70 năm trước, Tiếng nói Việt Nam về lại Thủ đô

70 năm trước, Tiếng nói Việt Nam về lại Thủ đô
4 giờ trướcBài gốc
Tuần đầu tháng 10/1984, tròn 30 năm giải phóng Hà Nội, cụ Nguyễn Cung, cán bộ kỹ thuật, một trong những người xây nền đắp móng đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) gọi tôi xuống nhà cùng uống trà vui câu chuyện.
Chả là cụ vừa được Tổng Biên tập Trần Lâm biếu gói chè Hồng đào thơm ngon. Vui câu chuyện cụ Nguyễn Cung kể: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ai cũng muốn hỏi thủ trưởng bao giờ được về lại Thủ đô nhưng sợ lạc quan tếu nên không dám mở lời.
Ngày đầu tháng 10/1954 trong khi anh chị em phóng viên, biên tập cuốn vào tin tức, bài vở thì Tổng Biên tập Trần Lâm dành thời gian làm việc với bộ phận kỹ thuật. Linh tính mách bảo cuộc họp này là quan trọng nên tôi ăn mặc khá chỉnh tề, tay khư khư cuốn sổ công tác đã sờn gáy, kẹp sẵn chiếc bút máy ca lô màu xanh rêu, vetxy căng phồng mực xanh.
Liếc nhanh gương mặt tôi ông Lâm hỏi nhỏ: “Hình như bác Cung muốn nói gì?”. Tôi nhìn thẳng Tổng Biên tập, mắt sáng lên, giọng run: “Có phải sắp về Hà Nội phải không thủ trưởng?’ Ông Lâm chậm rãi: “Sao bác nghĩ vậy?”. Tôi từ tốn: “Kinh nghiệm thôi mà… Cứ mỗi lần chuyển địa điểm, anh đặt tay lên vai tôi, giọng nhỏ mà chắc, tin cậy: “Lại phải di dời thôi bác ạ!”.
Lần này anh không nói, nhưng ánh mắt vẫn quan trọng, vẫn tin cậy như 13 lần trước. Tôi nghĩ vậy có đúng không?” Ông Trần Lâm đặt cả hai tay lên hai vai tôi, cười khà khà: “Đúng là không có gì qua mắt được ông già kỹ thuật!”.
Hàng vạn người dân Hà Nội tràn ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng về giải phóng Thủ đô ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, sáng 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Theo Hiệp định Giơnevơ thì đến ngày 10/10/1954 lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội, và cũng là thời khắc quân ta tiến vào tiếp quản thủ đô. Ngày hôm đó, Đài TNVN phải phát sóng ngay ngoại vi Hà Nội. Địa điểm mới phải bảo đảm 2 điều kiện là sát Hà Nội và khi có trụ sở ở trung tâm thành phố sau 10/10 thì nhanh chóng hội quân. Vậy là lần thứ 14, trách nhiệm tìm địa điểm mới trên đường hành quân lại đặt lên vai ông Nguyễn Cung.
Tổng Biên tập giao xong việc rồi tất tả vừa chạy vừa đi về phòng biên tập đang bộn bề công việc. “Bố già” Nguyễn Cung đứng hồi lâu trước cánh cửa liếp khép hờ. Hoàng hôn đang buông nhanh trên đỉnh núi thác Đầu Đẳng.
Đàn chim kiếm ăn từ hồ Ba Bể lượn về, sà xuống rừng cây cuối bản kêu ríu ran. Vậy là lần này “bố già” không phải lên núi cao, khe sâu, cau mày, nhíu mặt tìm địa điểm mà phóng tầm mắt về đồng bằng, gởi gắm chỗ trú chân thật ngắn, thật gần trước khi về lại Hà Nội, ở lại mãi mãi với Thủ đô. Bất giác, ông nói một mình, cho mình nghe, thật to: “Về thôi!”.
Bố già Nguyễn Cung quay trở lại con đường ra đi từ mùa đông năm 1946, dừng lại ở Hát Môn, quá đập Phùng, bên dòng sông Đáy, chọn nơi lập đài phát thanh tạm thời. Nơi đây hơn hai nghìn năm trước, hai Bà Trưng đã chọn dòng sông Hát để tuẫn tiết cho tận trung với Nước, tận hiếu với dân, tỏ rõ khí khái người nước Nam bất khuất trước giặc ngoại xâm.
