Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài
Thay mặt Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.
Theo báo cáo này, tính đến cuối năm 2024, 13/22 bộ, cơ quan ngang bộ có nữ là lãnh đạo chủ chốt, chiếm 59%. Tỷ lệ này không đổi so với năm 2023.
Cũng theo Bộ Nội vụ, đến hết năm 2024, tỷ lệ các cơ quan thuộc Chính phủ có nữ là lãnh đạo chủ chốt là 1/8, chiếm 12,5%.
48/63 chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ, tăng 2% so với năm 2023. Tỷ lệ này ở chính quyền cấp huyện là 44,56% và ở cấp xã là 46,58%.
Theo mục tiêu đặt ra trong chiến lược năm 2023, trong lĩnh vực chính trị, đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, đến cuối năm 2024, báo cáo cho thấy số lao động nữ có việc làm khoảng 24,2 triệu người, chiếm 46,6% lao động có việc làm cả nước. Trong đó, số lao động nữ làm công hưởng lương khoảng 50,9%.
Tỷ lệ nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 25,5% tổng số lao động nữ có việc làm. Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là 28,2%.
Theo báo cáo, năm 2024, Việt Nam xếp hạng 72/146 quốc gia về bình đẳng giới, tăng 11 bậc so với năm 2022. Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và chất lượng; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 đạt 30,26%.
Ngày 9/4/2024, Hội đồng Kinh tế - xã hội Liên Hợp Quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng chấp hành cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nhiệm kỳ 2025-2027, khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Đánh giá chung về kết quả đạt được, báo cáo cho thấy lĩnh vực bình đẳng giới đang nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội chú trọng việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm và trong các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội thông qua.
Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Các văn bản quy phạm pháp luật khi được xây dựng hoặc sửa đổi bổ sung đều được đánh giá tác động, thực hiện lồng ghép giới đối với những văn bản có vấn đề về giới.
Công tác truyền thông về bình đẳng giới tiếp tục được tăng cường với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về thực hiện bình đẳng giới.
Tính đến cuối năm 2024, đã có 13/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025, có 1/20 chỉ tiêu đạt 1 phần so với mục tiêu đề ra đến năm 2030. Việc thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược sẽ đóng góp vào kết quả thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, cũng như các Mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam tham gia.
An Nhiên