70 năm tập kết ra Bắc: Dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc

70 năm tập kết ra Bắc: Dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc
3 giờ trướcBài gốc
Tối 27-10, tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024) và khánh thành công trình tượng đài "con tàu tập kết".
Hàng ngàn người đội mưa dự Lễ kỷ niệm 70 năm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại TP Sầm Sơn tối 27-10. Ảnh: Minh Hiếu
Dự sự kiện có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; lãng đạo tỉnh Thanh Hóa và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Lễ kỷ niệm được tổ chức ngay tại cảng Lạch Hới (phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn), nơi cách đây 70 năm được Bác Hồ, Trung ương Đảng chọn đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết. Tại bến tàu này, trong thời gian từ tháng 9-1954 đến 5-1955, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đón 45 chuyến tàu "đặc biệt" chở 1.775 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở miền Nam tập kết ra Bắc.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành Trung ương và hàng ngàn người dân, đồng bào miền Nam dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Minh Hiếu
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành Trung ương và hàng ngàn người dân, đồng bào miền Nam dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Minh Hiếu
Đọc diễn văn khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh nêu rõ đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, không chỉ là dịp để chúng ta gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm xúc động, nghĩa tình trên đất Bắc, mà còn là dịp để chúng ta tự hào về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc, nhắc nhở chúng ta về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tình cảm "Bắc - Nam một nhà", không thể nào chia cắt.
"70 năm đã trôi qua, nghĩa tình của nhân dân miền Bắc, trong đó có nhân dân tỉnh Thanh Hóa dành cho đồng bào miền Nam tập kết, thêm lần nữa khẳng định chân lý "Bắc - Nam một nhà", "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một"; là bài học kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc"- Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Minh Hiếu
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh trong giờ phút trang nghiêm này, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, chúng ta kính cẩn nghiêng mình, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh quên mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng gửi lời thăm hỏi thân tình đến gia đình và thân nhân của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam - Bắc, những người đã đóng góp xương máu, sức người, sức của để tạo nên thành công của cuộc chuyển quân, đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc lớn chưa từng có trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc. Ảnh: Minh Hiếu
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, 70 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc đã trở thành dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc, trong trái tim của biết bao thế hệ đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam - Bắc; là bài học vô giá về "ý Đảng, lòng dân"; biểu tượng sáng ngời của tinh thần đại đoàn kết và khẳng định chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi".
Để phát huy sức mạnh của truyền thống lịch sử văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện tập kết ra Bắc, các tỉnh, TP trên cả nước, nhất là các tỉnh, TP có vai trò quan trọng trong tập kết ra Bắc như: Thanh Hóa, Đồng Tháp, Cà Mau, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả; trong chiến tranh chúng ta đã nhường cơm sẻ áo, trong hòa bình chúng ta phải chung sức, đồng lòng, phát huy tối đa sức mạnh mỗi địa phương và tương trợ lẫn nhau vì một nước Việt Nam phát triển và hội nhập.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành công trình tượng đài "con tàu tập kết". Ảnh: Minh Hiếu
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc để lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng và quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc tiền bối cách mạng, của các anh hùng liệt sĩ và nhân dân ta... đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Các tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Minh Hiếu
Tại lễ kỷ niệm, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ khánh Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Công trình được xây dựng từ tháng 8-2022. Sau gần 2 năm khởi công xây dựng, các hạng mục công trình khu A nổi bật có tượng đài "con tàu tập kết" đã hoàn thành. Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc, là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ người Việt Nam, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến Sầm Sơn.
Tuấn Minh
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/70-nam-tap-ket-ra-bac-dau-an-sau-dam-trong-lich-su-dan-toc-196241027221727111.htm