Đứng ở đây, phía trước là Hà Thành, phía sau là núi Tản, sông Đà, nơi địa linh nhân kiệt sẽ là bước đệm tốt đẹp cuối cùng của Đài TNVN trên dặm dài hành quân kháng chiến. Người thợ già Nguyễn Cung ngắm mãi cỗ máy phát thanh kiểu KB 1,8/5 tối tân của Liên Xô thời bấy giờ. Máy phát cả phần tín và thoại, trong đó, chỉ tiêu phát thanh khá tốt. Được chuyên gia Trung Quốc Lý Hiếu Húc hướng dẫn, cùng làm việc tận tình nên trong thời gian ngắn, máy móc thiết bị lắp đặt xong, chạy thử an toàn.
Ngày 10 tháng 10 năm 1954, Đài TNVN phát đi từ Hát Môn, cách Hà Nội chừng 30 cây số, Đài Bó Lù, bên hồ Ba Bể hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình.
Cụ Nguyễn Cung nhớ lại: “Sáng hôm ấy lạ lùng lắm, ai cũng dậy thật sớm, ngửa mặt ngắm trời, ngắm đất, nhìn núi, gặp nhau ai cũng hỏi: “Chuẩn bị xong chưa?”, hay “Về nhà thôi chứ!” thay câu chào đầu ngày. Tôi là người hay tẩn mẩn ghi chép, nhưng thú thật lúc ấy, cả niềm vui và nỗi nhớ cứ ập xuống, cứ cuộn lên chặt cứng lòng ngực nên không thể cầm bút viết được nữa. Tất cả, hết thảy chất vào trí nhớ. Tôi cũng không còn nhớ là các cỗ máy được xếp lên xe, đưa xuống thuyền như thế nào nữa. Những lần di chuyển trước, tôi thận trọng lên kế hoạch vận chuyển thiết bị từng chặng, từng cung đường một cho từng phương tiện, từng nhóm người, nhưng lần này chỉ một cung đường Bó Lù – Hà Nội, chỉ một đoàn người “Chiến thắng trở về”. Nói như nhạc sỹ Cầm Phong (Đỗ Lạc) ai cũng có nốt lặng lâu nhất, sâu đậm nhất, để sau đó ngân lên thăm thẳm là ôm ghì, nắm chặt tay từng cán bộ, bà con bản Bó Lù ra tiễn.
Bia di tích nơi làm việc của Đài Tiếng nói Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp tại Ba Bể, Bắc Kạn: “Tại vùng Ba Bể này, đồng bào đã giúp đỡ, che chở để Đài TNVN hoàn thành nhiệm vụ từ 10/1947 đến 10/1954”.
Ông Nguyễn Văn Kế, người đầu bếp tận tụy kiêm vận chuyển xăng dầu an toàn đầy đủ cho nhà Đài kháng chiến kể lại cho tôi nghe phút giây thật cảm động này, nước mắt rân rấn. “Trước khi rời Bó Lù, Bắc Cạn tôi hứa với lòng mình là dăm bữa nửa tháng sẽ lên thăm bà con một lần. Ấy thế mà về đến Hà Nội, công việc ngập đầu, ngập cổ, đến mấy năm vẫn chưa một lần trở lại thăm chốn cũ, tôi ân hận và xấu hổ vô cùng. Lúc nào tôi cũng thấy mình đang nặng nợ với bà con Việt Bắc, nhất là với Bản Đung, Bó Lù".
Ông Kế đã kể cho tôi nghe hết mọi chuyện (trừ những việc sống để dạ, chết mang theo). Tôi đã ghi chép đầy đủ, nhưng tháng sau ông vẫn gửi cho tôi một bản viết tay cho chắc chắn. Tháng sau, ông lại chép thêm một bản nữa, cũng con chữ to đùng, cũng nét ngang, dọc xiêu vẹo như hàng rào nứa bua quây vườn rau cải một thời ở Bản Đung. Cả hai bản viết tay, ông đều nói đi nói lại một điều: “ Phải làm một cái gì đó cho bàn con những nơi Đài đã trú chân trong kháng chiến thật ý nghĩa. Bác Hồ từng bảo: uống nước phải nhớ nguồn kia mà”.
