75% bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn muộn

75% bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn muộn
2 ngày trướcBài gốc
Ngày 26/3, chia sẻ tại hội thảo góp ý kế hoạch Chương trình tiếp cận sức khỏe phổi Việt Nam, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là các bệnh lý về phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản và ung thư phổi, trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật tại Việt Nam.
Đặc biệt, ung thư phổi hiện đứng thứ ba về số ca mắc mới nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong tại Việt Nam. "Hơn 24.000 ca mắc mới mỗi năm, nhưng tới 75% người bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn, khiến tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ chưa đến 15%", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.
PGS.TS Đỗ Hùng Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, cơ sở này ghi nhận khoảng 12.000 lượt khám/năm liên quan bệnh lý u phổi; điều trị khoảng 3.200 bệnh nhân/năm.
Tỷ lệ sống sau 5 năm chia theo giai đoạn phát hiện của bệnh nhân ung thư phổi. Nguồn: Bệnh viện K
Bác sĩ Kiên cho biết, ở giai đoạn sớm, ung thư phổi không có triệu chứng hoặc nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh lý hô hấp khác, dễ bỏ sót. Khi có các triệu chứng chứng hô hấp, u xâm lấn thành ngực, hội chứng chèn ép, triệu chứng di căn... thì bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn.
PGS Kiên cho biết, nếu phát hiện sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư phổi lên tới hơn 90%, nhưng ở giai đoạn "cuối của cuối" (như giai đoạn 4B), tỷ lệ này chỉ dưới 1%.
Do cơ hội sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư phổi phát hiện muộn rất ít ỏi, theo PGS Kiên, cần tăng cường sàng lọc chẩn đoán ở giai đoạn sớm của bệnh.
Đáng nói, tại Việt Nam, triển khai sàng lọc ung thư phổi có nhiều khó khăn. BHYT chưa chi trả cho các phương pháp sàng lọc... Một số thuốc không sẵn có tại cơ sở y tế nên khó điều trị cá thể hóa.
Việt Nam cũng chưa có quy trình chuẩn trong sàng lọc ung thư phổi sử dụng chụp CT liều thấp trên nhóm người nguy cơ cao tại cộng đồng.
Tầm soát ung thư phổi được khuyến cáo cho người có nguy cơ cao hằng năm hoặc 2 năm. Người có nguy cơ cao được xác định như: Tuổi từ 50-75; có lịch sử hút thuốc hơn 20 gói/năm; người không hút thuốc tuổi từ 50-75, có tiền sử ung thư phổi ở người thân bậc một.
Chương trình Sức khỏe Phổi Việt Nam giai đoạn 2025-2027 dự kiến được thiết kế với các hợp phần như: Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở; thúc đẩy tầm soát, chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả các bệnh phổi không lây nhiễm; ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn trong theo dõi và quản lý bệnh...
Ung thư phổi
Bệnh ung thư hay gặp, khó phát hiện nhất và kết quả điều trị hiệu quả thấp, gây tử vong nhiều nhất hiện nay là ung thư phổi. Tại Việt Nam, sau ung thư gan, ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm thứ hai ở cả nam và nữ. Vậy ung thư phổi là gì? Ung thư phổi có mấy giai đoạn, triệu chứng, nguyên nhân ung thư phổi như thế nào? Hiện nay, theo các kết quả nghiên cứu, bệnh ung thư phổi được chia thành 2 loại: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Võ Thu
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/24-000-ca-mac-moi-ung-thu-phoi-moi-nam-75-duoc-phat-hien-o-giai-doan-muon-2384664.html