Ngày ông Trump tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, Tòa Bạch Ốc rộn ràng hơn bao giờ hết: Elon Musk - người từng khiến giới công chức thán phục câu khẩu hiệu “đi nhanh và phá vỡ mọi rào cản” - được giao giám sát cải tổ chính phủ, cựu luật sư Pam Bondi nhắm tới vai trò lớn trong Bộ Tư pháp, Pete Hegseth của Fox News trở thành gương mặt dẫn dắt ở Lầu Năm Góc.
Trở lại Nhà Trắng với tuyên ngôn “Make America Great Again” (MAGA - Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại), ông Trump đặt kỳ vọng lớn vào việc hình thành một nội các phi truyền thống - nơi những gương mặt lừng lẫy trong giới công nghệ, tài chính và truyền thông thay thế lớp công chức hành chính già nua.
Ông muốn một “nội các tỷ đô” - không chỉ về tài sản mà cả về tầm ảnh hưởng - có thể phá bỏ những ràng buộc thể chế, giảm thiểu bộ máy hành chính và tăng tốc ra quyết định như điều hành một tập đoàn tư nhân.
Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm, điều người ta nhìn thấy lại là sự chồng chéo quyền lực, mâu thuẫn giữa các nhóm ảnh hưởng và hàng loạt quyết định bị trì hoãn do thiếu phối hợp.
Bộ sưu tập va chạm
Nội các 2.0 và liên minh MAGA của ông Trump quy tụ những nhân vật lão làng trong giới kinh doanh, truyền thông và cả giới chính trị bảo thủ tại Washington.
Từ những “cựu binh” MAGA như Navarro cho đến nhóm bảo thủ hoài nghi sâu sắc về Washington, các ‘trùm” Phố Wall, nhóm “thành phần mới” là các ông lớn công nghệ như Elon Musk, Marc Andreessen cùng lực lượng các “influencer MAGA” - những người yêu thích sự hỗn loạn mà ông Trump tạo ra trong hệ thống, theo Politico.
Tuy nhiên, chính sự đa dạng đó đã khiến liên minh thường xuyên mâu thuẫn khi mỗi người mang đến một hướng tiếp cận riêng, một khẩu vị chính sách khác biệt và thậm chí là… một cộng đồng hậu thuẫn riêng trên mạng xã hội.
Một trong những ví dụ nổi bật nhất cho sự rạn nứt nội bộ là mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và tỷ phú Elon Musk - người từng được xem là “bảo chứng cải cách” trong chính phủ mới.
Tỷ phú Elon Musk xuất hiện trong cuộc họp nội các của chính quyền Trump vào tháng 3. Ảnh: Reuters
Tháng 1, trong một phòng họp trang trọng, ông Trump và Musk nở nụ cười tự tin khi truyền thông tràn ngập hình ảnh “hai người cùng cam kết hiện đại hóa chính phủ”. Elon Musk nói ông sẽ “cắt bỏ mọi thủ tục phức tạp và gia tăng tốc độ quyết định”. Trong những tuần đầu, ông xuất hiện cùng Tổng thống tại các cuộc họp báo, thậm chí có mặt trong các buổi phỏng vấn chính sách quan trọng.
Thế nhưng, mọi thứ bắt đầu xấu đi từ tháng 4, khi Musk nhiều lần chỉ trích các chính sách thương mại và thuế quan do Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đề xuất - những chính sách mà ông Trump rất ủng hộ.
Đỉnh điểm là một cuộc tranh cãi gay gắt giữa Musk và Bessent ngay trong hành lang phía tây Nhà Trắng, trước sự chứng kiến của các quan chức và thậm chí có thể cả Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Anxious cho biết.
“Hai người đàn ông trung niên, tỷ phú, gào vào mặt nhau như thể họ đang ở WWE (một công ty về biểu diễn đấu vật ở Mỹ)”, một nhân chứng châm biếm.
