70 năm Giải phóng Thủ đô - Bài 3: Quy hoạch đô thị Hà Nội, vấn đề cấp bách và sống còn

70 năm Giải phóng Thủ đô - Bài 3: Quy hoạch đô thị Hà Nội, vấn đề cấp bách và sống còn
2 giờ trướcBài gốc
Hà Nội là Thủ đô, là đô thị đặc biệt, do đó vấn đề này càng trở nên cấp thiết hơn. Nếu quy hoạch tốt, tầm nhìn xa, đô thị đó sẽ xứng tầm trong tương lai, tránh được rất nhiều thiệt hại về công sức, thời gian, tiền của và hạn chế việc “đập đi, xây lại” khiến đô thị manh mún, chắp vá, thiếu đồng bộ, gây xáo trộn đời sống nhân dân.
Khu đô thị Vinhome Ocean Park, huyện Gia Lâm (Hà Nội) là khu đô thị hiện đại với nhiều tiện ích, tạo điểm nhấn cho thủ đô Hà Nội. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
"Cởi trói" cho quy hoạch Thủ đô
Thời gian qua, quy hoạch Thủ đô luôn được người dân, nhà khoa học, nhà quản lý và chính quyền Hà Nội đặc biệt quan tâm. Có thể nói, đồ án quy hoạch sắp tới đang được các cấp mong đợi, từ đó sẽ hóa giải rất nhiều ách tắc, chậm trễ trong quá trình đầu tư xây dựng và phát triển.
Sau quá trình dài nghiên cứu, xây dựng, cân nhắc cẩn trọng và trình các cấp xem xét, ngày 24/5/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 80-KL/TW về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Hiện nay, Hội đồng thẩm định quy hoạch đang tiếp tục hoàn thiện các khâu thủ tục cuối đề trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt (dự kiến tháng 10/2024).
Giới chuyên gia cho rằng, hai đồ án quy hoạch sắp tới được xem là 2 “trung tâm”, thêm vào đó, Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua là khung pháp lý để Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ trung tâm đó. Trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ, hai trục trung tâm để thực hiện là: Quy hoạch thủ đô và Quy hoạch chung thủ đô.
Tiến sỹ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư Trưởng thành phố Hà Nội đánh giá, 70 năm qua, Hà Nội đạt được rất nhiều kết quả to lớn trong quy hoạch và xây dựng; tuy nhiên cũng bộc lộ những tồn tại và thách thức. Sau Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thủ đô, Hà Nội đã triển khai rất linh hoạt về các định hướng phát triển, trong đó có việc tập trung xây dựng hai quy hoạch nêu trên, được xem là hai trụ cột để phát triển trong tương lai. Vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, bổ sung 2024. Như vậy, giai đoạn tới Hà Nội thực hiện đồng bộ song hành giữa các luật và quy hoạch mới, trong đó đề xuất với hơn 70 chính sách đặc thù cho Hà Nội.
Với những định hướng trong quy hoạch và đặc thù Thủ đô, cả nước đang đặt cho Hà Nội những yêu cầu phải có sự đột phá, đổi mới, có những biện pháp mới. Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, qua điều chỉnh địa giới năm 2008, Hà Nội đã có diện tích lớn nhất trong các đô thị của Việt Nam và dân số đứng thứ 2 sau Thành phố Hồ Chí Minh. So với thế giới, Hà Nội là một trong 12 thủ đô có diện tích lớn và một trong 10 thủ đô có truyền thống phát triển hàng ngàn năm.
Quy hoạch sắp tới, Trung ương khẳng định tiếp tục thực hiện mô hình chùm đô thị, gồm có đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái và liên kết với nhau bởi các hành lang xanh. Mô hình chùm đô thị đó phải tiếp tục thực hiện nhưng phải có điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. 5 đô thị vệ tinh đã đưa ra trong quy hoạch 2011, lần này phải có điều chỉnh quy mô dân số hợp lý và có những chính sách đặc thù.
Thực hiện mô hình chùm đô thị, các thị trấn sinh thái và đặc biệt là 5 đến 7 huyện chuyển lên thành quận và trong giai đoạn tới thực hiện mô hình thành phố trong thành phố, gồm thành phố phía Bắc có huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố phía Tây có Đô thị khoa học là thành phố Hòa Lạc - Xuân Mai. Thực hiện mô hình đô thị, mô hình thành phố này là một yêu cầu rất quan trọng.
Đây là một thách thức rất lớn cho Hà Nội trong giai đoạn tới, cần định hướng từ Trung ương và Chính phủ và đặc biệt là phát triển chính sách, chiến lược phát triển kinh tế mà Hà Nội phải có giải pháp hợp lý về không gian kinh tế, để đảm bảo mối quan hệ với các vùng. Hà Nội phải là động lực để phát triển các vùng, đồng thời cũng phải tạo điều kiện để các tỉnh trong vùng cùng phát triển, phải tổ chức lại không gian ở các điểm liên kết các tỉnh trong vùng, đặc biệt là vấn đề giao thông.
Hà Nội cũng phải thực hiện tốt được vai trò liên kết vùng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có liên kết các không gian truyền thống của nghìn năm văn hiến với không gian mới hiện đại, gắn không gian Ba Vì, Hồ Tây, Cổ Loa và văn hóa xứ Đoài... để tạo ra một sức sống mới cho Hà Nội.
