80% nông sản Việt xuất khẩu không thương hiệu, Bộ Nông nghiệp đề xuất Nghị định cấp bách

80% nông sản Việt xuất khẩu không thương hiệu, Bộ Nông nghiệp đề xuất Nghị định cấp bách
8 giờ trướcBài gốc
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề nghị xây dựng Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam nhằm quy định các cơ chế, chính sách cụ thể, đặc thù đối với phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam.
Theo thống kê, gần 80% nông sản của Việt Nam ra thị trường chưa có thương hiệu, logo, nhãn mác.
Đề xuất 4 chính sách cụ thể và đặc thù
Năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu kỷ lục đạt 62,5 tỷ USD, tăng 9,5 tỷ USD so với năm trước. Xuất siêu ngành nông nghiệp cũng đạt 18,6 tỷ USD, gấp nhiều lần mức 6,5 - 12,2 tỷ USD của giai đoạn 2015 - 2023.
Đáng nói, nông sản chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn của Việt Nam với kim ngạch mỗi năm khoảng 50 tỷ USD, trong đó rau quả đóng vai trò xuất khẩu chủ lực. Rau quả Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn, trong đó có các thị trường yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc… Tuy nhiên, trong số đó, gần 80% nông sản của Việt Nam ra thị trường chưa có thương hiệu, logo, nhãn mác.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng trong sản xuất, chế biến và chứng nhận sản phẩm đạt nhãn hiệu nông sản quốc gia giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng, đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng, được chứng nhận và cam kết truy xuất được nguồn gốc.
Đảm bảo thị trường minh bạch, lành mạnh; tăng cường truyền thông quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, quy định quy trình để áp dụng trong quản lý, vận hành các nhãn hiệu ngành hàng nông sản đã được đăng ký bảo hộ; là cơ sở pháp lý để đưa ra bộ tiêu chí cho các doanh nghiệp, sản phẩm được sử dụng (mang) nhãn hiệu ngành hàng nông sản. Tăng cường công tác tư vấn, đào tạo, hợp tác quốc tế về phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam, nhất là đăng ký bảo hộ tại các thị trường quốc tế; quy định các cơ chế, chính sách cụ thể, đặc thù đối với xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam.
Về định hướng xây dựng Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất 4 chính sách bao gồm: Chính sách hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản; Chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản ở trong và ngoài nước; Chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu, đơn vị tổ chức quản lý sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; Chính sách hỗ trợ các chương trình truyền thông, quảng bá, phát triển thị trường.
Cân nhắc loạt chính sách hỗ trợ DN, HTX và hiệp hội
Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, đây là việc làm cần thiết, bởi xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt đã và đang trở thành vấn đề vô cùng cấp bách, nếu không có hành lang pháp lý, khó có thể sớm thúc đẩy hoạt động này.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt đã và đang trở thành vấn đề vô cùng cấp bách.
Góp ý về dự thảo Nghị định, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để phát triển thương hiệu nông sản đòi hỏi các yếu tố: Sản phẩm đạt yêu cầu về số lượng và chất lượng; khả năng thâm nhập vào các kênh phân phối trong và ngoài nước; phát triển bộ nhận diện thương hiệu và câu chuyện thương hiệu phù hợp.
Trong đó, VCCI ủng hộ các chính sách hỗ trợ mà Dự thảo đang đề xuất để hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn kinh phí ban đầu trong việc thực hiện bảo hộ nhãn hiệu. "Việc bảo hộ thương hiệu chỉ cần thiết và hiệu quả khi thương hiệu đã mang lại giá trị kinh tế và việc bảo hộ nhằm bảo vệ các giá trị kinh tế đó", VCCI nhấn mạnh.
Đồng thời, VCCI cho rằng các nguyên nhân tương tự dẫn đến thương hiệu nông sản Việt Nam chưa phát triển cũng được nhận diện gồm: chưa có vùng sản xuất tập trung để có nguyên liệu đủ lớn và ổn định về chất lượng; chưa chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản; chưa xây dựng quảng bá, truyền thông.
Do đó, trong phạm vi Dự thảo này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số chính sách hỗ trợ cụ thể.
Đó là chính sách hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, phát triển bộ nhận diện thương hiệu. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các khóa học nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu, các khóa học nâng cao năng lực kinh doanh, quảng cáo trên thương mại điện tử...
Bên cạnh đó, theo VCCI, việc đầu tư xây dựng một thương hiệu nông sản (quốc gia hay địa phương) cũng cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để đạt hiệu quả tối ưu với mục tiêu cuối cùng là thương hiệu nông sản đó phổ biến, có thể nhận diện và mang lại giá trị kinh tế. Có như thế, các chính sách và kinh phí hỗ trợ của Nhà nước mới có hiệu quả và không lãng phí.
Ngược lại, nguồn hỗ trợ của Nhà nước có thể bị sử dụng mà không đạt hiệu quả. Do đó, để đảm bảo mục tiêu chính sách, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thiết kế chính sách theo hướng chọn lọc một số thương hiệu nông sản Việt Nam có tiềm năng (theo tiêu chí) và sẽ hỗ trợ các chi phí, hoạt động để phát triển thương hiệu. Việc đo lường hiệu quả có thể đặt theo các tiêu chí cụ thể như sản lượng/chất lượng, số lượng kênh phân phối và doanh thu.
Hồng Hương
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//viet-nam/80-nong-san-viet-xuat-khau-khong-thuong-hieu-bo-nong-nghiep-de-xuat-nghi-dinh-cap-bach-1104772.html