1. Thiếu điểm nhấn trung tâm
Một căn phòng không có điểm tập trung thị giác sẽ trông rời rạc và thiếu sức sống. Bạn nên ưu tiên đầu tư vào một món đồ nổi bật làm tâm điểm, chẳng hạn như bức tranh lớn, chiếc gương trang trí công phu hoặc một chiếc ghế sofa có thiết kế độc đáo. Trong nhiều trường hợp, kệ tivi hoặc lò sưởi cũng có thể đóng vai trò là trung tâm nếu được bố trí hợp lý.
2. Nội thất không phù hợp
Những vấn đề về kích thước cũng là nguyên nhân phổ biến. Những chiếc ghế sofa hay bàn cà phê quá nhỏ sẽ khiến căn phòng trông trống trải, trong khi đồ đạc cồng kềnh lại gây cảm giác ngột ngạt.
Đối với những căn phòng lớn, bạn nên chọn bộ sofa góc rộng rãi kết hợp bàn cà phê có kích thước tương xứng. Đối với không gian nhỏ hẹp, những chiếc đèn cây cao hoặc kệ sách treo tường có thể giúp tạo chiều sâu mà không chiếm nhiều diện tích.
3. Thiếu thảm trải sàn
Đây sai lầm nhiều người mắc phải. Tấm thảm không chỉ giúp định hình khu vực sinh hoạt chính mà còn kết nối các món đồ nội thất với nhau.
Bạn nên chọn loại thảm đủ rộng để ít nhất hai chân trước của ghế sofa và toàn bộ bàn cà phê đều tiếp xúc với mặt thảm. Màu sắc và họa tiết của thảm nên hài hòa với tổng thể không gian để tạo sự đồng nhất.
4. Những bức tường trống trơn
Những bức tường đơn điệu khiến căn phòng của bạnthiếu đi cá tính riêng. Dù việc lựa chọn tranh treo tường có thể khiến nhiều người bối rối, nhưng chỉ cần vài bức tranh được bố trí hợp lý cũng đủ tạo nên khác biệt lớn.
Với phòng có trần cao, bạn nên chọn những bức tranh cỡ lớn hoặc nhóm nhiều khung hình theo bố cục nghệ thuật. Không gian nhỏ hơn sẽ phù hợp với tranh cỡ trung bình treo ở độ cao ngang tầm mắt, ưu tiên những tông màu ấm áp để tăng cảm giác gần gũi.
5. Ánh sáng đơn điệu
Bạn có luôn cảm thấy căn phòng của mình quá tối tăm? Ánh sáng từ một chiếc đèn trần duy nhất thường tạo ra những góc tối không mong muốn. Giải pháp là sử dụng hệ thống chiếu sáng phân tầng kết hợp đèn bàn, đèn tường và đèn chiếu điểm.
Nguyên tắc cơ bản là mỗi phòng nên có từ hai đến ba nguồn sáng khác nhau. Bạn cũng có thể lắp đặt công tắc điều chỉnh độ sáng để tạo không khí phù hợp với từng thời điểm trong ngày.
6. Thiếu các chi tiết bằng vải dệt
Ví dụ như thiếu gối tựa, chăn mềm hay rèm cửa sẽ khiến không gian trở nên cứng nhắc. Cách phối hợp hiệu quả là kết hợp nhiều chất liệu khác nhau như len, linen hoặc cotton với màu sắc hài hòa. Ngay cả khi chọn rèm cửa chất liệu voan mỏng, việc để chúng chạm sàn cũng tạo cảm giác sang trọng và hoàn thiện hơn cho cửa sổ.
7. Những góc phòng bị bỏ quên
Đây là dấu hiệu rõ ràng của một không gian chưa được tận dụng tối đa. Thay vì để trống, bạn có thể đặt một chậu cây cảnh lớn như lưỡi hổ hoặc kim tiền, hoặc trang bị chiếc đèn cây nghệ thuật. Với góc nhỏ gần cửa sổ, một chiếc ghế đọc sách kèm kệ sách mini sẽ biến nơi này thành điểm nhấn đầy tiện ích.
Cuối cùng, thiếu đồ trang trí cá nhân khiến phòng khách trông lạnh lẽo và vô hồn. Những món đồ như sách xếp nghệ thuật, nến thơm, khung ảnh gia đình hay đồ lưu niệm từ các chuyến đi đều có thể phản ánh gu thẩm mỹ và cá tính của chủ nhà.
Một bình hoa tươi hoặc bức tượng nhỏ đặt trên bàn cà phê cũng là cách đơn giản để thổi hồn vào không gian sống.
Chỉ cần điều chỉnh từng chút một theo những gợi ý trên, phòng khách của bạn sẽ dần chuyển mình từ trống trải thành không gian ấm cúng và đậm chất riêng. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất và cảm nhận sự khác biệt mỗi ngày.
LINH CHI