80 triệu đồng cho một năm học vi mạch, bán dẫn tại Việt Nam

80 triệu đồng cho một năm học vi mạch, bán dẫn tại Việt Nam
9 giờ trướcBài gốc
Các trường đại học chú trọng đẩy mạnh chương trình đào tạo vi mạch, bán dẫn. Ảnh: Ag5.
Trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, những năm qua, hàng loạt trường đại học đã mở các ngành đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn.
Năm 2025, các cơ sở giáo dục tiếp tục tuyển sinh cho chương trình đào tạo chính quy ngành vi mạch, bán dẫn. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng nhiều phương thức, tùy theo từng yêu cầu của trường.
Ví dụ, tại Đại học Quốc tế Sài Gòn, nhà trường tuyển sinh 50 chỉ tiêu ngành Thiết kế vi mạch cho năm học 2025. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng học bạ lớp 12, điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM hoặc xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đại học Quốc tế Sài Gòn chưa công bố học phí năm 2025-2026. Nhưng ở năm học trước, học phí ngành Thiết kế vi mạch ở trường này gần 30 triệu đồng/học kỳ.
Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch ở chương trình tiêu chuẩn. Trong năm 2025, nhà trường dự kiến tuyển sinh ngành này ở chương trình dạy và học bằng tiếng Anh với 40 chỉ tiêu.
Nếu theo học chương trình tiêu chuẩn, học phí năm 2025-2026 của ngành này dự kiến là 30 triệu đồng/năm học. Trong khi đó, học phí chương trình dạy và học bằng tiếng Anh là 80 triệu đồng.
Ngoài hai trường nêu trên, thí sinh tham khảo thông tin tuyển sinh, mức học phí ngành vi mạch, bán dẫn của các trường đại học khác theo bảng dưới đây.
Riêng tại TP.HCM, UBND TP.HCM dự kiến đào tạo ít nhất 9.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên để phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.
Theo đó, từ năm 2026-2030, thành phố sẽ triển khai đào tạo ít nhất 9.350 nhân lực có trình độ đại học trở lên trong các ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi tại Đại học Quốc gia TP.HCM.
Trong số 9.000 nhân lực này, TP yêu cầu ít nhất có 2.600 nhân lực liên quan ngành Thiết kế vi mạch và 3.600 nhân lực các ngành liên quan Công nghệ bán dẫn. Đại học Quốc gia TP.HCM cũng là đơn vị mà thành phố dự kiến xây dựng phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia.
Đại học Công nghiệp TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và Đại học Sài Gòn cũng được giao chỉ tiêu đào tạo, lần lượt là 1.400, 1.400 và 350 nhân lực cho ngành từ năm 2026 đến năm 2030.
Ngoài ra, thành phố sẽ thực hiện cấp giấy phép lao động cho giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài đến TP.HCM giảng dạy, nghiên cứu, làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu trong ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi.
Tú Anh
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/80-trieu-dong-cho-mot-nam-hoc-vi-mach-ban-dan-tai-viet-nam-post1544009.html