Cựu chiến binh Skoryak chia sẻ về sự gắn bó Nga - Việt.
Thủ phủ của tỉnh Sversdlovsk Ekaterinburg là thành phố lớn nằm ở miền trung nước Nga, thuộc khu vực phía Đông của dãy núi Ural hùng vĩ, nơi có đường biên giới phân chia châu Âu và châu Á. Cộng đồng người Việt Nam tại đây hình thành khá muộn, vào khoảng năm 1993 vì trước đó, Ekaterinburg là thành phố quân sự nên cấm người nước ngoài. Cho đến nay cộng đồng người Việt tại đây có khoảng vài trăm người, không đông song ổn định về số lượng, được chính quyền sở tại đánh giá cao.
40 năm qua sau quãng thời gian tập trung xây dựng kinh tế, người Việt tại tỉnh Sverdlovsk còn ý thức lan tỏa văn hóa truyền thống, khẳng định vị trí của mình trong xã hội bằng nhiều hình thức. Đến nay nền văn hóa ấy cùng những gắn bó Nga-Việt có thể được chứng kiến tại phòng trưng bày “Việt Nam-Đất nước-Con người” – một góc Việt Nam tại khu chợ sầm uất nhất tại thành phố.
Phòng trưng bày được bố cục đơn giản nhưng hết sức trang trọng. Ở chính giữa là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại đây các vị khách tham quan có thể được xem phim tư liệu về chuyến thăm thành phố của Người và một số hình ảnh khi Bác đến công tác tại Liên Xô trước đây.
Hình ảnh Việt Nam hiện đại đến với các bạn Nga qua những bức ảnh về các địa danh nổi tiếng, những di sản thiên nhiên, những danh lam thắng cảnh của Việt Nam.
Thành tích trong hoạt động của Hội người Việt cũng như những hiện vật về sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam như minh chứng cho chiều sâu ba phần tư thế kỷ của quan hệ Nga-Việt.
Các hiện vật về lịch sử Việt Nam tại phòng trưng bày “Việt Nam - Đất nước - Con người”.
Trung tá Valery Skoryak từng giúp đỡ lực lượng phòng không Việt Nam và có mặt tại Việt Nam bom đạn năm 1970. Bản thân ông mang theo về Nga hậu quả của chiến tranh, nó để lại di chứng lên người con trai. Trước sự không may ấy, các cơ quan, hội ngành Việt Nam đã kịp thời hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho gia đình vị cự chuyên gia quân sự Liên Xô vì sự hy sinh cho Việt Nam, vì đạo lý người Việt “uống nước nhớ nguồn”.
Cựu trung tá Valery Skoryak xúc động chia sẻ, Tổng lãnh sự qua các thời kỳ và Chủ tịch Hội người Việt Lê Thành Độ đã luôn quan tâm, thăm hỏi gia đình và có những hỗ trợ kịp thời. Với ông, tham dự các sự kiện của người Việt như một chuyến về thăm lại mảnh đất, nơi ông gọi là “tình yêu và nỗi đau”, nơi tình cảm Nga-Việt được trân quí.
Phòng trưng bày cũng là địa chỉ “đỏ” trong quảng bá truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam tới các bạn trẻ, các em thiếu niên, nhi đồng người Việt sinh ra và lớn tại thành phố Ekaterinburg.
Bạn Nguyễn Thanh Hiếu, nghiên cứu sinh trường Đại học tổng hợp liên bang Ural, ngoài giờ học còn tham gia là hướng dẫn viên tại Phòng trưng bày: “Đối với em và nhiều bạn trẻ ở đây, phòng lưu niệm không chỉ có ý nghĩa là cầu nối nối hai nền văn hóa, mà còn là nơi em có thể giới thiệu đến các bạn Nga về văn hóa của Việt Nam, để các bạn có thể hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam”.
Khi mỗi kiều bào đang lần lượt an cư lạc nghiệp nơi “đất lành chim đậu” ở Ekaterinburg như nhiều người công nhận, cộng đồng cũng có được “Ngôi nhà văn hóa” chung, từ đó sự gắn kết với quê hương như hiện hữu hơn, mối quan tâm đến tình hình đất nước ở các kiều bào cũng thường trực hơn.
Khách tham quan phòng trưng bày “Việt Nam - Đất nước - Con người”.
Ông Lê Thành Độ, chủ tịch Hội người Việt tại tỉnh Sverdlovsk và cũng là người khởi xướng ý tưởng lập Phòng trưng bày tâm sự, cộng đồng xa Tổ quốc nhưng luôn hướng về Tổ quốc và luôn theo dõi sự phát triển của xã hội Việt Nam. Gần đây Nhà nước có nhiều chính sách mới, về luật lệ giao thông, về tinh giản bộ máy... Dẫu kiều bào không hoàn toàn là người thụ hưởng trực tiếp những chính sách mới ấy, song khi đất nước phát triển văn minh, sạch đẹp, hiện đại, bắt kịp xu thế thế giới thì kiều bào có thêm niềm tự hào và động lực để đóng góp phần mình cho công cuộc đổi mới quê hương.
Cộng đồng hơn 80 nghìn người Việt có mặt ở hầu hết các thành phố lớn của Liên bang Nga. Những “góc nhỏ Việt Nam” có thể xuất hiện ngày càng nhiều dù ở bất cứ đâu cũng đều là “núm ruột” của mảnh đất hình chữ S, dẫu xa xôi, dẫu nhỏ bé, nhưng luôn là một bộ phận không thể tách rời. Mỗi góc ấy là niềm tự hào, là động lực của bà con kiều bào trong bước đường phát triển, hội nhập, đóng góp vào mối quan hệ hữu nghị thủy chung Việt - Nga đã đi qua ba phần tư thế kỷ.
Bài và ảnh: Tâm Hằng - p/v TTXVN tại Nga