Thực tế, đây không phải lần đầu Musk xung đột với các thành viên nội các. Ông từng tranh cãi gay gắt với Ngoại trưởng Marco Rubio, Bộ trưởng Giao thông Sean Duffy và Cố vấn Thương mại Peter Navarro.
Vị tỷ phú giàu nhất hành tinh từng có một khẩu chiến với ông Rubio về việc sa thải nhân sự ngay trong một cuộc họp nội các và công khai mỉa mai Navarro là “ngu như bao gạch”, dùng biệt danh thô thiển “Peter Retardo” sau khi ông Navarro cho rằng CEO Tesla chỉ là “người lắp ráp xe” để phản hồi những lời chê bai bằng cấp Tiến sĩ Harvard của ông trước đó.
Elon Musk và Bộ trưởng Scott Bessent từng có cuộc tranh cãi nảy lửa về vấn đề thuế quan. Ảnh: Reuters
Quan điểm đối lập về các chính sách và sự bất hòa với các chính trị gia truyền thông tại Washington đã khiến Musk dần bị đẩy ra khỏi các cuộc họp quan trọng và mối quan hệ với ông Trump từng là “đối tác chiến lược” nhưng sau khi rời Nhà Trắng lại ngày càng tồi tệ hơn.
“Ông Trump và Musk đều là những người thích làm chủ cuộc chơi. Nhưng trong cùng một nội các, chỉ có một người có quyền ra quyết định cuối cùng”, một cố vấn giấu tên từ Nhà Trắng nhận định.
Vận đen “Cố vấn an ninh quốc gia”
Không gì cho thấy rõ hơn sự hỗn loạn trong nội các Trump bằng các vụ rò rỉ, giả mạo và sự biến động nhân sự tại Hội đồng An ninh Quốc gia.
Trong một nhóm trò chuyện mã hóa tên "Houthi PC Small Group" có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, Ngoại trưởng Marco Rubio và nhiều nhân vật quyền lực khác trên ứng dụng Signal, Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz đã "lỡ tay" thêm nhà báo Jeffrey Goldberg vào nhóm - nơi đang thảo luận chi tiết kế hoạch không kích Houthi tại Yemen.
Chưa đầy 48 giờ sau, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth lại vô tình chia sẻ công khai tài liệu quân sự nội bộ, trong đó nêu rõ mục tiêu, thời gian và loại vũ khí sẽ được triển khai.
Vụ việc gây tranh cãi này không chỉ khiến ông Waltz mất ghế Cố vấn an ninh quốc gia mà trở thành một trong các scandal an ninh nghiêm trọng của nội các Trump 2.0, làm dấy lên những lo ngại về việc rò rỉ bí mật quốc gia.
Cú sốc tiếp theo đến khi Bộ Ngoại giao xác nhận có ít nhất 5 quan chức cấp cao bị lừa bởi một chiến dịch giả mạo sử dụng giọng nói và văn phong mô phỏng Marco Rubio - người hiện kiêm nhiệm vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng, một báo cáo của Washington Post cho hay.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio vướng vào một vụ giả mạo bằng AI sau khi kiêm chức Cố vấn an ninh quốc gia.
Các đoạn ghi âm giả được tạo bằng trí tuệ nhân tạo (AI) khiến không ít đồng minh quốc tế rơi vào tình trạng cảnh giác với chính Washington.
Đáng lo ngại hơn, nhiều chuyên gia cảnh báo hệ thống an ninh quốc gia đang bị "rút ruột" và vận hành thiếu phối hợp. Từ gần 230 nhân sự, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) vốn là cơ quan đầu não trong điều phối chính sách liên cơ quan, nay chỉ còn chưa đầy 100 nhân sự, và vẫn còn đang tiếp tục cắt giảm.
Các cuộc họp cấp liên bộ gần như bị đình trệ khi mọi nội dung phải được ông Rubio hoặc Tổng thống duyệt trước. Một số cựu cố vấn an ninh cảnh báo, cách làm này khiến Mỹ "trở nên mù mờ trong một thế giới đầy biến động".
