70 năm Sở Xây dựng Hà Nội: Những dấu ấn làm thay đổi diện mạo đô thị Thủ đô

70 năm Sở Xây dựng Hà Nội: Những dấu ấn làm thay đổi diện mạo đô thị Thủ đô
3 giờ trướcBài gốc
70 năm những chặng đường
Nói tới ngành Xây dựng Thủ đô, người ta hình dung ngay tới những công trình lớn, những tòa nhà chọc trời hoặc những khu dân cư siêu lớn quy mô hàng chục nghìn dân hay sự nóng – lạnh bất ngờ của thị trường bất động sản…
Thế nhưng, thực tế, Sở Xây dựng Hà Nội đang phải “nặng gánh” với rất nhiều lĩnh vực đặc biệt quan trọng khác để có thể vận hành trôi chảy siêu đô thị 10 triệu dân Hà Nội. Trong đó, có lẽ gần gũi nhất với người dân và cũng hết sức trọng yếu là mảng quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị Thủ đô như cung cấp nước sạch sinh hoạt, thoát nước đô thị, xử lý nước thải, cây xanh, chiếu sáng, vườn hoa, công viên, vệ sinh môi trường, hạ ngầm, chỉnh trang đô thị…
Những dấu ấn làm thay đổi diện mạo đô thị Thủ đô
Chỉ nói về lĩnh vực cung cấp nước sạch, khoảng 10 năm trước, cứ mỗi mùa Hè tới, người dân Thủ đô lại lo lắng liệu có đủ nước sạch để dùng thì nay mối lo ấy gần như không còn.
Hiện nay, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội (theo thiết kế) đạt khoảng 1.611.600m3/ngđ (trong đó nguồn nước ngầm khoảng: 761.600m3/ngđ tại 16 nhà máy ngầm và 12 trạm sản xuất nước cục bộ; nguồn nước mặt khoảng: 850.000m3/ngđ tại 5 nhà máy nước mặt).
Với hàng loạt các dự án nguồn (khai thác nước mặt) đang gấp rút triển khai, chắc chắn, đến năm 2025, 100% hộ dân trên toàn địa bàn thành phố được cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.
Tương tự, trong lĩnh vực cây xanh đô thị, sau khi hoàn thành Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh trên địa bàn, Sở Xây dựng đang tiếp tục triển khai Kế hoạch số 76/KH-UBND của UBND Thành phố về trồng mới 500.000 cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố, giai đoạn 2021 - 2025.
Lũy kế thực hiện từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn các quận, thị xã và 5 huyện có Đề án lên quận đã trồng được hơn 143.000 cây bóng mát, 110.806 cây cảnh, khóm; 549.449m2 cây mảng, thảm cỏ.
Hay trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, trong giai đoạn 2008-2018, Sở Xây dựng được giao thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư 102 dự án đầu tư. Trong đó, có 14 công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; 41 công trình chỉnh trang phục vụ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; 30 dự án xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở sinh viên, 16 dự án phát triển hạ tầng.
Có nhiều dự án lớn, quan trọng của Thành phố như: Bảo tàng Hà Nội, Cung Điền kinh Hà Nội, Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội - dự án II, Công viên Hòa Bình, Rạp Đại Nam; Rạp Kim Đồng; Rạp Công Nhân, nhà ở sinh viên tại Mỹ Đình I, Pháp Vân - Tứ Hiệp, Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, Đồng Mai; Nhà ở xã hội tại Việt Hưng...
Tổng số vốn xây dựng cơ bản được giao hàng năm trên 1.400 tỷ đồng. Để thực hiện khối lượng công việc rất lớn này, Sở Xây dựng đã tăng cường chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các dự án xây dựng cơ bản, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả đầu tư, đặc biệt đối với các công trình trọng điểm, công trình 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và giải quyết nhu cầu dân sinh, xã hội bức xúc...
Đô thị Hà Nội đang từng ngày đổi thay
Trở lại với mảng xây dựng nhà ở - quản lý thị trường bất động sản, khối lượng công việc Sở Xây dựng phải xử lý cũng vô cùng lớn.
Chỉ trong giai đoạn 2021-2023, với nhà ở thương mại, Hà Nội đã có 35 dự án hoàn thành toàn bộ và 2 dự án hoàn thành một phần với khoảng 3.727.370m2 sàn nhà ở, khoảng 19.785 căn nhà.
57 dự án đang triển khai (đã bao gồm 02 dự án hoàn thành một phần) có khả năng hoàn thành giai đoạn 2024-2025 với khoảng 9.193.000m2 sàn nhà ở, khoảng 53.600 căn nhà; 108 dự án và công trình thuộc 01 dự án đã được chấp thuận, dự kiến hoàn thành sau năm 2025 với khoảng 38.800.000m2 sàn nhà ở; 224 dự án đang chuẩn bị đầu tư với khoảng 42.300.000m2 sàn nhà ở.
Cùng với đó là các dự án nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội và các đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố… Đó là chưa kể tổng diện tích sàn nhà ở riêng lẻ do dân tự xây theo cấp phép xây dựng giai đoạn 2021-2023 lên tới 10,49 triệu m2 sàn…
Nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề
Không thể đo đếm hết khối lượng công việc khổng lồ và những đóng góp của Sở Xây dựng Hà Nội đối với bộ mặt đô thị Thủ đô trong 70 năm qua. Những con số thống kê không sao thể hiện hết được nỗ lực và tinh thần cống hiến, vượt khó, bền bỉ, quyết liệt trong công việc của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động ngành Xây dựng Hà Nội những năm qua.
