Thưa Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, ông có thể chia sẻ một số nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tai mũi họng trong dịp Tết Ất Tỵ 2025?
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Sơn:Cơ quan tai mũi họng là cửa ngõ của đường hô hấp và tiêu hóa trên, nơi tiếp xúc đầu tiên với các tác nhân có hại cho cơ thể theo đường không khí và ăn uống, do đó cơ quan tai mũi họng rất dễ bị tổn thương khi các yếu tố có hại cho cơ thể gia tăng.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Sơn – Giảng viên Bộ môn Tai mũi họng, Trường Đại học Y Dược – ĐHQG Hà Nội.
Về cơ bản, có một số yếu tố góp phần gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tai mũi họng trong dịp Tết nguyên đán như sau:
1. Thời tiết thay đổi thất thường: Dịp Tết thường rơi vào mùa đông, thời tiết lạnh và ẩm có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus phát triển, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tai mũi họng như: viêm mũi họng cấp, viêm mũi xoang cấp, viêm thanh quản cấp, viêm tai giữa…
2. Ô nhiễm không khí: Ô nhiễm không khí gia tăng trong một thời gian dài, do ô nhiễm bụi mịn, khói từ các hoạt động giao thông, sản xuất và sinh hoạt gia tăng trong dịp Tết có thể gây nguy hại cho đường hô hấp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tai mũi họng.
3. Tăng cường tiếp xúc xã hội: Với truyền thống văn hóa họp mặt ngày Tết, mọi người có xu hướng thường tụ tập, tham gia các buổi liên hoan, gặp gỡ bạn bè và người thân. Việc tiếp xúc gần, đông người trong khoảng không gian hẹp, không đeo khẩu trang, bắt tay “thân mật”, có thể làm tăng khả năng lây lan vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh khác.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Sơn nhấn mạnh việc tiêm vaccine cúm là cần thiết đối với những người có bệnh lý nền để giảm nguy cơ mắc các bệnh về tai mũi họng.
4. Thói quen ăn uống: Trong dịp Tết, mọi người thường ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, ít rau xanh và uống nhiều đồ uống có cồn, điều này có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Đồng thời thói quen sử dụng đồ ăn “cứng”, “chưa lọc xương”, cười đùa nói chuyện trong khi ăn làm tăng nguy cơ “hóc” dị vật đường ăn, dị vật đường thở. Thức ăn nhiều dầu mỡ dễ gây “chứng” khó tiêu, đầy bụng, làm tăng nguy cơ bị trào ngược dạ dày - thực quản hoặc họng – thanh quản.
5. Stress và mệt mỏi: Thời gian chuẩn bị và dịp tết kéo dài, đảo lộn các nhịp sinh học hàng ngày vốn có, việc di chuyển liên tục và thường xuyên “liên hoan”, có thể gây ra căng thẳng và mệt mỏi, làm giảm sức đề kháng của cơ thể, khiến cho người dễ mắc bệnh hơn.
6. Tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt: Trong dịp Tết nguyên đán, mọi người có xu hướng tăng cường đi lại, đồng thời sử dụng rượu bia nhiều hơn làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt nói chung và chấn thương vùng tai mũi họng nói riêng như: Gãy xương chính mũi, chấn thương hàm mặt,…
Bác sĩ Sơn nhấn mạnh việc đeo khẩu trang khi đến nơi đông người là cách hiệu quả để bảo vệ đường hô hấp khỏi bụi mịn, vi khuẩn và virus.
Trong dịp Tết, theo bác sĩ, những bệnh tai mũi họng nào giới trẻ thường gặp?
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Sơn:Do thay đổi thời tiết, không khí ô nhiễm, thói quen ăn uống và sự tập trung đông người, dưới đây là một số bệnh thường gặp:
1. Viêm mũi họng cấp: Thời tiết lạnh và không khí khô hanh, ô nhiễm bụi mịn tăng cao có thể làm tăng nguy cơ viêm mũi họng cấp. Viêm mũi họng cấp có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra, gây ra triệu chứng đau họng, khó nuốt, ngạt mũi, chảy dịch mũi, ho và rối loạn ngửi.
2. Nhiễm virus cấp đường hô hấp (Cảm cúm): Sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn và tiếp xúc với nhiều người trong các buổi tiệc Tết có thể làm tăng nguy cơ mắc cảm cúm. Triệu chứng bao gồm sốt, ho, đau đầu, mệt mỏi,đau họng và đau nhức cơ, xương.
Bác sĩ Sơn khuyên người trẻ ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya để cơ thể được nghỉ ngơi, tránh suy giảm sức đề kháng.
