Sáng 9/5/2025, Quảng trường Đỏ ở Moskva rực rỡ cờ hoa, rộn ràng bước chân của những đội hình quân sự hùng hậu từ 13 quốc gia trên thế giới. Nhưng với hàng triệu người Việt, mọi ánh mắt dừng lại ở đội hình thứ tám – nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa nền tuyết mỏng, và 68 quân nhân Việt Nam đến từ Trường Sĩ quan Lục quân 1 sải bước oai phong. Họ không chỉ đại diện cho Quân đội nhân dân Việt Nam, mà còn là lời đáp trọn vẹn nhất cho ánh mắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh 68 năm trước, cũng tại nơi này.
Ánh mắt Bác Hồ xa xăm giữa mùa đông nước Nga
Moskva, ngày 7/11/1957. Quảng trường Đỏ phủ tuyết mỏng, lễ đài đón nguyên thủ từ khắp thế giới mừng 40 năm Cách mạng Tháng Mười. Trong đám đông ấy, dáng người gầy nhỏ, chòm râu bạc và ánh mắt sâu thẳm của Bác Hồ vẫn nổi bật.
Tôi lặng người thấy tim mình như thắt lại khi xem thước phim tư liệu trên youtube ghi lại: Bác đứng cạnh Đại nguyên soái Liên Xô nhưng ánh nhìn của Người như đầy trăn trở, nhìn xa xăm về Tổ quốc. Trái tim của một vị nguyên thủ nước nhỏ, đất nước còn chia cắt, mang đầy trăn trở.
Bác tham dự cuộc duyệt binh ở Liên Xô với tư cách khách mời lãnh đạo đặc biệt. Ảnh: Tư liệu
Bác nhìn những đội hình xe tăng, tên lửa, bộ binh Liên Xô như thầm ước ao: Làm sao để đất nước mình cũng có một quân đội hùng cường như thế để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước? Làm sao để ngày mai, cũng có một lễ duyệt binh như thế mừng ngày chiến thắng ở Việt Nam để Bắc – Nam sum họp một nhà? Và bao giờ, Quân đội nhân dân Việt Nam có mặt trên quảng trường Đỏ lịch sử này, sải những bước quân hành hùng dũng cùng bạn bè quốc tế?
Có lẽ, trong phút giây ấy, Bác đã tưởng tượng đến một cuộc diễu binh của chính dân tộc mình, trong một Việt Nam thống nhất, trong một thế giới nơi tiếng nói Việt Nam được sánh vai các cường quốc năm châu!
Tròn 68 năm, một đoàn quân đáp lời Người
Trưa 9/5/2025, đúng tại Quảng trường Đỏ năm nào, Tổng Bí thư Tô Lâm – người đứng đầu Đảng ta cùng phu nhân đã dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức do Nga tổ chức. Và lần đầu tiên, một đội hình chính quy của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia duyệt binh tại nước Nga. Điều trùng hợp kỳ lạ: 68 quân nhân, như đại diện cho 68 năm mong chờ của Bác Hồ, không hơn không kém một người đã có mặt, như một sự sắp đặt thật khéo của lịch sử.
Đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam với những bước đi đầy niềm tự hào giữa Quảng trường Đỏ
68 chiến sĩ như đại diện cho 68 năm mong chờ của Bác Hồ, không hơn không kém một người đã có mặt, như một sự sắp đặt thật khéo của lịch sử.
Họ không đến từ nơi nào khác ngoài Trường Sĩ quan Lục quân 1, mái trường quân sự đầu tiên của Quân đội ta, tiền thân là Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, nơi Bác Hồ từng đến dự lễ khai giảng khóa đầu tiên và trao tặng lá cờ thêu 6 chữ vàng: "Trung với Nước, Hiếu với Dân".
Đó không chỉ là một đoàn quân, mà thực sự là sự hóa thân của lịch sử.
Khi đoàn Việt Nam bước qua lễ đài, những lá cờ đỏ sao vàng tung bay bên cạnh quốc kỳ các cường quốc như Nga, Trung Quốc, Belarus … Một lần nữa, màu cờ Tổ quốc không đứng ngoài mà sánh vai giữa bạn bè quốc tế. Nếu như năm 1957, Việt Nam còn phải dè dặt đi giữa lòng nước lớn thì hôm nay, Việt Nam bước đi bằng chính bản lĩnh của mình.
Trong hàng ngũ 68 người ấy, không chỉ là học viên quân sự mà là đại diện cho một dân tộc đã đánh bại nhiều thế lực xâm lược trong thế kỷ XX, đang gìn giữ hòa bình bằng bản lĩnh và trí tuệ trong thế kỷ XXI.
Đối ngoại quốc phòng: Bước dài trên bàn cờ chiến lược
Việc Việt Nam cử đoàn quân sự chính quy tham gia duyệt binh không đơn thuần là hoạt động nghi lễ. Đây là thông điệp chiến lược về vị thế, về chính sách quốc phòng "bốn không" nhưng đầy bản lĩnh, chủ động hội nhập, tăng cường đối thoại, khẳng định vai trò ở cả khu vực và toàn cầu.
Việc tham gia duyệt binh tại Nga là lời khẳng định: Việt Nam giữ nguyên tắc độc lập, tự chủ, hợp tác toàn diện. Không lệ thuộc vào ai. Không chọn phe mà chọn chính nghĩa và sẵn sàng góp phần gìn giữ hòa bình bằng chính tấm gương lịch sử và truyền thống đấu tranh của mình.
Nếu Bác còn đứng trên lễ đài hôm nay…
Nếu hôm nay, Bác Hồ đứng lại trên lễ đài Quảng trường Đỏ, chắc ánh mắt Người sẽ khác. Không còn ánh nhìn trĩu nặng khắc khoải năm 1957. Có lẽ, Bác sẽ mỉm cười. Bởi điều Người từng day dứt về một quân đội vững mạnh, một đất nước thống nhất, một thế hệ cháu con biết mang hồn dân tộc ra thế giới, nay đã thành hiện thực.
68 quân nhân không chỉ là con số. Đó là biểu tượng cho 68 năm lịch sử không ngơi nghỉ, là bước chân của một dân tộc đi từ máu lửa chiến tranh đến hòa bình hội nhập.
Cái bắt tay của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Nga Putin các nguyên thủ trên lễ đài là phần tiếp nối của chính cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Bác từng khởi xướng. Mới cách đây ít ngày, chúng ta tổ chức thành công đại lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong chuỗi sự kiện đó, tại buổi gặp mặt các cán bộ lão thành cách mạng, gia đình chính sách tại TP.HCM ngày 21/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm xúc động phát biểu nghẹn ngào: “Tất cả chúng ta ngồi đây hôm nay xin báo cáo với Bác rằng, mong muốn, ước nguyện của Bác về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được các thế hệ cháu con thực hiện”.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Phu nhân đứng ở trên khu vực danh dự, với vị thế của một quốc gia hòa bình, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ.
Từ ánh mắt suy tư của Bác năm xưa đến bước chân rắn rỏi của cháu con hôm nay, là hành trình của một đất nước vượt qua nghìn trùng thử thách để sánh vai cùng bạn bè năm châu.
Và hôm nay, trong lòng Quảng trường Đỏ rợp tuyết trắng, ta có thể nghe vang vọng lời Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trên đài cao danh dự, hẳn Bác Hồ sẽ cười vui như nhà thơ Tố Hữu từng viết:
Vui gì hơn bằng mắt Bác Hồ cười
Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi!
Đại Bàng