30 năm sau, ông Nguyễn Cung đã ở tuổi quên nhiều hơn nhớ, nhưng rạng sáng hôm ấy thì nhớ vô cùng, như mới xảy ra ngày hôm qua, hôm kia. Đêm trước, cứ bồn chồn, rạo rực, không tài nào ngủ được. Sáng ra sương giăng mặt đất như chiếc màn khổng lồ chiều người ngủ muộn. Ông bật dậy cùng nhóm thợ kỹ thuật cuối cùng rời Bó Lù. Không ai nghĩ đến dừng xe, nghỉ ngơi, chẳng ai biết đến đường rừng quanh co, xóc nẩy người, chỉ thấy chiếc xe trôi xuống đèo, chạy dài về phía trước, cho đến quá ngọ ngày hôm sau đã nhìn thấy cầu Long Biên. Về đến Hà Nội thật rồi.
Ông sững lại, nhìn vào gương xe, vẫn mặc bộ áo quần nâu, nón lá, dép cao su. Chẳng lẽ người nhà Đài về lại thủ đô văn vật mà như người đồng rừng thế này ư? Ý nghĩ bất chợt ấy thoáng qua nhanh, “bố già” cho dừng xe, đứng thẳng người, hít căng lồng ngực không khí của đồng bằng, của phố phường mà gần chín năm qua chưa một lần được hưởng. Dù ăn mặc thế nào đi nữa, ta vẫn là người chiến thắng trở về, không hổ danh với Thăng Long kinh kỳ. Anh lái xe chợt hỏi: “Bố già ơi, bây giờ cho xe về đâu?” Ừ nhỉ. Rời Bó Lù chỉ biết điểm đến là Hà Nội, thế là đủ, chẳng ai hỏi thêm là tập kết ở nhà nào, phố nào. Bởi lúc ấy ai cũng hiểu cả Hà Nội là nhà, là điểm hẹn cuối cùng. Ông Cung hỏi lại: “Xăng còn nhiều không?” Anh lái xởi lởi: “Dư sức đi quanh Hà thành bố ạ”.
- Thế thì đi. Đi chầm chậm thôi nhé!
Ông Cung ra lệnh mà như nói với chính mình. Xe đi qua phố Phạm Ngũ Lão, chạy chậm qua quãng trường Nhà hát lớn, vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm rồi dừng lại hồi lâu trước phố Đinh Lễ, nơi làm việc đầu tiên của Đai TNVN. Anh lính gác cho biết là chưa có người phát thanh về đây, ông Cung cho xe vòng qua Hồ Gươm một lần nữa. Phố phường Hà Nội không thay đổi mấy, vẫn nhà đèn Yên Phụ bé nhỏ lặng lẽ nhả khói đen lên trời cao, vẫn những cửa hàng tạp hóa đủ màu xanh đỏ tím vàng, vẫn những hàng sấu, me, xà cừ, cơm nguội, hoa sữa, bằng lăng như những lính gác cần mẫn từng con phố. Có khác chăng là gương mặt người Hà Nội rạng rỡ, gặp ai cũng nói cười…Và đặc biệt khác là không thấy, không gặp một “mắt xanh mũi lõ” nào.
Gặp lại ông Nguyễn Văn Nhất bên Bờ Hồ, ông Nguyễn Cung mừng quá, như reo lên:
- Quân ta đóng ở đâu, đồng chí biên tập?
Hai ông ôm chầm lấy nhau như anh em lâu ngày gặp lại rồi cùng lên xe đến đỗ trước cổng hai nhà Tây bên cạnh quãng trường Ba Đình. Xe đứng đợi cả tiếng đồng hồ. Mấy anh thợ trẻ sốt ruột đứng ngồi không yên. Ông Cung chạy lên đầu phố ngắm mãi những nóc nhà Tây, mái ngói đỏ au lấp lóa trong rặng cây xanh.
Ngày 2/9/1945, ông cùng anh em căng dây ăng ten lên đó, thử máy phát sóng, truyền đi lời Bác Hồ long trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bây giờ, mái ngói vẫn đỏ, cây vẫn xanh, và biết bao đồng chí, đồng đội của ông đã “xanh cỏ” nơi chiến khu cho chiến thắng “rợp đỏ cờ hoa”này. Bất giác, ông nhớ đến ông Trần Kim Xuyến, Nguyễn Hữu Bản, bà Tâm cấp dưỡng…Sau ngày ông Xuyến và ông Bản hy sinh, anh em kỹ thuật đã có sáng kiến tự lắp máy thu tin và đặt tên là máy “X – B 2”, lấy hai chữ đầu tên của hai đồng chí, đồng nghiệp đã anh dũng hy sinh.
