Ngày 13-1, theo nguồn tin của PLO, TAND TP.HCM đã chuyển hồ sơ vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Xuyên Việt Oil - Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan đến cấp phúc thẩm.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu giám đốc kiêm HĐTV Xuyên Việt Oil), Nguyễn Lộc An (cựu Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương) cùng 5 bị cáo khác khác đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Một người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: THUẬN VĂN
Xét xử sơ thẩm hồi tháng 11-2024, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh 30 năm tù về tội đưa hối lộ; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí. Các bị cáo còn lại từ 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 28 năm tù.
Cấp sơ thẩm buộc bị cáo Hạnh nộp lại hơn 1.705 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước.
Theo nội dung bản án sơ thẩm, từ tháng 8-2016 đến tháng 5-2023, lợi dụng việc Công ty Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép làm thương nhân đầu mối xăng dầu và được giao thu hộ, quản lý và sử dụng tiền Quỹ bình ổn giá (BOG), bà Hạnh đã chỉ đạo nhân viên chuyển tiền quỹ BOG vào tài khoản cá nhân để sử dụng.
Đến ngày 11-8-2023, Bộ Công Thương ra quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu và yêu cầu bà Hạnh nộp lại 219 tỉ đồng tiền Quỹ BOG vào ngân sách nhà nước. Bà Hạnh không thực hiện được do đã sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân và không còn khả năng hoàn trả. Gây thất thoát cho tài sản nhà nước 219 tỉ đồng.
Đồng thời, Công ty Xuyên Việt Oil đã thu hộ cho Nhà nước tiền Thuế bảo vệ môi trường 1.244 tỉ đồng. Dù báo cáo đúng và đủ số tiền thuế nêu trên, nhưng bà Hạnh không chuyển tiền này vào ngân sách nhà nước và sử dụng vào mục đích cá nhân. Gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 1.244 tỉ đồng.
Đối với số tiền chiếm đoạt trên, bà Hạnh cho bạn bè vay mượn, chi tiêu cá nhân và đưa hối lộ 22 lần với số tiền hơn 31 tỉ đồng cho 8 cá nhân để nhờ hỗ trợ, cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Lộc An đã nhận hối lộ của Hạnh 400 triệu đồng và 1 đồng hồ hiệu Patek Philippe để đề xuất Bộ công thương cấp giấy phép kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu khi Công ty Xuyên Việt Oil không đủ điều kiện cấp phép.
Khi giấy phép hết hạn, Hạnh thông qua giới thiệu của bị cáo An đến gặp cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải để nhờ giúp đỡ và được giới thiệu hai bị cáo Hoàng Anh Tuấn và Trần Duy Đông (Vụ trưởng và Phó vụ trưởng Vụ TTTN - bộ Công thương) để tạo điều kiện giúp đỡ.
Các bị cáo trong vụ Xuyên Việt Oil tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: THUẬN VĂN
Bị cáo Hạnh đã chỉ đạo Nguyễn Văn Thắng đưa hối lộ 300.000 USD cho bị cáo Tuấn và Đông để hai bị cáo này xác nhận Xuyên Việt Oil cơ bản đáp ứng các điều kiện để và đề xuất được cấp lại giấy phép. Trên cơ sở đề xuất này, bị cáo Hải đã ký ban hành giấy phép cho Xuyên Việt Oil và nhận quà 50.000 USD.
Để đối phó với hoạt động thanh tra, kiểm tra tiền Quỹ BOG, bị cáo Hạnh đã đưa hối lộ cho bị cáo Đặng Công Khôi (cựu Phó cục trưởng Cục quản lý giá - Bộ Tài chính) 20.000 USD.
Cạnh đó, Công ty Xuyên Việt Oil chưa thực hiện nộp số tiền 1.244 tỉ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường theo đúng thời hạn. Để cơ quan thuế chậm ban hành các quyết định cưỡng chế tiền nợ thuế, không công bố thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng... bị cáo Hạnh đã 5 lần đưa hối lộ 4,8 tỉ đồng cho cựu Cục trưởng Cục thuế TP.HCM Lê Duy Minh.
Đối với bị cáo Lê Đức Thọ, cấp sơ thẩm xác định bị cáo này đã nhận hối 13,8 tỉ đồng từ bị cáo Hạnh trong việc phê duyệt hạn mức tín dụng Xuyên Việt Oil; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi 3 lần tổng cộng 22,1 tỉ đồng.
SONG MAI