60 hộ dân ở xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm) đã có đơn khiếu nại đề nghị chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp trả lại con đường đi chung bị lấn chiếm. Tuy nhiên, UBND huyện Cam Lâm cho rằng, không có cơ sở giải quyết vì bản đồ theo hệ tọa độ cũ không thể hiện đường đi.
Người dân nói có
Vừa qua, Báo Khánh Hòa nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (thôn Tân Lập, xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) phản ánh UBND huyện Cam Lâm giải quyết không thỏa đáng việc con đường của 60 hộ dân tại thôn bị lấn chiếm nhiều năm qua. Bà Tuyết (đại diện cho 60 hộ dân ký vào đơn gửi Báo Khánh Hòa) cho biết: “Đường đi chung của thôn do UBND xã Cam Phước Tây mở từ năm 1975 (người dân hiến đất cho xã làm đường). Nhiều năm liền chúng tôi sử dụng ổn định con đường này để đi lại, vận chuyển nông sản… nhưng đến năm 2017 thì bị 3 gia đình cùng thôn lấn chiếm sử dụng riêng, gồm: Bà Nguyễn Thị Loan, ông Nguyễn Đức Thắng và ông Nguyễn Văn Hiệp. Nhận thấy các hộ lấn chiếm đường đi chung trong suốt thời gian dài nhưng UBND xã Cam Phước Tây không có động thái xử lý nên tháng 5-2022, chúng tôi nộp đơn kiến nghị chính quyền địa phương xử lý hành vi chiếm dụng đường đi chung. Mãi đến tháng 9-2024, UBND huyện Cam Lâm mới có văn bản trả lời đơn, nhưng lại cho rằng việc khiếu nại của người dân là không có cơ sở giải quyết”.
Khu vực người dân cho rằng có con đường hiện đã bị các hộ dân liên quan rào đóng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thọ - người có quyền lợi liên quan cho rằng, việc UBND huyện dựa vào bản đồ cũ để xác định không có đường đi là vô lý, bởi bản đồ đó được đo vẽ năm 1991, ký duyệt năm 2002 không có tọa độ, được vẽ bằng tay nên độ chính xác không cao (bản đồ này hiện không còn sử dụng). Trong khi đó, nhiều hộ sống dọc tuyến đường này từ năm 1975 đều xác nhận có con đường đi chung, trong đó có ông Đặng Trung Trực - nguyên Chủ tịch UBND xã, công tác trong thời kỳ này cũng xác nhận có con đường. Bản đồ địa chính hiện hành đã thể hiện có con đường này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong 2 lần làm việc với UBND xã, 3 hộ được cho là lấn chiếm đường đi chung cũng thừa nhận hành vi lấn chiếm và đề nghị Nhà nước cắm mốc xác định vị trí con đường để họ trả lại phần đất đã lấn chiếm. UBND xã xác nhận có con đường và yêu cầu các hộ lấn chiếm chủ động thu hoạch cây trồng, di dời vật kiến trúc trên đất để trả lại con đường đi. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, sau đó các hộ này nói ngược lại và không chấp nhận trả lại đường đi chung. Phóng viên đã liên hệ các hộ này và đều được trả lời là chờ các quyết định chính thức từ chính quyền địa phương.
UBND huyện khẳng định không có đường
Ngày 30-9, UBND huyện Cam Lâm có văn bản trả lời kiến nghị của các hộ dân liên quan đến đường đi chung tại thôn Tân Lập, xã Cam Phước Tây. Cụ thể, theo bản đồ đo đạc chỉnh lý năm 1991 của xã Cam Phước Tây (ký duyệt năm 2002), các thửa đất có liên quan mà người dân cho rằng có đường đi lại không thể hiện đường đi chung. Còn theo bản đồ VN_2000 (bản đồ hệ tọa độ hiện hành) xã Cam Phước Tây được đo đạc và phê duyệt năm 2013 có thể hiện đường bê tông chiều rộng khoảng 6m đến 8m, chiều dài gần 200m theo hướng đi từ bắc qua nam. Tuy nhiên, qua kiểm tra hiện trạng thực tế thì không có đường giao thông như bản đồ VN_2000 thể hiện. Từ những cơ sở trên, đối chiếu hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với bản đồ đo đạc chỉnh lý năm 1991 của xã Cam Phước Tây và hiện trạng sử dụng đất thì không có đường giao thông. Do đó, bản đồ VN_2000 năm 2013 thể hiện đường giao thông là không đúng so với bản đồ cũ được phê duyệt năm 2002 xã Cam Phước Tây và không đúng so với hiện trạng sử dụng đất. Vì vậy, việc người dân đề nghị xử lý các hộ được cho là lấn chiếm đường đi chung và khôi phục lại đường là không có cơ sở xem xét, giải quyết.
Ông Huỳnh Uy Viễn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, sau khi nhận được đơn phản ánh của công dân liên quan đến đường đi chung tại thôn Tân Lập, xã Cam Phước Tây, UBND huyện đã thành lập tổ công tác để xác minh. Tuy nhiên, qua xác minh có thể khẳng định không có đường đi chung nên không có cơ sở giải quyết. Trường hợp người dân không đồng ý với văn bản trả lời của UBND huyện thì có thể gửi đơn đến cơ quan Tòa án để được xem xét, giải quyết tranh chấp đất đai theo thẩm quyền.
MẠNH HÙNG