Ông Đào Ngọc Nghiêm cũng nhấn mạnh, Hà Nội có diện tích rộng, lịch sử phát triển lâu dài, có những đặc trưng khu phố cổ, phố cũ thời Pháp, khu cảnh quan như Hồ Gươm, Hồ Tây, khu trung tâm chính trị Ba Đình, các làng nghề truyền thống. Nhiệm vụ trong những năm vừa qua, qua 7 lần quy hoạch, Hà Nội mặc dù đã cố gắng cải tạo, phát huy giá trị di sản này, nhưng chưa hết tiềm năng. Giai đoạn tới, Hà Nội cần đảm bảo phát triển mới, gắn với cải tạo tái thiết các khu đô thị hiện hữu. Cạnh đó, Hà Nội phải quyết tâm trong bảo tồn biệt thự, bảo tồn phố cổ, bảo vệ khu trung tâm Ba Đình và đặc biệt khai thác cảnh quan để bảo vệ môi trường của hơn 120 hồ nước.
Một định hướng mới cho tất cả các đô thị, nhưng đối với Hà Nội lại là một vấn đề đặc thù, đó là trong phát triển đô thị phải đảm bảo hài hòa giữa phần đô thị và nông thôn. Trong đô thị trung tâm của Hà Nội gồm nội đô lịch sử, nội đô phát triển mới, có rất nhiều những yếu tố làng nghề, yếu tố không gian truyền thống của nền nông nghiệp cũ. Vì vậy, cần quy hoạch, xây dựng và phát triển hài hòa thành thị và nông thôn.
Trong định hướng phát triển Hà Nội đến năm 2030, đô thị đạt khoảng 70%, còn lại là nông thôn. Hà Nội đang dẫn đầu cả nước xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu. Vì vậy, làm thế nào để để gắn kết nông thôn, thành thị, như hệ thống kết cấu hạ tầng đường giao thông, chất lượng sống của người dân, vùng nông thôn ngoại thành đóng góp được phần kinh tế nhất định cho phát triển và đặc biệt phát triển du lịch, khai thác từ du lịch khám phá, du lịch sinh thái…
Di dời công sở, giảm quá tải cho nội đô
Thời quan qua, đô thị Hà Nội được xem như một chiếc áo chật hẹp, lượng người đông, mật độ dân số tăng cao. Một trong những nguyên nhân là do nhiều vướng mắc trong thực hiện quy hoạch, vẫn “nhồi nhét” nhà cao tầng vào nội đô. Trong lúc đó, chưa di dời được các cơ quan, trường học ra khỏi trung tâm.
Vấn đề này, ông Đào Ngọc Nghiêm cho biết, từ Quy hoạch của Hà Nội được duyệt năm 1998 đã ra đặt vấn đề di dời các cơ sở công lập, trụ sở một số bộ, ngành, một số cơ sở giáo dục, đại học. Chính phủ đã xác định mục tiêu đến 2025 di dời được gần hết các cơ quan, trường học đến vị trí thích hợp. Tuy nhiên, thành phố không thực hiện được chỉ tiêu này bởi còn bất cập giữa các luật.
Trong Luật Đất đai 2013 quy định, cá nhân, tổ chức đã thuê đất ổn định, lâu dài mà chưa hết thời hạn thì chủ thể vẫn có quyền quyết định việc đi hay ở. Tới đây, khi 2 quy hoạch mới sẽ được phê duyệt đã đặt ra vấn đề là bố trí các khu để dành cho trụ sở một số bộ, ngành và liên kết vùng để tạo sự hấp dẫn cho một số trường đại học, đặc biệt là xây dựng thành phố Hòa Lạc thành thành phố khoa học và đại học thì sẽ có những thuận lợi hơn. Đặc biệt, trong Luật Thủ đô đã cho phép Hà Nội chủ động trong việc di dời trụ sở cơ quan bộ, ngành, các cơ sở công nghiệp. Các cơ quan phải giao lại vị trí, địa điểm này cho thành phố khi di dời. Cạnh đó, thành phố Hà Nội phải có trách nhiệm chỉ định vị trí, quy mô cụ thể.
Trong quy hoạch tới, Hà Nội xác định rõ ít nhất là 4 khu dành cho cơ quan trung ương, đây sẽ là thuận lợi để có thể thực hiện được. Như vậy, định hướng trong quy hoạch đã gắn với thực tiễn, nhưng vấn đề đặt ra là tổ chức thực hiện như thế nào, có quyết liệt hay không, có được các bộ, ngành ủng hộ hay không và ngân sách có bố trí vốn hợp lý không thì đang đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm từ nhiều phía.
Khẩn trương bắt tay thực hiện quy hoạch
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, sau khi đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (dự kiến đầu tháng 10/2024), thành phố tiếp tục chỉ đạo lập và điều chỉnh hệ thống các quy hoạch có liên quan như: Quy hoạch chung các thành phố thuộc Thủ đô; quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, thị trấn, các quy hoạch xây dựng vùng huyện; các quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch, quy chế có liên quan.
Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai các quy hoạch phục vụ các dự án phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc, Đông Bắc với một số dự án lớn như công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia, khu đô thị Thành phố thông minh, Khu Công viên phần mềm tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, đô thị Gia Lâm…; tập trung nghiên cứu thực hiện đầu tư theo quy hoạch phân khu đô thị dọc hai bên sông Hồng được duyệt; tập trung đẩy mạnh phát triển đô thị khu vực phía Tây, triển khai kế hoạch phát triển một số huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức thành quận trong thời gian tới; tập trung phát triển các loại hình nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp…, xúc tiến kêu gọi đầu tư các đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây, Phú Xuyên, Sóc Sơn… Vừa qua, Hà Nội đã tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông hạ tầng khung, hệ thống đường sắt đô thị (Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội), hệ thống đường giao thông công cộng kết nối toàn thành phố; phối hợp Bộ Giao thông vận tải triển khai nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn.
Bài cuối: Phát triển kinh tế lên tầm cao mới
Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/70-nam-giai-phong-thu-do-bai-3-quy-hoach-do-thi-ha-noi-van-de-cap-bach-va-song-con-20241004093304312.htm