7 nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ mới

7 nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ mới
4 phút trướcBài gốc
Chiều 15/7, Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đã tổ chức Phiên thứ nhất tại trụ sở Bộ Công Thương, Hà Nội. Tham dự phiên thứ nhất có đồng chí Võ Thành Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Chính phủ, cùng các đồng chí trong Tổ chỉ đạo số 6 của Đảng ủy Chính phủ.
Đoàn chủ tịch chủ trì Đại hội
Với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030 có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020 - 2025; và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo ngành Công Thương tiếp tục thực hiện thành công các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. Đại hội thể hiện quyết tâm góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, lập thành tích kỷ niệm Đảng ta tròn 100 năm thành lập (1930 - 2030) và hướng đến hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945 - 2045).
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tầm quan trọng của Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030 là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong công tác xây dựng Đảng và tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong việc triển khai các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ Công Thương và toàn ngành nói chung, vì vậy, yêu cầu các đại biểu tham dự Đại hội thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu
"Nêu cao tinh thần trách nhiệm trí tuệ, tâm huyết, chủ động tập trung nghiên cứu tài liệu thảo luận đánh giá khách quan toàn diện những kết quả đạt được, những hạn chế yếu kém và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm quý trong lãnh đạo chỉ đạo của Đảng bộ nhiệm kỳ qua. Quán triệt sâu sắc, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, và nhận diện những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, yêu cầu đổi mới đối với sự phát triển của đất nước và của ngành để tiếp tục đề xuất, góp ý hoàn thiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới. Đồng thời, tích cực thảo luận, tham gia góp ý vào Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng theo quy định", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói.
Phiên thứ hai của Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 – 2030 sẽ diễn ra vào ngày 16/7/2025 với nhiều nội dung quan trọng, có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Đảng ủy Chính phủ, đại diện các Ban, Bộ ngành Trung ương, các cơ quan, ban tham mưu Đảng ủy Chính phủ, đại diện các Đảng bộ, cùng đại biểu, khách quý và 250 đại biểu ưu tú, đại diện cho 2.671 đảng viên của 38 tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương.
Dự kiến Đại hội sẽ biểu quyết thông qua Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020 – 2025; Dự thảo Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020 – 2025; Công bố quyết định chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 – 2030; Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 – 2030 sẽ ra mắt và phát biểu nhận nhiệm vụ. Đồng thời, các đại biểu sẽ nghe và biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết Đại hội…
Các đại biểu tham dự Đại hội
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, ngành Công Thương đã vượt qua nhiều thách thức lớn, hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu được giao. Công nghiệp tiếp tục đóng vai trò then chốt, chiếm trên 30% GDP, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 80%, khẳng định vị thế trung tâm sản xuất khu vực.
Ngành điện cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 99%, đứng thứ 2 ASEAN, thứ 30 thế giới về phát triển hạ tầng điện vào năm 2024. Ngành dầu khí phát triển đồng bộ từ thượng nguồn đến hạ nguồn, sản lượng xăng dầu đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước; nguồn khí (kể cả LNG nhập khẩu) bảo đảm đủ cho sản xuất điện và các ngành công nghiệp.
Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 10%, đóng góp quan trọng vào GDP, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 ước đạt trên 800 tỷ USD, thặng dư thương mại duy trì mức cao.
Thị trường trong nước giữ vai trò trụ cột, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 8,1%/năm; thương mại điện tử tăng trưởng mạnh, đạt 25 tỷ USD năm 2024, chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ, là động lực thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.
Nhiệm kỳ 2025- 2030, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển của ngành Công Thương giai đoạn đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2025 - 2030. Tỷ trọng công nghiệp đạt khoảng 35% GDP, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 28% vào năm 2030; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 12-12.5%/năm; Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa 13,5-14,5%/năm; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trong nước 10-12%/năm; Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu đạt 13,0 - 13,5%/năm; Đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10,0%/năm...
Một số nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới: Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, giữ vai trò hạt nhân đoàn kết, gương mẫu, phát huy năng lực lãnh đạo, chỉ đạo; Thực hiện nhiệm vụ chính trị trong hệ thống chính trị.
Kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh gọn, rõ chức năng - nhiệm vụ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, điều hành; Nâng cao chất lượng tham mưu chiến lược, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số; Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển ngành, khơi thông nguồn lực; ưu tiên xây dựng hệ thống pháp luật về công nghiệp thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và các ngành, lĩnh vực trọng điểm.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng nội địa trong sản xuất công nghiệp và hàng hóa xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng công nghiệp, năng lượng, thương mại hiện đại và cạnh tranh; Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cấp và ký kết các FTA mới, mở rộng hợp tác quốc tế về công nghiệp, thương mại, năng lượng; Đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước theo hướng bền vững, cạnh tranh toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị, hình thành các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu, năng lượng, phân phối, logistics.
Nguyên Long/VOV1
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/7-nhiem-vu-trong-tam-cua-dang-bo-bo-cong-thuong-trong-nhiem-ky-moi-post1214965.vov