Ngày 24-4, Sáng kiến Rạn san hô Quốc tế (ICRI) ra báo cáo đợt tẩy trắng san hô toàn cầu gần đây nhất đã khiến 84% rạn san hô ở khắp đại dương bị bạc màu, trở thành đợt tẩy trắng san hô toàn cầu có quy mô lớn nhất từng được ghi nhận, theo đài CNN.
Năm 2024 được ghi nhận là năm Trái đất có nhiệt độ nóng nhất với nhiệt độ trung bình năm của bề mặt biển tại các đại dương xa cực đạt mức kỷ lục 20,87 độ C. Mức nhiệt này đã kích thích các loài tảo cộng sinh với san hô - nguồn dinh dưỡng chính và là tác nhân khiến san hô có màu sắc rực rỡ, sản sinh các chất gây hại, buộc san hô phải “trục xuất” loài tảo này ra ngoài, để lại phần xương trắng yếu ớt dễ bị tổn thương hơn.
Đợt tẩy trắng san hô đáng ngại này đã bắt đầu diễn ra vào năm 2023 và là đợt tẩy trắng san hô lần thứ tư kể từ lần đầu xảy ra sự kiện các rạn san hô khắp thế giới đồng loạt bị tẩy trắng năm 1999. Phạm vi ảnh hưởng của đợt tẩy trắng này đã vượt xa đợt tẩy trắng giai đoạn 2014-2017 và đến nay vẫn chưa kết thúc.
Một góc san hô bị tẩy trắng do biến đổi khí hậu tại Thái Lan. Ảnh: REUTERS
Cựu Giám đốc về San hô của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) - ông Mark Eakin cho biết những đợt tẩy trắng san hô toàn cầu tiếp theo có thể sẽ tiếp tục mở rộng quy mô.
“Chúng ta đang chứng kiến một sự kiện có khả năng thay đổi hoàn toàn hành tinh và khả năng duy trì kế sinh nhai và sự sống từ đại dương của chúng ta” - ông Eakin nhấn mạnh.
Chương trình Coral Reef Watch của NOAA cũng đã tăng mức cảnh báo về thang đo mức độ tẩy trắng để suy xét đến nguy cơ san hô chết dần.
San hô vốn đóng vai trò quan trọng trong ngành chăn nuôi hải sản và du lịch, đồng thời là rào chắn bảo vệ bờ biển khỏi xói mòn và bão. Các rạn san hô đôi khi được mệnh danh là “rừng mưa nhiệt đới của biển” vì chúng hỗ trợ mức độ đa dạng sinh học cao — khoảng 25% tất cả các loài sinh vật biển có thể được tìm thấy trong, trên và xung quanh các rạn san hô.
Các nhà khoa học cho biết dù hiện có nhiều nỗ lực để bảo toàn và phục hồi các rạn san hô, nhưng quan trọng nhất là phải giảm lượng khí thải nhà kính như carbon dioxide và methane, ngăn nhiệt độ Trái đất tiếp tục tăng.
“Mọi người thực sự cần phải nhận thức về hành động của mình…việc không làm gì cũng sẽ khiến các rạn san hô chết đi" - theo lời bà Melanie McField, đồng Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo Carribean của Mạng lưới Giám sát Rạn san hô Toàn cầu.
MINH CHIẾN