Chiều 19-5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm việc với lãnh đạo Bộ Nội vụ về hai nội dung quan trọng.
Cụ thể là rà soát và xây dựng dự thảo nghị định về phân định thẩm quyền quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nội vụ theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và dự thảo nghị định về phân cấp, phân quyền thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nội vụ.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: VGP
Sẽ ban hành khoảng 20 nghị định về phân cấp, phân quyền
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, cho biết trên cơ sở yêu cầu của Thủ tướng, Chính phủ, Bộ đã rà soát luật chuyên ngành, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết, quyết định của Thủ tướng, thông tư thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ để xây dựng hai dự thảo nghị định nêu trên.
Theo bà Trà, qua rà soát, có 206 nhiệm vụ, thẩm quyền được đề xuất để phân định thẩm quyền cho chính quyền địa phương 2 cấp và thực hiện phân cấp, phân quyền thuộc lĩnh vực nội vụ.
Cụ thể, có 161 nội dung, nhiệm vụ, thẩm quyền liên quan đến UBND cấp huyện, trong đó tổng nhiệm vụ, thẩm quyền chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã là 129, tổng nhiệm vụ, thẩm quyền chuyển từ cấp huyện lên cấp tỉnh là 32.
Ngoài ra, 45 nhiệm vụ, thẩm quyền còn lại được đề xuất thực hiện phân cấp, phân quyền.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin hiện Bộ đang ưu tiên và tập trung cao độ trình Chính phủ ban hành hai nghị định về phân định thẩm quyền nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương 2 cấp và phân cấp, phân quyền bảo đảm đúng tiến độ theo chỉ đạo.
Đồng thời, khẩn trương tham mưu ban hành các nghị định để cụ thể hóa các Luật: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Việc làm, Luật Cán bộ, công chức và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 98/2023…
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tới đây ông sẽ cùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm việc với các bộ về ban hành khoảng 20 nghị định.
Theo lộ trình, các nghị định này phải ban hành ngay sau khi Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV kết thúc để ngày 1-7 vận hành bộ máy chính quyền mới. Để bảo đảm tiến độ công việc, Bộ Chính trị yêu cầu ngày 1-6 phải xong các dự thảo nghị định.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy. Ảnh: VGP
Chỉ phân cấp khi có đủ điều kiện, cơ sở pháp lý...
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với một số bộ, ngành, địa phương về thực hiện phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Phó Thủ tướng nêu rõ vấn đề phân cấp, phân định thẩm quyền hiện đang được thực hiện thông qua việc sửa đổi các luật lớn như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Hai đạo luật này xác lập nguyên tắc chung về chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong thực tiễn, còn hàng trăm luật chuyên ngành khác cũng quy định nhiệm vụ cụ thể cho Chính phủ, bộ, ngành và địa phương.
Ông nhấn mạnh những nội dung đã rõ, đã "chín", đủ điều kiện thực thi thì nên phân cấp, phân quyền. Tuy nhiên, những nội dung còn chưa được đánh giá kỹ, chưa có đủ cơ sở thì cần hết sức thận trọng, không nóng vội sửa luật hay đưa vào nghị định.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Hải Long cho biết nguyên tắc phân cấp, phân định thẩm quyền sau khi bỏ cấp huyện là những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp thì chuyển xuống cấp xã; những nhiệm vụ có tính điều phối, tổng hợp hoặc quy mô lớn hơn thì chuyển lên cấp tỉnh.
Những nhiệm vụ đang thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, bộ trưởng (quy định trong luật chuyên ngành), nếu đủ điều kiện thì sẽ phân cấp cho địa phương thực hiện…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết sẽ có ba nghị định được xây dựng liên quan đến phân định thẩm quyền, phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường. Gồm phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai; phân định thẩm quyền trong các lĩnh vực còn lại; phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực còn lại.
Trong lĩnh vực đất đai, Bộ này đề xuất chuyển 65/66 thẩm quyền của cấp huyện xuống cấp xã, còn nội dung liên quan đến địa bàn liên xã là giao đất mặt nước ở các hồ lớn nằm trên nhiều xã, sẽ được chuyển thẩm quyền về cấp tỉnh để thực hiện thống nhất.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: VGP
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí trong phân cấp, phân quyền là yêu cầu bắt buộc, đặc biệt trong các lĩnh vực đặc thù như nông nghiệp và môi trường.
Phó Thủ tướng cho rằng những nhiệm vụ liên quan đến cơ chế, chính sách chung của cả nước, như xây dựng luật pháp, chiến lược, quy hoạch tổng thể, các dự án trọng điểm quốc gia, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… thì cần giữ ở cấp Trung ương, thuộc thẩm quyền Chính phủ hoặc Thủ tướng.
Các quy định hành chính cụ thể, mang tính chuyên môn kỹ thuật như tiêu chuẩn, quy chuẩn, đơn giá định mức kỹ thuật... có thể phân cấp, phân quyền cho bộ trưởng, trưởng ngành.
Những nhiệm vụ mang tính thực thi cụ thể trên một địa bàn, không có yếu tố liên tỉnh, liên ngành thì giao cho cấp tỉnh là phù hợp. Nguyên tắc là "cấp nào gần dân, sát thực tiễn và đủ năng lực thì cấp đó làm".
Phó Thủ tướng cũng nêu nguyên tắc phân cấp, phân quyền phải đi kèm với điều kiện thực thi cụ thể. Nếu địa phương được giao nhiệm vụ mới, cần đồng thời được điều chỉnh về tổ chức bộ máy, nhân lực, thiết bị và kinh phí.
“Chỉ phân cấp khi đã có đủ cơ sở pháp lý và công cụ hỗ trợ như quy hoạch, tiêu chuẩn, định mức. Ngược lại, những nội dung mà cơ quan Trung ương chưa hoàn thiện như quy chuẩn, định mức, đơn giá… thì chưa thể giao cho địa phương mà cần tiếp tục xem xét, tính toán phù hợp" - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
NGUYỆT THẢO