80 năm Chiến thắng phát xít: Hồi ức của những cựu binh Anh

80 năm Chiến thắng phát xít: Hồi ức của những cựu binh Anh
10 giờ trướcBài gốc
Đoàn tụ sau Ngày chiến thắng, tháng 5/1945. Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát
Bà Ruth Bourne – Người lính thầm lặng phá mã Enigma
Ở tuổi 98, ký ức về ngày chiến tranh bắt đầu vẫn còn nguyên vẹn với bà Ruth Bourne. Khi ấy, cô bé 13 tuổi ở Caernarfon, Bắc xứ Wales, đã chạy vào phòng khách hét lên “Có chiến tranh!” mà không hiểu nỗi lo âu hiện rõ trên mặt mẹ mình – một cựu y tá Thế chiến thứ nhất.
Năm 17 tuổi, Ruth gia nhập lực lượng nữ Hải quân Hoàng gia (Wrens) và được giao nhiệm vụ tối mật: giải mã thông điệp của Đức quốc xã tại Bletchley Park. Tại đây, bà vận hành máy Bombe – cỗ máy do thiên tài Alan Turing và Gordon Welchman phát minh, nhằm phá mã Enigma. Mỗi ngày bà làm việc liên tục 7–8 tiếng, đứng bên chiếc máy cao như tủ đứng, trong im lặng tuyệt đối. Đến tận khi cha mẹ qua đời, họ vẫn không hề biết vai trò quan trọng của con gái mình trong chiến thắng của phe Đồng minh.
Ngày VE Day, Ruth hòa mình vào dòng người ăn mừng, chạy ra đường chặn xe mời trà, hò reo trước Cung điện Buckingham, đốt lửa trại tại Công viên Hyde và hát suốt đêm. “Tôi nghĩ không ai ngủ đêm đó,” bà nhớ lại, giọng vẫn còn rạo rực niềm vui vỡ òa năm nào.
Ông Richard Brock – Người lính trẻ chạm mặt chiến tranh khốc liệt
Ở tuổi 101, ký ức về những ngày chiến đấu chưa bao giờ phai nhạt với ông Richard Brock. Bước vào quân ngũ năm 18 tuổi, ông sớm có mặt tại Bãi biển Vàng (Gold Beach) chỉ vài ngày sau D-Day, dưới làn đạn cối của Đức quốc xã. Ông nhớ lại hàng cây trên đầu rụng lá ràn rạt khi đạn Đức rít qua. Chẳng lâu sau đó, ông cầm lái xe bọc thép Bren Gun Carrier, lao vào các trận chiến ác liệt từ Pháp đến Bỉ, Hà Lan.
Ông không thể quên hình ảnh những đồng đội ngã xuống và bị bỏ lại trên chiến trường. Trong túi áo ông đến nay vẫn còn bức ảnh của trùm SS Heinrich Himmler – kỷ vật từ tên sĩ quan Đức đầu tiên ông bắt giữ. Một lần khác, ông suýt chết khi tên lửa V2 phá hủy rạp chiếu phim ở Antwerp – nơi ông và bạn bè dự định xem Buffalo Bill. Bạn bè kéo ông ra khỏi đống đổ nát trong tình trạng choáng váng.
Chỉ vài giờ sau khi trại tử thần Bergen-Belsen được giải phóng, Richard tận mắt chứng kiến cảnh tượng rùng rợn: hàng trăm thi thể, mùi tử khí nồng nặc, những nạn nhân hấp hối. Khi chiến tranh kết thúc, Richard không hay biết ngày VE Day. Trong một lần tìm kiếm đạn dược trên xà lan, ông phát hiện nhiều thùng whisky John Haig. Ông và đồng đội âm thầm ăn mừng chiến thắng – trong sự nhẹ nhõm của những người đã sống sót.
Bà Christian Lamb – Người con gái của đại dương
Giờ đã 104 tuổi, bà Christian Lamb nhớ lại quãng đời tuổi trẻ đầy tự hào. Là con gái một đô đốc, bà nhập ngũ khi mới 19 tuổi, đảm nhận việc lập bản đồ hoạt động tại vùng biển Tây Đại Tây Dương – tuyến đường sinh tử nối nước Anh với phần còn lại thế giới.
Giữa hiểm họa từ những tàu ngầm U-boat Đức, bà cặm cụi ghi chép hành trình của từng con tàu trên bản đồ bằng bút sáp màu, giúp lực lượng hải quân vạch kế hoạch tác chiến. Tại Bắc Ireland, bà gặp Trung úy John Lamb, người chồng tương lai của mình. Chỉ sau 10 ngày quen biết, họ đính hôn trước khi ông ra khơi chiến đấu. Chiếc tàu khu trục của ông sau đó tham gia trận hải chiến khốc liệt nhất Đại Tây Dương – đánh chìm một tàu ngầm và đuổi ba chiếc khác.
Bà Lamb cũng tham gia chuẩn bị bản đồ cho cuộc đổ bộ D-Day – sự kiện mở đầu cho chiến dịch giải phóng châu Âu. Nhớ lại thời gian đó, bà mỉm cười: “Lần đầu tiên chúng tôi, những cô gái trẻ, được sống tự chủ, được quyết định cuộc đời mình.” Nhưng giữa bối cảnh địa chính trị hiện nay, bà nhắn nhủ lớp trẻ: “VE Day là dịp ăn mừng, nhưng đừng quên – không ai muốn chiến tranh với bất kỳ ai.”
Ông George Boothby – Người kỹ sư giữa Thái Bình Dương
Với ông George Boothby, nay 100 tuổi, quyết định nhập ngũ năm 1942 là điều tất yếu. “Tất cả bạn bè tôi đều đi hải quân hoặc không quân,” ông cười. Là kỹ sư lành nghề, ông phục vụ trên tàu sân bay hộ tống HMS Chaser, chuyên trang bị đạn dược cho máy bay trong Hạm đội Thái Bình Dương Anh.
Ông nhớ mãi một ngày khi ba phi công trẻ đến lái ba máy bay mới lên tàu sân bay. Một chiếc có trục trặc động cơ nhưng phi công vẫn nhận nhiệm vụ. Chiếc máy bay thứ ba đã rơi xuống biển, phi công thiệt mạng ngay trước mắt ông. “Đó là một nỗi đau chúng tôi phải chấp nhận mỗi ngày,” ông lặng lẽ.
Khi VE Day diễn ra, chiến tranh vẫn chưa kết thúc với ông. Phải đến tháng 8/1945, sau khi bom nguyên tử dội xuống Hiroshima và Nagasaki, chiến thắng mới đến ở Thái Bình Dương. Vài tuần sau, George có mặt tại Hiroshima, kinh ngạc trước sự hủy diệt của một quả bom nguyên tử. “Tôi sẽ không bao giờ quên thiệt hại mà nó gây ra,” ông nói chậm rãi.
Minh Hợp (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/80-nam-chien-thang-phat-xit-hoi-uc-cua-nhung-cuu-binh-anh-20250509092021885.htm