Thực hiện phân công của lãnh đạo Bộ Y tế đối với việc thực hiện phân cấp thẩm quyền cấp phép trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã dự thảo và tham mưu trình lãnh đạo bộ ký, ban hành Thông tư số 57/2024/TT-BYT (Thông tư 57). Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2025.
Nhiệm vụ của Sở Y tế các tỉnh/thành
Cụ thể, Thông tư 57 phân cấp thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh từ Bộ Y tế về Sở Y tế đối với những hoạt động sau:
Thứ nhất, việc cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm: cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người làm việc tại các bệnh viện tư nhân.
Thứ 2, điều chỉnh giấy phép hoạt động, việc điều chỉnh này do thay đổi quy mô hoạt động của các bệnh viện tư nhân trên địa bàn quản lý đối với các trường hợp điều chỉnh quy mô không quá 100 giường bệnh; bổ sung, giảm bớt danh mục kỹ thuật không thuộc danh mục kỹ thuật loại đặc biệt;
Thứ 3, xác nhận nội dung quảng cáo gồm: cấp, cấp lại giấy xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện tư nhân trên địa bàn quản lý.
Thứ 4, đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề làm việc tại các bệnh viện tư nhân trên địa bàn quản lý.
Giao Sở Y tế cấp giấy phép hành nghề cho bệnh viện tư nhân (ảnh minh họa)
Các thủ tục tiếp tục thực hiện tại Bộ Y tế
Đối với các thủ tục hành chính tiếp tục thực hiện tại Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ Y tế tiếp tục phân cấp thẩm quyền ban hành kết quả của thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế từ lãnh đạo bộ cho lãnh đạo các cục có liên quan đối với các nội dung:
Thứ nhất, giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh gồm cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi, thừa nhận giấy phép hành nghề cho các chức danh chuyên môn (trừ các chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền) thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.
Thứ 2, ban hành quyết định thành lập đoàn thẩm định cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ 3, cho phép tổ chức đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo đợt, khám bệnh, chữa bệnh lưu động; người nước ngoài vào Việt Nam chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh hoặc hợp tác đào tạo về y khoa có thực hành khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ 4, đề nghị thực hiện thí điểm khám bệnh, chữa bệnh từ xa đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; xác định kỹ thuật mới, phương pháp mới; thí điểm áp dụng, chính thức áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới.
Thứ 5, thực hiện việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế.
Thứ 6, đánh giá chất lượng, tiêu chuẩn chất lượng gồm cấp mới, cấp lại, bổ sung, sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá, chứng nhận chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thừa nhận tiêu chuẩn quản lý chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Giảm 70% số lượng hồ sơ về sở y tế
Dự kiến khi Thông tư 57 có hiệu lực sẽ góp phần giảm khoảng 70% số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh nộp về Bộ Y tế, được chuyển về thực hiện tại sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng thời, giảm còn khoảng 80% thời gian thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính so với giai đoạn hiện nay trên cơ sở phân cấp thẩm quyền ban hành kết quả thủ tục hành chính từ lãnh đạo Bộ cho lãnh đạo các cục có liên quan.
Thông tư này nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 173/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đồng thời quán triệt thực hiện đầy đủ chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, địa phương theo tinh thần của Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 1/1/2022 của Chính phủ.
Nguyễn Hà/VOV.VN