Nhiều loại thực phẩm tưởng chừng vô hại lại ẩn chứa đường, chất béo bão hòa hoặc các thành phần khác có thể đẩy bạn đến gần hơn với căn bệnh này.
Dưới đây là 8 loại thực phẩm bạn nên cân nhắc hạn chế để bảo vệ sức khỏe.
Một nghiên cứu lớn trên 63.000 người trưởng thành ở Trung Quốc cho thấy ăn thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2, đặc biệt ở phụ nữ. Ảnh: PHƯƠNG LÊ.
Rau củ giàu tinh bột
Rau củ vốn là nền tảng của một chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, một số loại rau lại chứa hàm lượng carbohydrate cao hơn, được gọi là rau củ giàu tinh bột.
Nếu bạn đang muốn giảm lượng carb nạp vào cơ thể, việc cắt giảm những loại rau này có thể hữu ích. Các loại rau củ giàu tinh bột điển hình là khoai tây (tất cả các loại), ngô, đậu Hà Lan và các loại bí ngô, bí đỏ hồ lô.
Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn
Một nghiên cứu lớn trên 63.000 người trưởng thành ở Trung Quốc cho thấy ăn thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2, đặc biệt ở phụ nữ.
Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn thường chứa nhiều nitrit và nitrat. Những chất này được chứng minh có thể làm tăng tình trạng kháng insulin, gây rối loạn đường huyết và tăng stress oxy hóa – tất cả đều là yếu tố nguy cơ của tiểu đường tuýp 2.
Trái cây chế biến
Trái cây tươi nguyên quả là nguồn dồi dào vitamin, khoáng chất, chất xơ và dưỡng chất. Tuy nhiên, khi trái cây trải qua quá trình chế biến, giá trị dinh dưỡng có thể thay đổi đáng kể.
Lượng đường bổ sung trong trái cây chế biến có liên quan trực tiếp đến nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa (huyết áp cao, đường huyết cao, cholesterol và chất béo bất thường, mỡ bụng dư thừa) và bệnh tiểu đường tuýp 2.
Ăn quá nhiều cơm trắng
Gạo trắng là loại ngũ cốc tinh chế, đã bị loại bỏ cám và mầm, chỉ còn lại phần nội nhũ giàu tinh bột. Quá trình chế biến này khiến gạo trắng ít chất xơ, polyphenol và các vitamin, khoáng chất hơn so với gạo lứt. Gạo trắng cũng có chỉ số đường huyết (GI) cao hơn, dễ dẫn đến tăng đường huyết đột ngột sau khi ăn.
Một nghiên cứu trên 132.000 người từ 21 quốc gia cho thấy, lượng gạo trắng tiêu thụ cao có liên quan đến việc tăng 20% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Nước ngọt và đồ uống có đường
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc uống đồ uống có đường làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Một nghiên cứu tại Mexico ước tính, mỗi khẩu phần đồ uống có đường tiêu thụ hàng ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 18%.
Đồ ăn vặt mặn
Mặc dù natri và thực phẩm mặn không trực tiếp làm tăng đường huyết, nhưng chúng có thể làm tăng huyết áp. Huyết áp cao (tăng huyết áp) và bệnh tiểu đường tuýp 2 thường song hành với nhau.
Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao gấp đôi bị huyết áp cao so với người không mắc bệnh, và cả hai tình trạng đều ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu.
Cá tẩm bột chiên giòn
Thực phẩm chiên rán thường xuyên được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Cá tẩm bột chiên có thể làm tăng đường huyết và ảnh hưởng tiêu cực đến mức cholesterol. Một nghiên cứu trên 35.000 nam giới Thụy Điển trong 15 năm đã kết luận rằng cá chiên có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Gia vị và nước sốt salad
Các loại gia vị và nước sốt salad như sốt mayonnaise, tương cà, sốt barbecue và các loại nước sốt salad không có giấm thường là nguồn tiềm ẩn của đường, natri và chất béo bão hòa. Sử dụng quá nhiều và thường xuyên có thể tích tụ, gây hại cho sức khỏe và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
PHƯƠNG LÊ
Theo VERYWELLHEALTH