Sự hỗn loạn đến từ “những người ngoại đạo”
Nếu Musk là người đại diện cho tư duy kỹ thuật và cải tổ, thì Bộ trưởng Pete Hegseth và Pam Bondi chính là hiện thân của chính trị truyền thông cực hữu.
Không lâu sau rơi vào tâm bão chỉ trích vì chia về các cuộc không kích của Mỹ ở Yemen trong vụ Signalgate, Pete Hegseth - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cựu MC của Fox News - đang đối mặt với khủng hoảng mới sau khi dừng viện trợ vũ khí cho Ukraine mà không báo trước, khiến cả Nhà Trắng lúng túng trong việc giải thích với Quốc hội và chính phủ Ukraine.
Ông cũng từng sa thải hàng loạt cố vấn cấp cao, góp phần vào tình trạng hỗn loạn trong Lầu Năm Góc.
Dù vậy, theo cây bút Stephen Collinson từ CNN, Hegseth vẫn “miễn nhiễm”, ít nhất là cho đến khi vượt qua ranh giới đỏ vô hình của ông Trump. Bởi vì ông có thể gây lỗi nhưng luôn làm đúng điều Trump cần: tuyệt đối trung thành và “phối hợp giỏi”.
So với những Bộ trưởng Quốc phòng trước đây như James Mattis hay Mark Esper - những người từng kiềm chế các quyết định rủi ro của ngài Tổng thống, Hegseth chính là sự đối lập hoàn toàn. Nhưng nếu ông bị thay thế, Tổng thống Trump sẽ phải tìm một người khác sẵn sàng “gật đầu vô điều kiện” như vậy.
Một trường hợp khác là nữ Bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi. Từng là luật sư nổi tiếng ở Florida và lên truyền hình rất “ngọt”, bà Bondi có đủ yếu tố để lọt vào mắt xanh ông Trump. Nhưng chính thói quen chiều theo truyền thông cực hữu - nền tảng đưa bà đến với nội các - giờ lại khiến bà vấp ngã.
Bộ trưởng Tư pháp Pam Bondi trong cuộc họp nội các vào đầu tháng 7. Ảnh: Reuters
Một cuộc phỏng vấn với Fox News hồi tháng 2, bà Bondi ám chỉ đang cầm danh sách trên tay và hứa hẹn sẽ tiết lộ “gây chấn động” liên quan đến Jeffrey Epstein, đã đẩy kỳ vọng lên cao.
Tuy nhiên, bà lại không thể đưa ra bằng chứng nào. Một buổi họp báo tại Nhà Trắng với các “influencer” bảo thủ cũng không mang lại gì ngoài thất vọng cho liên minh MAGA.
Thậm chí, giới chuyên gia còn nhận định, chính những tình tiết liên quan đến “hồ sơ Epstein” đang khoét sâu hơn những đường đứt gãy tiềm ẩn trong phe MAGA và trở thành đỉnh điểm của làn sóng hoài nghi sâu sắc từ phe cực hữu đối với vị Bộ trưởng Tư pháp này.
Thiếu kinh nghiệm chính trị quốc gia rõ ràng là một phần lý do cho sự hỗn loạn trên. Dẫu vậy, Bondi vẫn mang lại giá trị khi bà đang là đối tác đắc lực trong chiến dịch “báo thù” của Trump nhắm vào các công tố viên, công ty luật và kẻ thù chính trị.
Dù gây tranh cãi và trải qua nhiều thử thách, nội các của ông Trump vẫn đang tái định hình cách một chính quyền Mỹ vận hành với tốc độ, cá tính và mức độ rủi ro chưa từng có. 6 tháng đầu là màn dạo đầu gay cấn cho nhiệm kỳ mà ông Trump khẳng định sẽ “làm mọi thứ theo cách của mình”.
Phương Linh