8 'từ bỏ' phụ huynh nào cũng nên làm

8 'từ bỏ' phụ huynh nào cũng nên làm
20 giờ trướcBài gốc
1. Từ bỏ việc phải thế này, phải thế kia: Từ những trải nghiệm gia đình thời thơ ấu, nhiều phụ huynh thường hình thành những hình mẫu lý tưởng về việc làm cha mẹ hay tuổi thơ của con lẽ ra phải như thế này hay thế kia. Nhưng nếu cứ mãi bám víu vào những điều như vậy, bạn có thể bỏ lỡ những khoảnh khắc thực tế ở hiện tại. Vì vậy, hãy mạnh dạn đặt câu hỏi về những ưu tiên của bạn trong việc nuôi dạy con và lý do bạn chọn chúng. Ảnh: Pexels.
2. Từ bỏ việc áp đặt: Cha mẹ có trách nhiệm đặt ra những quy tắc nhất định cho con. Tuy nhiên, nếu con liên tục phản đối một quy tắc nào đó, đừng vội vàng ép buộc con phải làm theo. Thay vào đó, hãy cùng con tìm hiểu nguyên nhân. Hãy hình dung bạn là người đồng hành đáng tin cậy, hướng dẫn con khám phá thế giới, chứ không phải là một nhà độc tài chỉ ra lệnh. Khi cảm nhận được sự hướng dẫn từ bạn, trẻ sẽ sẵn lòng lắng nghe hơn. Nhờ vậy, cả bạn và con sẽ tránh được những cuộc chiến không cần thiết và những bực dọc không đáng có.
3. Từ bỏ việc la hét: Nếu bạn thường xuyên la hét khi bực bội, hãy tự hỏi "Việc quát mắng có thực sự giúp mối quan hệ giữa bạn và con tốt hơn không, hay ngược lại?". Quát mắng thường xuất phát từ sự tức giận và nó dễ khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, thậm chí bị tổn thương. Hành động này dần dần làm xói mòn lòng tin và cảm giác an toàn của trẻ. Bạn hãy để ý những lúc bạn mất bình tĩnh và la hét, sau đó cố gắng thay đổi cách ứng xử trong những tình huống tương tự về sau. Thay vì dùng giọng lớn, hãy thử hạ thấp tông giọng và giải thích nhẹ nhàng với con.
4. Từ bỏ việc phải là cha mẹ hoàn hảo: Không ai là cha mẹ hoàn hảo cả! Phụ huynh hãy chấp nhận những điểm chưa tốt của mình và đừng ngại sửa chữa sai sót. Những người làm cha mẹ giỏi nhất là những người luôn sẵn sàng học hỏi điều mới, thay đổi cách dạy con và không ngừng cố gắng để trở nên tốt hơn.
5. Từ bỏ lo lắng: Cha mẹ thường xuyên lo lắng thái quá không hề giúp con cái an toàn hơn. Ngược lại, nó còn khiến chính bạn thêm căng thẳng và vô tình gieo rắc nỗi sợ hãi vào tâm trí con trẻ. Thay vì chìm đắm trong những lo lắng không ngừng, hãy trân trọng từng khoảnh khắc hiện tại.
6. Từ bỏ định kiến khuôn mẫu: Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai. Vì vậy, một phương pháp nuôi dạy có thể hiệu quả với đứa trẻ này nhưng không phù hợp với đứa trẻ khác. Dĩ nhiên, vẫn có những nguyên tắc chung mà mọi đứa trẻ đều cần tuân theo, chẳng hạn như phải luôn tôn trọng người khác trong giao tiếp. Tuy nhiên, cha mẹ hãy nhớ rằng công bằng không có nghĩa là áp dụng y hệt một cách đối xử cho tất cả những đứa trẻ. Hãy linh hoạt điều chỉnh cách tiếp cận của bạn sao cho phù hợp với tính cách và nhu cầu riêng của từng con.
7. Từ bỏ việc thay con quyết định: Phụ huynh có quyền đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, để cả bạn và con đều cảm thấy vui vẻ và được tôn trọng, hãy tập thói quen lắng nghe ý kiến của con, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan trực tiếp đến chúng. Khi con đủ khả năng, hãy để con tham gia vào quá trình suy nghĩ và lựa chọn. Việc này không chỉ khiến trẻ cảm thấy mình được coi trọng mà còn giúp con rèn luyện kỹ năng đưa ra quyết định đúng đắn trong tương lai.
8. Từ bỏ việc mù quáng hy sinh bản thân: Là cha mẹ, việc yêu thương, dành thời gian và quan tâm cho con cái là điều tự nhiên và đáng trân trọng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn phải từ bỏ hoàn toàn những nhu cầu và sở thích cá nhân. Khi bạn liên tục bỏ bê bản thân, không quan tâm đến những nhu cầu cơ bản của mình, bạn vô tình gửi đến trẻ một thông điệp sai lệch, rằng khi trưởng thành, chúng cũng không cần phải chăm sóc cho chính mình. Hãy nhớ rằng một người cha, người mẹ hạnh phúc và khỏe mạnh mới có thể mang đến cho con cái sự chăm sóc tốt nhất.
Ngọc Bích
Theo Child Whisperer
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/8-tu-bo-phu-huynh-nao-cung-nen-lam-post1543509.html