1. Tránh tức giận: Theo Bright Side, đối với một số người, phản ứng đầu tiên khi đối mặt với thái độ hạ thấp có thể là tức giận. Nhưng hãy nhớ, tức giận sẽ chỉ càng khiến bạn tổn thương thêm, đó cũng là phản ứng để đối phương hiểu rằng họ đã thành công. Ngoài ra, sự tức giận cũng dẫn đến nhiều xung đột hơn. Khi tức giận, bạn cũng không thể có suy nghĩ thấu đáo để đảo ngược tình thế, khiến bản thân trở bên đáng thương trong mắt người khác.
2. Suy nghĩ đơn giản hơn: Đôi khi, mọi người không thực sự nhận thức được hành vi của chính mình, vì vậy, họ có thể đưa ra những nhận xét tiêu cực mà chính họ cũng không biết. Trong số này, không loại trừ những người đang lấy chính nỗi sợ hãi và định kiến của bản thân để áp đặt lên người khác. Bạn nên suy nghĩ đơn giản hơn, chấp nhận những lời nói mà họ đang nhắc đến chính là tình huống của họ mà không phải tình huống của mình. Bằng cách đó, bạn có sự đồng cảm lớn hơn với người khác và sẽ không để những lời nhận xét của họ làm tổn thương.
3. Bình tĩnh trước khi phản hồi: Khi bạn cảm thấy một nhận xét hoặc hành động của người khác đã xúc phạm bạn, điều tốt nhất nên làm là hít một hơi thật sâu và dành thời gian tĩnh tâm trước khi phản ứng. Điều đó sẽ giúp bạn có được nhiều góc nhìn hơn về những gì vừa xảy ra, từ đó có thể đưa ra quyết định tốt hơn. Thay vì phản ứng theo bản năng, bạn có thể chọn con đường cao hơn và đưa ra một phản hồi bình tĩnh trước một nhận xét tiêu cực.
4. Luôn hành xử thân thiện: Trong cuộc sống, một số người có xu hướng hay chỉ trích hoặc sử dụng những từ ngữ có thể làm tổn thương người khác. Tuy nhiên, cách bạn phản ứng mới là điều quan trọng. Để tránh xung đột, bạn có thể chọn một trong hai cách giải quyết sau: Chấp nhận nhận xét - cho người đó biết, một cách bình tĩnh, rằng những gì họ đang nói là đúng và bạn ổn với điều đó. Từ chối nhận xét - Tử tế nhưng quả quyết, hãy cho họ biết rằng những gì họ đang nói là sai, nhưng bạn không để tâm đến điều đó.
5. Yêu cầu giải thích: Đôi khi, những lời xúc phạm không rõ ràng và dễ nhận biết, và chúng thậm chí có thể được ngụy trang dưới dạng lời khen, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể ngăn chặn chúng. Tất cả những gì bạn cần làm là yêu cầu một lời giải thích về những gì họ đã nói. Ở trường hợp lý tưởng, câu nói của đối phương không có ý định xúc phạm, chỉ là hiểu lầm. Nhưng nếu đó là một sự xúc phạm, bạn có thể hành xử thân thiện như trên, thay vì tức giận, ấm ức trong lòng.
6. Phớt lờ người đang hạ thấp bạn: Đây là một mẹo hữu ích cần ghi nhớ khi ai đó đã vượt quá giới hạn của họ và bạn cảm thấy bị thiếu tôn trọng. Bằng cách phớt lờ, đối phương có thể sẽ hiểu rằng bạn sẽ không dành thời gian cho những bình luận gây khó chịu hoặc tiêu cực của họ. Đó cũng là một cách để cho họ biết rằng họ không có tác động gì đến bạn. Bạn vẫn có thể tiếp tục cuộc trò chuyện mà bỏ qua những chi tiết bản thân cảm thấy không phù hợp. Chỉ với việc phớt lờ, bạn đã thiết lập ranh giới với đối phương mà không cần thể hiện thêm thái độ hoặc lời nói nào khác.
7. Sử dụng khiếu hài hước: Biến cơn giận thành niềm vui bằng sự hài hước của bản thân là một giải pháp tuyệt vời trong một số tình huống bị châm chọc. Đây là một cách để cho họ thấy rằng bạn sẽ không tham gia vào trò chơi của họ, đồng thời giúp bạn giảm căng thẳng. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng điều này có thể phản tác dụng nếu người kia hiểu sai ý của bạn.
8. Giữ khoảng cách với những người độc hại: Đôi khi, bạn sẽ gặp phải những kẻ đang tìm người để cố ý gây chuyện. Lúc này đừng quá khắt khe, bởi chính chúng ta cũng có lúc không thể kiểm soát được cảm xúc của mình và cuối cùng biến mọi chuyện thành một vấn đề lớn. Trong mọi trường hợp, điều tốt nhất nên làm là giữ khoảng cách với những người này một cách lành mạnh. Nếu thường xuyên gặp, hãy hạn chế nói chuyện để không gây ra cuộc xung đột lớn.
Ngọc Bích
Ảnh: Pexels