sức của người khác. Mối quan hệ sẽ trở nên không cân bằng khi một bên chỉ nhận mà không có sự đền đáp xứng đáng. Lợi dụng lòng tốt của người khác quá nhiều chỉ khiến mối quan hệ dần rạn nứt và cuối cùng tan vỡ.
Hãy nhớ, mọi người đều có cuộc sống riêng và sự bận rộn của mình. Việc gì có thể giải quyết bằng tiền bạc hoặc các dịch vụ chuyên nghiệp, hãy sử dụng chúng thay vì tạo gánh nặng lên vai người thân, bạn bè. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng mà còn giữ gìn giá trị quý báu của tình cảm.
2. Không than nghèo, đừng khoe giàu
Trong môi trường công sở, hai kiểu người dễ gây mất thiện cảm nhất chính là người than nghèo kể khổ và người khoe khoang sự giàu có.
Ai cũng có những khó khăn riêng trong cuộc sống. Việc liên tục than thở về tình hình tài chính kém cỏi của bản thân, dù có thể là sự thật, trong mắt người khác lại dễ bị coi là yếu đuối, "làm màu" hoặc thậm chí là giả tạo để lấy lòng thương hại. Than nghèo quá nhiều không giải quyết được vấn đề mà còn khiến bạn trở nên tự ti và khó khăn hơn trong việc xây dựng sự tôn trọng từ đồng nghiệp.
Ngược lại, việc khoe khoang tài sản, thu nhập hay những món đồ đắt tiền là hành động thiếu tế nhị và có thể gây khó chịu cho người khác. Những gì bạn có chưa chắc người khác đã có và sự phô trương của bạn có thể vô tình "đâm chọc" vào nỗi niềm hoặc sự tự ti của người đối diện. Giữ thái độ khiêm tốn, tập trung vào công việc và giá trị bản thân mới là cách ứng xử khôn ngoan ở nơi làm việc.
3. Khi tĩnh lặng suy nghĩ về lỗi của mình, khi rảnh rỗi đừng nói về sai lầm của người khác
Những câu chuyện "buôn dưa lê" về sếp, đồng nghiệp, hay các vấn đề "thâm cung bí sử" của công ty luôn là chủ đề hấp dẫn trong giờ nghỉ giải lao. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng khi tham gia vào những cuộc trò chuyện này, đặc biệt là việc nói xấu người khác sau lưng.
Khi tĩnh lặng, hãy suy nghĩ về lỗi của mình để sửa đổi. Ảnh: Sohu
Cổ nhân đã dạy: "Tĩnh tọa thường tư kỷ quá, nhàn đàm mạc luận nhân phi" (Khi yên tĩnh ngồi thường suy nghĩ về lỗi của mình, khi nói chuyện phiếm đừng bàn về cái sai của người khác). Đây là một lời khuyên vàng ngọc cho môi trường công sở. Hãy tập trung vào việc hoàn thành tốt công việc của mình và giữ gìn lời ăn tiếng nói. Tránh xa việc bàn tán, phán xét hay nói xấu người khác. Điều này không chỉ giữ cho bản thân bạn tránh khỏi thị phi mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp và đáng tin cậy.
4. Đừng gặp ai cũng kể lể sự vất vả của mình
Ai đi làm cũng có những vất vả riêng. Bạn thấy mình tan làm muộn, nhưng có người còn đang làm xuyên đêm. Bạn thấy lương mình thấp, có người còn đang bươn chải không nhà. Việc than thở về sự vất vả, áp lực hay những điều không hài lòng trong công việc là cảm xúc bình thường, nhưng không nên trở thành "bài ca" lặp đi lặp lại với mọi người.
Nỗi buồn và niềm vui của con người không hoàn toàn thông cảm được cho nhau. Việc bạn coi than thở là giải tỏa, trong mắt người khác lại có thể là đang "đổ rác cảm xúc" lên họ. Mỗi người đều là một từ trường năng lượng. Sự than vãn tiêu cực của bạn sẽ chỉ thu hút thêm những điều tiêu cực và khiến bạn càng chìm sâu vào trạng thái bi quan.