Mãi đến cuối chiều xe mới được vào trong kho của bưu điện ở đầu phố Ông Ích Khiêm, một cơ sở phát tin của bưu điện. Lắp xong máy phát Cenco và “quan tài”, đang chạy thử thì ông Trịnh Lý Thản chuyển máy KB 1,8/5 từ Hát Môn về cùng với chuyên gia Lý Hiếu Húc lắp đặt.
Ông Hoàng Sước phụ trách đài phát sóng ở Ông Ích Khiêm. Ông mới tốt nghiệp trường ESE ở Pháp về, là đảng viên đảng Cộng sản Pháp. Ông giỏi toán, giàu kiến thức VTĐ và biệt tài về ngoại ngữ. Ông nói, viết tiếng Pháp như tiếng Việt. Mới tiếp xúc ít ngày ông đã nói và hiểu được tiếng Nga và tiếng Hoa. Ở đài phát sóng Ông Ích Khiêm lúc bấy giờ còn có ông Kỳ, ông Đậu.
Mãi sau này (theo cách nói của người nhà Đài là có thời gian để thở) ông Nhất mới có dịp giải bày với “già Cung” vì sao gặp lại nhau ở Bờ Hồ mà thời gian nghiệt ngã đến mức chưa nói với nhau được điều gì.
Ông Nguyễn Văn Nhất nhỏ nhẹ: “Lúc rời Bó Lù về Hà Nội, chúng mình nghĩ sẽ có chút thời gian nghỉ ngơi. Bà Ngân, bà Ý còn lạc quan là sẽ dẫn các con đi thăm thú phố phường. Ai dè, công việc ngập đầu ngay từ ngày 10 tháng 10. Đi trong đoàn quân vào giải phóng thủ đô, đội quân Đài TNVN đã nhanh chóng tiếp quản đài phát thanh Con Nhạn của ngụy quyền tại 56 – 58 Quán Sứ. Cậu có biết thế nào không? Cả ba ngôi biệt thự dùng làm trụ sở biên tập, đài bá âm của chính quyền cũ trống trơn. Cái gì không gỡ đi được thì chúng đập phá. Đài phát sóng Bạch Mai cũng như thế. Ấy thế mà trong 10 ngày, chúng mình tổ chức bộ phận biên tập ở 58, còn 56 Quán Sứ giành cho đài Bá âm.
Đến ngày 20 tháng 10 năm 1954, Đài phát sóng từ phố Ông Ích Khiêm, đồng thời chấm dứt hoạt động của đài phát sóng Hát Môn. Vậy là anh chị em kỹ thuật từ Hát Môn về tập trung khôi phục, xây dựng lại đài phát sóng Bạch Mai ở 128C Đại La. Nghe mình kể hết mọi sự bề bộn của công việc, ông Cung mới nở nụ cười cảm thông: “Tôi biết, tôi hiểu mà, những lúc như thế này, kỹ thuật bận rộn một thì biên tập cũng vất vả không kém. Miễn là chúng mình hiểu nhau, có phải không, nhà biên tập”.
6h sáng ngày 20/12/1946, Đài TNVN phát đi từ Chùa Trầm, thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Đông, cách Hà Nội 30 cây số với danh xưng: “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” để đồng bào chiến sỹ thủ đô thấy đài Quốc gia vẫn gần gũi, cùng sát cánh chiến đấu. Đầu năm 1947 rời Chùa Trầm lên Phú Thọ lời xướng của Đài thay đổi là “phát thanh gần Hà Nội”.
Khi Đài phát sóng ở Đa Năng, Tuyên Quang cho đến hết thời gian kháng chiến thì lời xướng chỉ ngắn gọn: “Đây là Tiếng nói Việt Nam”.
Đúng 6 giờ sáng ngày 10 tháng 10 năm 1954, đài Quốc gia phát đi từ Hát Môn với danh xưng đầy đủ: “Đây là Tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, sau này kể lại với ông Trần Lâm: “Khi nghe lại câu này sau chín năm kháng chiến, tôi đã xúc động không cầm được nước mắt. Tôi nghĩ cảm xúc chung của đồng bào ta trong cả nước và Việt kiều ở nước ngoài có lẽ cũng như vậy”.
Nhà báo Vĩnh Trà/VOV
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/70-nam-truoc-tieng-noi-viet-nam-ve-lai-thu-do-post1126629.vov