Nếu ví hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị giống như chuyển động của một đoàn tàu thì cấp ủy cơ quan luôn đóng vai trò như là đầu đoàn tàu. Đầu tàu chạy đúng đường ray sẽ giúp cả đoàn tàu cùng chạy đúng hướng về nhà ga.
Nhận thức được được vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, sau mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ cơ quan Sở, Đảng ủy cơ quan Sở Xây dựng đã xây dựng Chương trình công tác toàn khóa, Kế hoạch hàng năm và tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng theo chỉ đạo của Đảng ủy Khối các cơ quan Thành phố;
Phối hợp chặt chẽ với tập thể Lãnh đạo Sở chỉ đạo thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố giao, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các đoàn thể trực thuộc duy trì hoạt động ổn định, vững mạnh, phát huy vai trò theo chức năng, nhiệm vụ được giao; góp phần trong sự trưởng thành và phát triển của Sở Xây dựng Hà Nội.
Dù vậy, nhiệm vụ phía trước của Sở Xây dựng vẫn còn rất nặng nề để tham mưu cho thành phố, cùng các sở ngành, quận huyện quản lý, vận hành siêu đô thị 10 triệu dân trong giai đoạn mới.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế, chính sách pháp luật nhằm thu hút đầu tư phát triển, quản lý xây dựng, đô thị;
Củng cố và phát huy hiệu lực, hiệu quả của hệ thống và nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ công chức, người lao động ngành Xây dựng Thủ đô; Triển khai sâu, rộng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của từng tổ chức, công dân trong việc tuân thủ pháp luật, nâng cao kỷ cương, văn minh đô thị; Giải quyết kịp thời các vấn đề dân sinh bức xúc về cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường.
Cùng đó, sẽ tập trung đẩy nhanh, hoàn thành đúng tiến độ các công trình được giao làm chủ đầu tư, góp phần xây dựng và hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của thành phố...
Sở Công chính - tiền thân của Sở Xây dựng được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 10/10/1954. Những năm tháng ban đầu, tuy lực lượng sản xuất còn ít ỏi, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng tới năm 1960, ngành đã xây dựng được hơn 220 công trình lớn nhỏ, trong đó có 43 nhà máy, xí nghiệp công nghiệp. Với kết quả đó, ngành Xây dựng Hà Nội đã chuyển mình từ một ngành mang tính sự nghiệp trước giải phóng thành một ngành kinh tế, kỹ thuật quan trọng của Thành phố, đặt nền móng để vươn lên đáp ứng các yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.
Sau hiệp định Paris, miền Bắc chấm dứt chiến tranh, ngành Xây dựng được tăng cường lực lượng, từng bước sản xuất chuyên môn hóa, tham gia xây dựng hơn 400 công trình kinh tế xã hội, hơn 2 vạn m2 nhà ở lắp ghép tại 7 tiểu khu (Trương Định, Yên Lãng, Vĩnh Hồ, Thành Công, Giảng Võ, Khương Thượng, Trung Tự)…
Trong 10 năm sau ngày đất nước thống nhất, ngành Xây dựng Hà Nội đã hoàn thành hơn 720 công trình với tổng diện tích khoảng 1,3 triệu m2 nhà ở, riêng năm 1977 xây dựng 6 vạn m2 nhà ở.
Năm 1998, Hà Nội là Thành phố đầu tiên trên toàn quốc xây dựng chương trình phát triển nhà ở (Chương trình số 12-CTr/TU ngày 20/5/1998 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nhà ở Hà Nội đến năm 2000 và 2010). Thành phố cũng tập trung đầu tư xây dựng các khu đô thị như: khu Linh Đàm, khu Định Công, khu Mỹ Đình, khu Việt Hưng, khu Trung Yên, khu Yên Hòa, khu đông nam Trần Duy Hưng, khu Nam Thăng Long…
Năm 2008 là năm đánh dấu sự phát triển lớn mạnh của ngành Xây dựng Hà Nội khi Sở Xây dựng Hà Nội tiếp nhận thêm một số chức năng, nhiệm vụ từ Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Giao thông vận tải; hợp nhất với Sở Xây dựng Hà Tây để trở thành Sở Xây dựng Hà Nội cho đến ngày nay.
Trải qua nhiều lần thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy, hiện nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã tinh gọn còn 16 đầu mối gồm 13 phòng và tương đương (Văn phòng; Thanh tra; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Kế hoạch - Đầu tư; Phòng Phát triển đô thị; Phòng Quản lý hạ tầng cấp, thoát nước; Phòng Quản lý cây xanh, chiếu sáng và công trình ngầm; Phòng Quản lý xây dựng; Phòng Cấp phép xây dựng; Phòng Pháp chế - Chính sách nhà ở; Phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng; Phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản; Phòng Quản lý kỹ thuật và Giám định chất lượng);
3 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở (Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở; Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội; Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội).
Phương Mai
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/70-nam-so-xay-dung-ha-noi-nhung-dau-an-lam-thay-doi-dien-mao-do-thi-thu-do-post592058.antd