Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) là tổ chức quản lý và vận hành thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam, là công ty mẹ của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Mới đây, tại báo cáo kết quả kinh doanh gửi Bộ Tài chính, VNX cho biết tổng doanh thu năm 2024 đã đạt trên 2.200 tỷ đồng. Trong đó, HOSE đóng góp khoảng 1.680 tỷ đồng, còn 517 tỷ đồng đến từ HNX. Chỉ số ít doanh thu khác, xấp xỉ 40 tỷ đồng thuộc về hoạt động nghiệp vụ và tài chính.
Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, năm ngoái, thị trường đón 2 triệu tài khoản mới, tức mỗi tháng bình quân có thêm 166.000 tài khoản tham gia thị trường (Ảnh minh họa)
Năm ngoái, VNX ước tính số lãi sau thuế cũng lên tới 2.200 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2023 (1.920 tỷ đồng), cao nhất kể từ khi đơn vị thành lập, cao hơn giai đoạn thị trường chứng khoán "cực thịnh" nhất là năm 2022 (chỉ số VN-Index vượt ngưỡng lịch sử 1.500 điểm).
VNX xác lập kỷ lục lợi nhuận giữa bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2024 biến động khá mạnh, các phiên tăng, giảm liên tục đan xen, tuy nhiên xu hướng phục hồi cũng rõ nét. Tính đến hết năm 2024, chỉ số VN-Index đạt 1.266 điểm, tăng 12% so với cuối năm 2023; vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023; giá trị giao dịch bình quân đạt 21.00 tỷ đồng/phiên, tăng khoảng 20% so với bình quân năm trước đó.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, năm 2024, có 96 doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ với với khối lượng 396.700 tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2023; khối lượng mua lại trước hạn khoảng 187.000 tỷ đồng (giảm 24,7% so với năm 2023); có 1.431 mã trái phiếu của 326 tổ chức phát hành đã thực hiện đăng ký giao dịch. Tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4.225 tỷ đồng/phiên.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán năm 2024 cũng sôi động hơn đáng kể, với số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh. Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, năm ngoái, thị trường đón 2 triệu tài khoản mới, tức mỗi tháng bình quân có thêm 166.000 tài khoản tham gia thị trường.
Đây là năm có mức tăng trưởng tài khoản mở mới cao thứ hai trong lịch sử, chỉ sau năm 2022. Tổng số tài khoản của nhà đầu tư khi ấy đạt gần 9,16 triệu tài khoản, tăng khoảng 26% so với cuối năm 2023.
Sang năm 2025, thị trường chứng khoán tiếp tục đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới, là thời điểm bản lề với nhiều dấu mốc quan trọng của đất nước, mang đến hy vọng bứt phá, vươn mình mạnh mẽ. Chính phủ và ngành tài chính Việt Nam đang cho thấy quyết tâm trong việc nâng cấp thị trường, thu hút đầu tư quốc tế và đảm bảo sự vận hành minh bạch, an toàn.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, để Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, năm 2025, thị trường chứng khoán cần tăng tốc, bứt phá, khai thông nguồn lực, tận dụng tối đa tiềm năng của đất nước để phục vụ cho sự phát triển kinh tế đột phá, bền vững.
"Với những yêu cầu đặt ra như vậy, nhiệm vụ của ngành chứng khoán phải nỗ lực không ngừng từ tất cả các thành viên thị trường, từ việc cải cách cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt thu hút nhà đầu tư quốc tế, thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho Ngân sách Nhà nước, cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế. Ngành tài chính cần tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn, để thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh trong sự kiện đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm 2025.
Ngọc Anh