6 trụ cột để phát triển Bệnh viện Bạch Mai thành cơ sở y tế chuyên sâu, ngang tầm quốc tế

6 trụ cột để phát triển Bệnh viện Bạch Mai thành cơ sở y tế chuyên sâu, ngang tầm quốc tế
6 giờ trướcBài gốc
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã nhấn mạnh những thông tin trên trong chia sẻ với báo chí chiều nay - 11/2 về phương hướng hoạt động của bệnh viện Bạch Mai năm 2025.
Nỗ lực nâng tầm thương hiệu y tế Bạch Mai với bạn bè quốc tế
Theo Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước sẽ có 6 bệnh viện tại Hà Nội, TP HCM và Thừa Thiên Huế được nâng cấp thành bệnh viện ngang tầm quốc tế.
Trong đó, tại Hà Nội sẽ có 3 bệnh viện, 2 bệnh viện khác tại TP HCM và 1 bệnh viện ở Thừa Thiên Huế. Bệnh viện Bạch Mai là 1 trong 6 cơ sở y tế sẽ được Chính phủ đầu tư, nâng cấp thành bệnh viện ngang tầm quốc tế.
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh viện hạng đặc biệt - Bạch Mai bắt đầu triển khai 6 trụ cột chính để phát triển thành cơ sở y tế chuyên sâu kỹ thuật cao cả về nội khoa và ngoại khoa, ngang tầm quốc tế.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, để thực hiện việc này, đến nay, bệnh viện đã xây dựng được mục tiêu phát triển theo 6 trụ cột chính, cụ thể:
Triển khai hiệu quả đề án ghép đa tạng tại Bệnh viện;
Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị và quản lý người bệnh;
Ứng dụng kỹ thuật gen trị liệu trong điều trị bệnh;
Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị bệnh;
Ứng dụng phẫu thuật Robot;
Ứng dụng công nghệ in 3D trong sản xuất các sản phẩm, thiết bị y tế phục vụ người bệnh.
Ngoài 6 trụ cột này để thực hiện thành công việc trở thành cơ sở y tế chuyên sâu kỹ thuật cao cả về nội khoa và ngoại khoa, ngang tầm quốc tế, Bệnh viện Bạch Mai cũng triển khai song song thêm các đề án phát triển chuyên ngành Nội, Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Đột quỵ...; Đề án phát triển chuyên ngành Ngoại, Sản, Tai mũi họng, Răng hàm mặt, Mắt…; Đề án phát triển Cận lâm sàng: Điện quang, Huyết học, Hóa sinh, Vi sinh, Giải phẫu bệnh…
"Chúng tôi nỗ lực thực hiện các trụ cột, đề án này để không chỉ ngày càng phục vụ người dân đến khám chữa bệnh ở Bạch Mai ngày càng được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng hơn; mà còn để 'giữ chân' người dân Việt Nam không phải vất vả ra nước ngoài điều trị.
Đồng thời cũng để khẳng định vị thế của y tế Việt Nam với bạn bè quốc tế. Trên thực tế đã có không ít thầy thuốc nước ngoài đến Bạch Mai học tập; rồi nhiều chuyên gia y tế các nước phát triển đến trao đổi chuyên môn và đều đánh giá cao các thầy thuốc, nhiều chuyên khoa của chúng tôi"- PGS.TS Đào Xuân Cơ bày tỏ.
Bệnh viện Bạch Mai đang triển khai ứng dụng "Bạch Mai care" trên điện thoại di động để người dân có thể đặt lịch đến khám, hạn chế tình trạng ùn tắc, người dân không phải chờ đợi.
Tiến tới làm chủ nhiều kỹ thuật ghép đa tạng
Làm rõ thêm về đề án ghép đa tạng tại Bệnh viện, PGS.TS Đào Xuân Cơ cho hay, Bệnh viện Bạch Mai đã từng thực hiện ghép tạng (ghép thận) cách đây 20 năm. Sau ca ghép thận thành công từ người cho chết não đầu tiên trong năm ngoái, Bệnh viện đặt mục tiêu tới đây sẽ làm chủ kỹ thuật phẫu thuật ghép gan từ người cho sống và người cho chết não, chết tim; Phẫu thuật ghép bộ phận cấu trúc ba chiều trên khuôn mặt; Phẫu thuật ghép phổi, đoạn khí quản từ người cho chết não; Phẫu thuật ghép thận, tham gia phẫu thuật ghép đa tạng như thận – tụy, tim – thận...
