8 học sinh cùng lớp ở Thái Bình mắc sởi, lưu ý gì để bảo vệ sức khỏe trong đợt dịch?

8 học sinh cùng lớp ở Thái Bình mắc sởi, lưu ý gì để bảo vệ sức khỏe trong đợt dịch?
một ngày trướcBài gốc
Trước đó, vào khoảng 15h ngày 29/3, CDC Thái Bình nhận được thông tin xuất hiện các trường hợp học cùng một lớp có tiếp xúc với ca dương tính với sởi tại Trường THCS Trần Phú, TP Thái Bình.
CDC Thái Bình đã cử đoàn giám sát tiến hành điều tra và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Y tế TP Thái Bình chỉ đạo, triển khai các hoạt động xử lý nhanh phòng, chống dịch tại thực địa.
Kết quả giám sát, xử lý ban đầu cho thấy, ngày 24/3, bệnh nhi N.T.H (học sinh lớp 7A6, Trường THCS Trần Phú) có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, được gia đình cho uống thuốc, điều trị tại nhà.
Đến ngày 26/3, bệnh nhi có xuất hiện nổi ban vùng mặt, lưng và lòng bàn tay, sốt cao, được nhập Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa, khám và xét nghiệm chẩn đoán dương tính sởi. Sau đó bệnh nhi được kê đơn thuốc và điều trị tại nhà (bệnh nhi nghỉ học từ ngày 27/3).
(Ảnh minh họa từ Internet)
Ngày 27/3, tại lớp 7A6, Trường THCS Trần Phú ghi nhận thêm 8 trường hợp học sinh có biểu hiện sốt cao, người mệt mỏi, xuất hiện ban rải rác trên da vùng mặt, lưng và lòng bàn tay, bàn chân. Các trường hợp nghi ngờ đều được gia đình tự theo dõi, điều trị tại nhà, không được xét nghiệm sàng lọc tại bệnh viện.
Ngày 29/3, sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm Y tế TP Thái Bình, CDC Thái Bình đã cử đoàn giám sát, điều tra chùm ca bệnh nghi sởi tại lớp 7A6, lấy mẫu xét nghiệm 7/8 trường hợp có biểu hiện bệnh (1 trường hợp còn lại gia đình không đồng ý lấy mẫu).
Kết quả ghi nhận 7/7 mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính sởi. Hiện tại, các bệnh nhi được gia đình theo dõi điều trị tại nhà, không có trường nào điều trị tại bệnh viện.
Tại Phú Yên, Khoa hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Yên trong những ngày qua lúc nào cũng có các ca trẻ bị mắc sởi nặng. Các bé nhập viện trong tình trạng suy hô hấp. Ngày 31/3, có 3 ca phải thở ô xy. Còn ở Khoa Nội nhi, số trẻ mắc sởi đang điều trị cũng gia tăng. Bình quân mỗi ngày điều trị khoảng 25 trẻ mắc bệnh sởi.
Sởi là bệnh truyền nhiễm chưa có thuốc đặc trị, có thể gây biến chứng, thậm chí gây tử vong ở trẻ nếu không được chữa trị đúng cách, kịp thời. Nâng cao ý thức và chủ động thực hiện các cách phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em là điều quan trọng giúp bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh nguy hiểm này.
Một số biện pháp phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em hiệu quả
Tiêm vaccine ngừa bệnh sởi ở trẻ em: Tiêm vaccine ngừa sởi đủ mũi và đúng lịch là cách phòng ngừa bệnh sởi ở trẻ em có hiệu quả lên đến 97%. Tùy vào độ tuổi và nhu cầu, bố mẹ có thể cho trẻ tiêm vaccine ngừa sởi đơn như, MVVac (Việt Nam) hoặc vaccine phối hợp như Priorix (Bỉ), MMR II ( Mỹ) phòng ngừa 3 bệnh sởi, quai bị và rubella.
Rửa tay thường xuyên: Thường xuyên vệ sinh, rửa tay với xà phòng khử khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi và đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh. Thói quen này sẽ giúp giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh khi trẻ tiếp xúc với các bề mặt, vật dụng có virus sởi. Bên cạnh đó, cần tắm rửa mỗi ngày, thường xuyên súc miệng và vệ sinh mũi họng với nước muối sinh lý. Điều này giúp tăng đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Giữ vệ sinh nhà cửa: Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, tạo không gian sống thông thoáng, sạch sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh. Đối với các vật dụng cá nhân như chăn gối, ga trải giường… cần được giặt giũ định kỳ.
Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh: Sự lây lan của virus sởi có thể bắt đầu trước khi trẻ phát ban khoảng 4 ngày và kéo dài cho đến 4 ngày sau khi phát ban. Do vậy, để phòng tránh bệnh sởi, cần hạn chế tiếp xúc với người đang bị sởi hoặc đang có dấu hiệu mắc bệnh sởi. Trường hợp bắt buộc, cần đeo khẩu trang kháng khuẩn trước khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên và hạn chế thời gian tiếp xúc với người đang mắc bệnh/có nguy cơ mắc bệnh.
Nếu trong gia đình đang có người mắc bệnh sởi, cần cách ly người bệnh. Trẻ đang bị sởi nên cách ly tại nhà, thông báo cho nhà trường và tạm cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà nhằm hạn chế sự lây lan.
Tăng cường dinh dưỡng và sức đề kháng: Duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ và khoa học giúp tăng đề kháng, phát triển khỏe mạnh và toàn diện. Bên cạnh chế độ ăn có đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu (chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất), cần bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin A, uống nhiều nước, đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày. Ngoài ra, cần tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya và căng thẳng.
Các thực phẩm không lành mạnh, đồ chiên rán, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, nước ngọt có màu sắc và hương vị cuốn hút nhưng lại là những thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Do đó, cần hạn chế ăn những thực phẩm này.
Theo nhiều nguồn tin
Nguồn HHT : https://hoahoctro.tienphong.vn/8-hoc-sinh-cung-lop-mac-soi-luu-y-gi-de-bao-ve-suc-khoe-trong-dot-dich-cang-thang-post1730152.tpo