3. Viêm mũi xoang: Không khí ô nhiễm và các dị nguyên trong môi trường (như khói thuốc lá, bụi bẩn…) có thể khiến nhiều người mắc viêm mũi xoang cấp hay viêm mũi xoang dị ứng, với triệu chứng như nghẹt mũi, chảy mũi, đau đầu, đau nhức vùng mặt.
4. Viêm tai giữa: Thay đổi thời tiết và sự xuất hiện của cảm cúm có thể dẫn đến viêm tai giữa, đặc biệt ở trẻ em. Triệu chứng bao gồm sốt, đau tai, ù tai, chảy dịch tai, nghe kém. Đồng thời những người đang bị viêm tai giữa mạn tính có thể bị chảy dịch tai tái phát hoặc nhiều hơn.
5. Nhóm bệnh Dị ứng: Trong dịp Tết, nhiều người có thể gặp phải triệu chứng dị ứng do phấn hoa, bụi bẩn hoặc thực phẩm. Triệu chứng bao gồm hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi, ho kích ứng,…
Bác sĩ Sơn khuyến khích giới trẻ duy trì thói quen tập thể dục nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe, đặc biệt trong mùa đông lạnh giá.
6. Nhóm bệnh chấn thương và dị vật: Chấn thương vùng đầu mặt cổ do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt gia tăng trong dịp Tết. Ngoài ra dị vật họng miệng, thực quản hay dị vật đường thở cũng “thường” gặp hơn do thói quen ăn “đồ cứng”, cười đùa trong bữa ăn.
Bác sĩ có thể giới thiệu một số biện pháp phòng mắc bệnh tai mũi họng trong dịp Tết?
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Sơn:Trong dịp Tết, nhu cầu giao lưu, tiệc tùng và việc thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống, đi lại kết hợp các yếu tố bất thường về thời tiết và môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tai mũi họng. Dưới đây là một số cách dự phòng hiệu quả:
1. Vệ sinh cá nhân:
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Có thể sử dụng nước rửa tay khô chứa cồn khi không có xà phòng và nước hoặc khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh.
Theo Bác sĩ Sơn, tuân thủ luật giao thông và không lái xe khi đã sử dụng rượu bia sẽ giúp giảm nguy cơ chấn thương vùng tai mũi họng do tai nạn.
2. Bảo vệ đường hô hấp:
Tránh tiếp xúc với những người đang bị bệnh, đặc biệt là những người có triệu chứng cảm cúm, ho, hay sốt.
Nếu cần phải phải đến nơi đông người, hãy giữ khoảng cách hợp lý, đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân khỏi bụi bẩn và vi khuẩn. Rửa mũi và xúc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc bằng dung dịch sát khuẩn họng miệng nếu tiếp xúc với yếu tố nguy cơ gây bệnh.
3. Dinh dưỡng hợp lý:
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C và các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa để tăng cường sức đề kháng. Uống đủ nước để giữ ẩm cho cơ thể và giúp thanh lọc độc tố. Hạn chế sử dụng quá nhiều các chất kích thích như đồ uống có cồn, café, chè.
4. Tăng cường luyện tập thể dục:
Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe và khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, nên hạn chế tập ngoài trời vào những ngày chỉ số ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
5. Giữ ấm cơ thể:
Trong những ngày lạnh, hãy mặc đủ ấm và tránh để cơ thể bị nhiễm lạnh, đặc biệt là vùng mũi, cổ và ngực.
Bác sĩ Sơn khuyên mỗi người nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh tai mũi họng để đón Tết khỏe mạnh, trọn vẹn niềm vui.
6. Thay đổi thói quen sinh hoạt:
Hạn chế thức khuya và ngủ đủ giấc để cơ thể có thời gian phục hồi và tăng cường sức đề kháng. Hạn chế cười đùa khi đang “ăn nhai”, sử dụng đồ ăn mềm (đã lọc xương, nấu chín kỹ), dễ tiêu hóa giúp giảm nguy cơ hóc dị vật, trào ngược dịch dạ dày.
7. Tham gia giao thông đúng luật:
Hãy tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông, không sử dụng rượu bia khi lái xe, đội mũ bảo hiểm đúng quy định. Tránh các “va chạm” đáng tiếc gây chấn thương khi tiếp xúc với người khác.
8. Khử trùng môi trường sống:
Thường xuyên vệ sinh và khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, bàn ghế, và các đồ dùng trong nhà. Trang bị máy lọc không khí nếu được.
9. Sử dụng vaccine phòng ngừa:
Với 1 số cá nhân có bệnh lý như Hen phế quản, viêm mũi xoang dị ứng… có thể tiêm vaccine cúm phòng ngừa trước khi vào “mùa” cúm.
Bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa này, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tai mũi họng trong dịp Tết và tận hưởng một mùa lễ hội trọn vẹn hơn.
Trân trọng cảm ơn!
Tú Chân (Thực hiện)