"Để làm được mục tiêu này, chúng tôi đang cử bác sĩ đi học chuyên sâu tại những nước phát triển và các trung tâm ghép tạng lớn trong nước. Chủ trương này được các chuyên gia quốc tế và trong nước đánh giá cao. Tiềm năng người cho tạng và người nhận tạng ở Bệnh viện Bạch Mai đều rất lớn. Sau khi khảo sát, các chuyên gia dự báo số người tiềm năng chết não hiến tạng tại Bệnh viện Bạch Mai cao gấp nhiều lần cơ sở y tế khác"- PGS.TS Đào Xuân Cơ nói và cho biết thêm: Mỗi năm, Bệnh viện tiếp nhận hơn 2 triệu người bệnh điều trị ngoại trú, 250 nghìn bệnh nhân điều trị nội trú.
"Chúng tôi có Trung tâm Thận nhân tạo, nhiều bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần ghép thận. Viện Tim mạch Quốc gia cũng có nhiều bệnh nhân cơ tim giãn, suy tim giai đoạn cuối cần được ghép tim. Trung tâm Hô hấp cũng có những bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng cần ghép phổi. Trung tâm Tiêu hóa, Trung tâm Chống độc có nhiều bệnh nhân suy gan nặng cần ghép gan"- PGS, TS, BS Đào Xuân Cơ cho biết thêm.
Về ngoại khoa, PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, trước đây, bệnh viện Bạch Mai đã ứng dụng phẫu thuật robot trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình cột sống, phẫu thuật thần kinh sọ não.
"Năm 2025, Bệnh viện dự kiến đầu tư trang bị thêm 3 hệ thống phẫu thuật nội soi robot, tiếp nhận chuyển giao từ các nước phát triển. Khi triển khai thành công sẽ chuyển giao cho các cơ sở y tế khác."- PGS, TS, BS Vũ Văn Giáp chia sẻ.
Sẽ đẩy mạnh, "phủ sóng" ứng dụng AI trong chẩn đoán sớm, điều trị nhiều bệnh
Về đề án chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý khám chữa bệnh, PGS.TS Vũ Văn Giáp cho biết bệnh viện sẽ đẩy mạnh ứng dụng AI trong chẩn đoán và sàng lọc bệnh trong các lĩnh vực cận lâm sàng, test chẩn đoán, thăm dò chức năng giúp phát hiện sớm cho kết quả nhanh, chính xác và tổng quan về bệnh;
Ứng dụng AI trong điều trị, quản lý bệnh ở các lĩnh vực nội-ngoại khoa, nội trú và ngoại trú; Phát triển và ứng dụng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) và ngân hàng dữ liệu trong nghiên cứu, từ đó đưa ra các chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị phù hợp, cập nhật các hướng dẫn điều trị trên thế giới.
Bệnh viện Bạch Mai được đầu tư trang thiết bị hiện đại để phát triển ngang tầm quốc tế.
"Trước mắt bệnh viện sẽ đẩy mạnh ứng dụng AI trong chẩn đoán bệnh tại Viện Tim mạch Quốc gia, Trung tâm Hô hấp, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường để chẩn đoán, theo dõi bệnh tim mạch; đái tháo đường; chẩn đoán hình ảnh nội soi khí phế quản của các bệnh hô hấp, hội chứng ngưng thở khi ngủ...; phiên giải kết quả thăm dò chức năng hô hấp;
Ứng dụng AI thí điểm trong chẩn đoán bệnh Nội tiết (bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý tuyến yên, bệnh lý võng mạc do đái tháo đường, nhận diện vết loét trong bệnh đái tháo đường, …); trong mô hình dự đoán nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân Nội tiết..."- PGS.TS Vũ Văn Giáp nói.
Bệnh viện Bạch Mai đang triển khai ứng dụng "Bạch Mai care" trên điện thoại di động để người dân có thể đặt lịch đến khám, hạn chế tình trạng ùn tắc, người dân không phải chờ đợi. Đặc biệt trong thực hiện chuyển đổi số, chúng tôi đã nỗ lực để trở thành bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên của Bộ Y tế triển khai thành công bệnh án điện tử và chính thức thực hiện khám chữa bệnh "toàn trình" không dùng giấy tờ từ ngày 15/11/2024.
"Hiện tại Bệnh viện Bạch Mai đã nhập toàn bộ dữ liệu về bệnh nhân trên bệnh án điện tử, không còn viết trên bệnh án giấy nữa. Điều này giúp tiết kiệm chi phí. Chỉ riêng việc không còn phải in phim, in giấy kết quả xét nghiệm và giảm kho chứa bệnh án giấy, mỗi năm đã tiết kiệm được gần 100 tỷ đồng"- PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết thêm.
Thái Bình/ Ảnh: BVCC
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/6-tru-cot-de-phat-trien-benh-vien-bach-mai-thanh-co-so-y-te-chuyen-sau-ngang-tam-quoc-te-169250211215226773.htm