Than thở có thể chấp nhận như một phản ứng nhất thời, nhưng không nên là thói quen. Thay vì than vãn, hãy tập trung tìm cách cải thiện tình hình. Nếu không thể thay đổi môi trường, hãy thay đổi góc nhìn và thái độ của bản thân. Cuộc đời luôn có những thử thách, nhưng khả năng vượt qua chúng nằm ở chính nội lực và sự kiên cường của bạn.
5. Giao tiếp xã giao chất lượng thấp không bằng độc lập chất lượng cao
Trong xã hội hiện đại, nhiều người cho rằng phải có thật nhiều mối quan hệ, tham gia nhiều cuộc tụ tập mới là thành công. Tuy nhiên, có những lúc trở về với sự cô đơn và sống thật với bản thân mới là cách tìm thấy sự bình yên và phát triển đích thực
Hãy tinh giản những mối quan hệ vô bổ. Ảnh: Weibo
Những buổi nhậu nhẹt, liên hoan hay các hoạt động xã giao vô bổ chỉ tốn kém thời gian, tiền bạc và làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn. Dù có thêm hàng trăm danh bạ điện thoại hay bạn bè trên mạng xã hội, những mối quan hệ "ảo" này thường không mang lại giá trị thực chất. Khi bạn gặp khó khăn thực sự, những người này có thể biến mất nhanh hơn bất kỳ ai.
Việc có ít bạn bè không có nghĩa là bạn thiếu hòa đồng. Ngược lại, việc chủ động tinh giản các mối quan hệ xã giao không chất lượng, dành thời gian cho bản thân để suy ngẫm, học hỏi và phát triển mới là điều quan trọng. Độc lập chất lượng cao, tức là dành thời gian ở một mình để nâng cao giá trị bản thân, suy nghĩ sâu sắc và theo đuổi đam mê, có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc vùi mình vào những cuộc xã giao hời hợt.
6. Biết cách kiểm soát cảm xúc của bản thân
"Sủng nhục bất kinh, nhàn khán đình tiền hoa khai hoa lạc. Khứ lưu vô ý, mạn tùy song ngoại vân quyển vân thư" (Được hay mất chẳng kinh ngạc, ung dung ngắm hoa trước sân nở rồi tàn. Đi hay ở chẳng bận tâm, thong dong nhìn mây ngoài cửa sổ cuộn rồi tan) - những câu thơ này từ "U Song Tiểu Ký" là lời nhắc nhở về sự điềm tĩnh và khả năng kiểm soát cảm xúc.
Trong mọi hoàn cảnh, sự ổn định về mặt cảm xúc là một sức mạnh nội tại to lớn. Một người bình tĩnh, điềm đạm trước những biến động của cuộc sống sẽ dễ dàng xử lý vấn đề một cách hiệu quả hơn. Đặc biệt trong công việc, nơi đòi hỏi sự chuyên nghiệp và kết quả, việc kiểm soát cảm xúc là điều tối quan trọng.
Người có EQ cao không bao giờ để cảm xúc cá nhân ảnh hưởng đến công việc. Nơi công sở không tin vào nước mắt hay những lời than phiền, họ chỉ nhìn vào hiệu suất và kết quả. Có khả năng chịu đựng áp lực, đối mặt với sự khắt khe của cấp trên, bỏ qua những "đấu đá" vụn vặt giữa đồng nghiệp là dấu hiệu của một trái tim mạnh mẽ. Rèn luyện khả năng này sẽ giúp bạn vững vàng trước mọi sóng gió và trở thành một người lao động bản lĩnh, thành công.
Thấu hiểu và áp dụng 6 quy tắc ngầm xã giao này chính là bài học giúp mỗi người trưởng thành vượt qua những thử thách, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và mở rộng con đường sự nghiệp của mình.
Bích Hậu (Theo Sohu)