8 mẹo ngăn trẻ bướng bỉnh, hở ra là ăn vạ

8 mẹo ngăn trẻ bướng bỉnh, hở ra là ăn vạ
20 giờ trướcBài gốc
1. Làm gương cho con cách ứng xử bình tĩnh: Theo Bright Side, trẻ em thường có xu hướng bắt chước hành vi của cha mẹ. Nếu con ăn vạ, cha mẹ cũng mất bình tĩnh và la hét, con sẽ học được cách giải quyết vấn đề bằng cảm xúc tiêu cực. Vì vậy, để dạy con cách kiểm soát cảm xúc, cha mẹ cần làm gương bằng cách giữ bình tĩnh trong mọi tình huống.
2. Đưa ra lựa chọn: Theo các chuyên gia, việc cho trẻ quyền lựa chọn sẽ giúp trẻ cảm thấy mình có quyền kiểm soát, từ đó hợp tác hơn. Ví dụ, thay vì ra lệnh "Con dọn đồ chơi rồi đi đánh răng ngay", cha mẹ có thể hỏi "Con muốn dọn đồ chơi trước hay đánh răng trước?". Việc này giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng và có trách nhiệm hơn với hành động của mình.
3. Giải thích rõ ràng hậu quả có thể xảy ra: Thay vì chỉ nói "Mẹ đã nói rồi, con phải nghe lời", cha mẹ hãy giải thích cho con hiểu rõ những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra nếu con làm điều gì đó sai trái. Việc này giúp con nhận thức rõ ràng về hành động của mình, từ đó học cách đưa ra những quyết định đúng đắn hơn trong tương lai. Giao tiếp cởi mở và giải thích cặn kẽ luôn hiệu quả hơn việc áp đặt mệnh lệnh một cách vô lý.
4. Đánh lạc hướng sự tập trung của trẻ: Trẻ em thường có những hành vi "quậy phá" do cảm thấy buồn chán hoặc chưa được dạy dỗ đúng cách. Vì vậy, cha mẹ có thể thử chuyển hướng sự chú ý của con bằng cách tìm cho trẻ những hoạt động thú vị, mang tính giải trí hoặc kích thích sự tò mò. Điều này giúp trẻ tập trung vào những điều tích cực thay vì những hành vi tiêu cực.
5. Xây dựng thói quen tốt: Để giúp con hình thành những thói quen tốt, cha mẹ hãy tạo một thời gian biểu hàng ngày mà con cần tuân thủ. Ví dụ, quy định giờ tắt TV, giờ làm việc nhà (rửa bát, dọn dẹp), giờ đánh răng và giờ đi ngủ. Để tăng thêm phần hứng thú, cha mẹ có thể thiết kế một bảng theo dõi tiến độ hàng tuần, hàng tháng tháng. Nếu con tuân thủ đúng thời gian biểu trong một tháng (hoặc 1-2 tuần), bạn hãy cho con lựa chọn một phần thưởng xứng đáng. Việc này không chỉ giúp con có nề nếp mà còn tạo động lực để con duy trì thói quen tốt.
6. Thừa nhận cảm xúc của trẻ: Thay vì vội vàng quy chụp con là hư hay nghịch ngợm, cha mẹ hãy thử đặt mình vào vị trí của con để thấu hiểu cảm xúc của con. Cảm xúc chi phối rất lớn đến hành vi của trẻ, vì vậy, việc thừa nhận và đồng hành cùng con là rất quan trọng. Ví dụ, khi con thất vọng vì không được đi chơi biển do thời tiết xấu, thay vì quát mắng, cha mẹ có thể nói: "Mẹ biết con buồn vì không được đi biển hôm nay. Nhưng thời tiết không tốt, mình cùng nhau làm điều gì đó thú vị ở nhà nhé?". Một câu nói đơn giản nhưng thể hiện sự thấu hiểu và đồng cảm sẽ giúp con cảm thấy được yêu thương và tôn trọng, từ đó dễ dàng chấp nhận và hợp tác hơn.
7. Áp dụng kỷ luật hợp lý với lỗi sai: Khi trẻ vi phạm quy tắc, thay vì những hình phạt chung chung, hãy áp dụng biện pháp kỷ luật có liên quan trực tiếp đến hành vi sai trái của chúng. Ví dụ, nếu con không dọn đồ chơi, hãy hạn chế trẻ chơi đồ chơi trong thời gian nhất định. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả với những trẻ gặp khó khăn trong việc tuân thủ một số quy tắc cụ thể. Tuy nhiên, cha mẹ cần tránh những hình phạt không liên quan, chẳng hạn như bắt con dọn nhà xe khi con không chịu ăn cơm. Điều này không chỉ không hiệu quả mà còn khiến trẻ cảm thấy bất công và khó chịu.
8. Lắng nghe và khuyến khích con tự tìm giải pháp: Khi nhận thấy con có dấu hiệu buồn bã hoặc gặp khó khăn, cha mẹ đừng vội vàng đưa ra lời khuyên. Bạn hãy nhẹ nhàng hỏi han, lắng nghe con chia sẻ. Nếu con nói ra được vấn đề, hãy cùng con thảo luận. Điều quan trọng là khuyến khích con tự suy nghĩ và đưa ra giải pháp. Nếu con chưa tìm được hướng giải quyết, cha mẹ có thể gợi ý, định hướng, nhưng đừng làm thay con. Hãy để con cảm nhận rằng mình đang chủ động giải quyết vấn đề. Sau đó, đừng quên dành cho con những lời khen ngợi và động viên chân thành. Điều này sẽ giúp con tự tin hơn và học được cách tự lập.
Phương Lam
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/8-meo-ngan-tre-buong-binh-ho-ra-la-an-va-post1542727.html