7 vụ chạm trán UFO gây chấn động thế giới

7 vụ chạm trán UFO gây chấn động thế giới
5 giờ trướcBài gốc
"Đĩa bay" của Kenneth Arnold – Washington, Mỹ (tháng 6/1947)
Hiện tượng UFO như ta biết ngày nay bắt đầu từ phi công Kenneth Arnold, người đã phát hiện 9 vật thể hình đĩa bay di chuyển với tốc độ cao gần núi Rainier, bang Washington.
Ông ước tính chúng bay với tốc độ gần 1.930 km/h và mô tả chuyển động của chúng “giống như những chiếc đĩa trượt trên mặt nước.” Cụm từ “flying saucers” (đĩa bay) từ đó ra đời, thổi bùng làn sóng quan tâm toàn cầu.
Quân đội khi đó bác bỏ sự việc, cho rằng đó chỉ là ảo ảnh hoặc ảo giác, nhưng ông Arnold vẫn kiên quyết khẳng định những gì mình đã thấy. Cuộc chạm trán này đặt nền móng cho văn hóa UFO, tạo tiền lệ về độ tin cậy của nhân chứng và cách gọi tên hiện tượng.
Sự kiện Roswell – New Mexico, Mỹ (tháng 7/1947)
Chỉ vài tuần sau vụ việc của Kenneth Arnold, sự kiện Roswell trở thành một huyền thoại.
Một người chăn nuôi phát hiện những mảnh vỡ kỳ lạ; quân đội ban đầu thông báo đã thu giữ một “đĩa bay”, nhưng sau đó vội vã rút lại và cho rằng đó là một khinh khí cầu khí tượng bị rơi.
Sự mập mờ và giấu giếm khiến các thuyết âm mưu bùng phát và văn hóa đại chúng ngày càng quan tâm.
Hiện nay, Roswell gắn liền với huyền thoại UFO, là điểm đến du lịch với chủ đề người ngoài hành tinh và các lễ hội thường niên.
Sự kiện Rendlesham Forest – Suffolk, Anh (tháng 12/1980)
Được mệnh danh là “Roswell của nước Anh”, vụ việc kỳ lạ này liên quan đến các binh sĩ Mỹ đóng tại căn cứ không quân RAF Woodbridge.
Trong nhiều đêm, binh sĩ chứng kiến ánh sáng lạ, vật thể kim loại và, theo một số người, cả những sinh vật hình người nhỏ bé. Phó chỉ huy trung tá Charles Halt ghi chép sự việc trong một bản ghi nhớ, đến nay vẫn là một trong những tài liệu nội bộ quân sự hiếm hoi về UFO.
Bộ Quốc phòng Anh đánh giá thấp vụ việc, nhưng các nhân chứng vẫn bảo lưu lời kể. Một giả thuyết mới cho rằng đây là hiện tượng plasma trong khí quyển kết hợp với ảo giác tập thể.
Ánh sáng Phoenix – Arizona, Mỹ (tháng 3/1997)
Trong vụ chạm trán tập thể này, hàng nghìn người ở Arizona và Nevada chứng kiến một đội hình ánh sáng hình chữ V im lặng trôi qua bầu trời đêm.
Diễn viên Kurt Russell, lúc đó đang lái máy bay, đã báo cáo hiện tượng với kiểm soát không lưu. Không quân Mỹ giải thích đó là pháo sáng quân sự, nhưng nhiều người, trong đó có cả thống đốc bang Arizona, đã bác bỏ lời giải thích này và gọi sự kiện là “không thuộc về thế giới này”.
Vật thể lạ tại sân bay O’Hare – Chicago, Mỹ (tháng 11/2006)
Tại sân bay quốc tế O’Hare đông đúc, nhân viên của hãng United Airlines và nhân viên mặt đất chứng kiến một vật thể kim loại tối màu, hình đĩa lơ lửng trên cổng C-17 trong vài phút trước khi bay vút lên, xuyên qua lớp mây với tốc độ “như phản lực”, để lại một lỗ tròn trên mây.
Dù các lời khai nhất quán, Cục Hàng không Liên bang (FAA) lại quy hiện tượng này cho thời tiết – cụ thể là “mây thủng do áp suất”. Tuy nhiên, các nhân chứng vẫn khẳng định chắc chắn: đó là một UFO, không thể nhầm lẫn.
Sự kiện Trường Ariel – Ruwa, Zimbabwe (tháng 9/1994)
Đây là vụ việc khiến nhiều người phải suy nghĩ: 62 học sinh trong độ tuổi từ 6 đến 12 báo cáo nhìn thấy một vật thể bạc đáp gần trường và những sinh vật ngoài hành tinh đã “giao tiếp bằng thần giao cách cảm”, truyền đi thông điệp về bảo vệ môi trường.
Một số em sợ hãi đến bật khóc. Được gọi là “cuộc chạm trán cự ly gần đáng chú ý nhất của thập niên 1990”, sự kiện thu hút sự quan tâm toàn cầu. Dù có người cho rằng đó là chứng loạn thần tập thể, nhưng ký ức của các nhân chứng vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Làn sóng UFO tại Bỉ (1989 - 1990)
Từ cuối năm 1989 đến đầu 1990, Bỉ chứng kiến hàng loạt vụ chạm trán, các vật thể hình tam giác, di chuyển im lặng và phát sáng rực rỡ.
Điều khiến vụ việc trở nên chính thức là: xác nhận qua radar, theo dõi bằng mắt và thiết bị, và cả phản ứng quân sự. Không quân Bỉ điều động tiêm kích F-16, nhưng vật thể vẫn lẩn tránh được radar và các phi công không thể khóa mục tiêu.
Cho đến nay, làn sóng UFO tại Bỉ vẫn là một trong những hiện tượng bí ẩn và được ghi chép đầy đủ nhất ở châu Âu.
Suy ngẫm
7 vụ chạm trán kỳ lạ trên, với sự góp mặt của cựu chiến binh, trẻ em, phi công và đám đông, vẫn làm dấy lên sự tò mò và bối rối.
Chúng khiến ta phải tự hỏi: “Thật sự có gì ngoài kia?” Với xu hướng minh bạch hơn (hãy chờ các tài liệu thô từ Lầu Năm Góc) và việc chấp nhận rộng rãi hơn về hiện tượng lạ, thập kỷ tới có thể thay đổi hiểu biết của chúng ta.
Dù là công nghệ bí mật, hiện tượng thời tiết lạ, hay dấu hiệu của sự sống ngoài hành tinh, dù bạn là người hoài nghi hay tin tưởng, thì niềm vui từ những điều huyền bí vẫn luôn tồn tại.
Theo msn
Hải Yến
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/7-vu-cham-tran-ufo-gay-chan-dong-the-gioi-post738634.html